Trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của Hàn Quốc nhiều thập kỷ qua, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã khiến cả nước bất ngờ khi ban bố thiết quân luật vào tối 13/12 nhằm ngăn chặn "các lực lượng chống phá nhà nước". Tuy nhiên, các nhà lập pháp tại Quốc hội đã bỏ phiếu phản đối sắc lệnh này. Hãng thông tấn Yonhap cho biết nội các của Tổng thống đã đồng ý bãi bỏ thiết quân luật vào rạng sáng 14/12.
Sau khi thiết quân luật được gỡ bỏ, những người biểu tình bên ngoài Quốc hội đã hò hét và vỗ tay ăn mừng chiến thắng.
Đảng Dân chủ đối lập chính kêu gọi ông Yoon, người đắc cử Tổng thống hồi năm 2022, từ chức hoặc đối mặt với việc bị luận tội.
"Ngay cả khi thiết quân luật đã được gỡ bỏ, ông ấy không thể tránh khỏi các cáo buộc phản quốc. Rõ ràng là Tổng thống Yoon không còn có thể điều hành đất nước một cách bình thường được nữa. Ông ấy nên từ chức", Park Chan-dae, một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ, tuyên bố.
"Hàn Quốc đã né được một phát đạn, nhưng Tổng thống Yoon có thể đã tự bắn vào chân mình", Danny Russel, phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á ở Hoa Kỳ, nói.
Quyết định ban bố thiết quân luật bất ngờ của ông Yoon đã bị toàn bộ 190 nghị sĩ trong Quốc hội bỏ phiếu chống. Đảng Quyền lực Nhân dân của Tổng thống đã thúc giục ông gỡ bỏ sắc lệnh này. Theo luật pháp Hàn Quốc, Tổng thống phải ngay lập tức gỡ bỏ thiết quân luật nếu bị đa số trong quốc hội yêu cầu.
Mỹ cảm thấy "nhẹ nhõm"
Sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật, quân đội Hàn Quốc tuyên bố rằng các hoạt động của Quốc hội và các đảng phái chính trị sẽ bị cấm, và các phương tiện truyền thông và báo chí sẽ nằm dưới sự kiểm soát của bộ chỉ huy thiết quân luật.
Những người lính với đầy đủ trang bị đã cố gắng vào tòa nhà Quốc hội trong một thời gian ngắn. Các trợ lý Quốc hội được nhìn thấy cố gắng đẩy lùi binh lính bằng cách xịt bình chữa cháy.
Nhà Trắng cho biết họ rất vui vì ông Yoon đã nhượng bộ. "Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì Tổng thống Yoon đã rút lại thiết quân luật và tôn trọng kết quả bỏ phiếu của Quốc hội", một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell cho biết Mỹ đang theo dõi các diễn biến ở Hàn Quốc với "một sự quan ngại sâu sắc". Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Yoon không trích dẫn bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào từ Triều Tiên, thay vào đó tập trung vào các đối thủ chính trị trong nước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1980, thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc.
Ông Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết Hàn Quốc hiện đang xem xét khả năng bầu cử sớm. "Bất ổn chính trị và xung đột trong nước ở Hàn Quốc không phải là điều chúng tôi muốn. Tuy nhiên, đây lại là điều Triều Tiên mong chờ", ông nói.
Tổng thống Yoon đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống có kết quả sít sao nhất trong lịch sử Hàn Quốc vào năm 2022. Ông đã dẫn đầu một làn sóng bất mãn về chính sách kinh tế, các vụ bê bối và xung đột giới, nhằm định hình lại tương lai chính trị của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống mức khoảng 20% trong nhiều tháng. Đảng Quyền lực Nhân dân của ông đã phải chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 vừa qua, nhường quyền kiểm soát Quốc hội cho các đảng đối lập chiếm gần 2/3 số ghế.