| Hotline: 0983.970.780

"Tổng tấn công" chuột

Thứ Sáu 23/11/2012 , 11:13 (GMT+7)

Năm nay, trên địa bàn Bình Định vắng mưa lũ, lũ chuột mặc sức sinh sôi. Để ngăn chặn tình trạng trên, các địa phương đang dồn tổng lực diệt chuột.

Năm nay, trên địa bàn Bình Định vắng mưa lũ, lũ chuột mặc sức sinh sôi nảy nở, tăng đàn. Những cánh đồng lúa ĐX 2012 - 2013 sắp xuống giống sẽ là “đại tiệc” của chuột. Để ngăn chặn tình trạng trên, các địa phương đang dồn tổng lực diệt chuột.

Chuột hại nghiêm trọng

Hàng năm, tổng diện tích cây trồng ở Bình Định khoảng gần 209.000 ha, trong đó 120.000 lúa, 10.000 ha ngô, 12.000 ha sắn, gần 17.000 ha cây công nghiệp ngắn ngày và gần 37.000 ha cây công nghiệp dài ngày. Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi cây trồng, mùa vụ nên chuột gây hại ngày càng nghiêm trọng.

Nếu như năm 2011 chỉ có 203 ha lúa bị chuột cắn phá thì sang năm 2012 đã tăng đến gần 868 ha. Chuột phát sinh gây hại toàn bộ các vụ mùa trong năm, nhưng nặng nhất là vụ ĐX, bắt đầu từ giữa tháng 12 năm này đến đầu tháng 2 năm sau trên trà lúa đứng cái, làm đòng. Những cánh đồng bị chuột gây hại nhẹ cũng bị thiệt hại đến 10%, nơi bị nặng mất 20 - 30% năng suất. Ngoài việc gây hại cây lúa, lũ chuột còn “chén” cả mía, ngô, đậu đỗ các loại với mức độ thiệt hại từ 5 - 30%.


Nông dân Bình Định ra quân diệt chuột

Theo ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định, nguyên nhân do ít xảy ra mưa lũ lớn, các vùng SX lúa và cây trồng cạn có địa hình bán sơn địa, nhiều gò đồi và bờ cao, bụi rậm ven vùng SX tạo điều kiện cho lũ chuột trú ẩn khi có mưa lũ và sau khi thu hoạch.

Thêm vào đó, phong trào diệt chuột chỉ mới có nông dân tham gia, chưa được phát động sâu rộng trong toàn xã hội và do còn canh tác nhiều vụ/năm, thời vụ gieo trồng không đồng loạt, không tập trung nên lũ chuột liên tục có nguồn lương thực để “chè chén”.

Ông Phát nói: “Nhiều địa phương còn chủ quan trong công tác diệt chuột, nhất là trong vụ ĐX. Việc diệt chuột còn mang tính tự phát, không đồng bộ và liên tục và chỉ thực hiện một số biện pháp đơn lẻ khi cây trồng đã bị chuột gây hại nên hiệu quả không cao”.

Ra sức ngăn chặn

Rút kinh nghiệm, năm nay Bình Định chủ động ra quân diệt chuột trước khi xuống giống vụ ĐX. Theo nhận định, các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn và Tây Sơn sẽ bị chuột gây hại nặng, bởi có nhiều gò đồi, sông suối... là nơi cư trú lý tưởng của chuột.

“Do năm nay không có mưa lụt, dự báo tình hình chuột gây hại sẽ nghiêm trọng nên ngay từ tháng 10/2012 UBND tỉnh đã chỉ đạo cho ngành nông nghiệp và các địa phương dồn tổng lực mở nhiều đợt tấn công chuột với các biện pháp tổng hợp”, ông Phát cho biết.

Từ ngày 10/10/2012 đến nay, nhờ phát động phong trào toàn dân, kể cả lực lượng học sinh tham gia đào bắt chuột nên các địa phương đã thu mua được 100.000 đuôi chuột. Riêng huyện Hoài Ân thu mua 50.000 đuôi với giá 1.000 đ/đuôi, đặc biệt là xã Ân Đức đã thu mua được 40.000 đuôi với số tiền 40 triệu đồng.

Ngoài huy động nhân dân phát quang cây bụi ven làng và các khu vực SX, dọn sạch bờ mương, triệt phá hang ổ của lũ chuột, suốt mấy tháng qua nông dân tỉnh này còn thường xuyên tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như đào bắt, đánh bẩy, đổ nước vào hang, dùng chó mèo săn đuổi hoặc dùng đất đổ bít hang chuột.

Ở những vùng đồi cao, nông dân đặt bã chuột bằng các loại thuốc: Klerat 0,05%, Storm 0,005% và Musal 0,005 WB trộn với lúa mầm hoặc cám thực phẩm đặt ở bờ ruộng, gần hang hoặc gần lối đi của chuột.

Ngoài ra, tỉnh còn chỉ đạo biện pháp diệt chuột bằng thuốc Biorat với diện tích 2.500 ha tại những vùng có nguy cơ bị chuột phá nặng, nhất là ở cánh đồng mẫu lớn. Kinh phí mua thuốc Biorat (70.000 đ/kg) sẽ được tỉnh hỗ trợ 50%, còn lại được trích từ ngân sách huyện, xã. Hai địa phương thường xuyên bị chuột gây hại nặng là Hoài Ân và Hoài Nhơn đăng ký mua thêm thuốc Biorat để diệt chuột trên diện tích 1.000 ha/huyện. Các huyện, xã, HTXNN còn trích kinh phí thu mua đuôi chuột để khuyến khích người dân tham gia diệt chuột.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.