Tuy nhiên, ông Trump cũng thừa nhận, vấn đề này dù còn rất nhiều quan ngại.
Trước đó, theo BBC, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết cuộc họp sẽ không diễn ra trừ khi Bình Nhưỡng có "hành động cụ thể". Trong khi đó, giới truyền thông trong nước loan báo, quyết định bất ngờ của ông Trump được đưa ra không tham khảo bất kỳ ý kiến nào của các nhân vật quan trọng trong chính quyền, và giờ đang khiến họ xất bất xang bang. Theo Reuters, trong lịch sử ngoại giao song phương, chưa từng có một vị tổng thống nào của Mỹ có cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.
Báo giới mô tả, hành động bất ngờ của ông Trump hôm 9/3 đã làm ngay cả các nhà quan sát cũng choáng váng, khi ông đồng ý sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều theo lời mời của đặc phái viên Hàn Quốc. Thư ký báo chí của ông Trump, bà Sarah Sanders thì cho hay, Triều Tiên đã "hứa sẽ phi hạt nhân hóa" và đồng thời khẳng định:"Washington sẽ không tham dự sự kiện sắp tới chừng nào chưa thấy hành động cụ thể".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Rex Tillerson, hiện đang có chuyến công du châu Phi thì không đưa ra lời bình luận nào. Trước đó, hồi cuối tuần, ông Tillerson cho biết, quyết định gặp ông Kim Jong-un là do "tự tổng thống đưa ra" và nhận định rằng, đấy sẽ là một cuộc đối thoại rất tốt…
Các nguồn tin từ Hàn Quốc cho hay, các đặc phái viên của Seoul đã gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bình Nhưỡng và họ đã nhất trí "cam kết phi hạt nhân hóa" như là mục tiêu cuối cùng, tuy nhiên họ vẫn chưa khẳng định cụ thể điều này sẽ bắt đầu trước cuộc gặp với Mỹ hay không. Thay vào đó, Bình Nhưỡng được hiểu là đã đồng ý ngừng chương trình thử nghiệm hạt nhân khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiến hành. Và ông Trump cũng tin tưởng Bình Nhưỡng sẽ giữ lời hứa.
Động thái ngoại giao mới giữa hai quốc gia thù địch ngay lập tức khiến cộng đồng quốc tế và thị trường thế giới có những phản ứng tích cực.
Hãng tin THX dẫn lời giới chức Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ và Triều Tiên nên coi sự kiện đối thoại sắp tới là cơ hội để duy trì bầu không khí tích cực hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, kiêm Đại sứ Trung Quốc về các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, Khổng Huyễn Hựu cho biết, Trung Quốc hy vọng các bên liên quan có thể đưa ra những nỗ lực chung để sớm tổ chức các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trước đó, Bắc Kinh đã kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy việc Washington và Seoul ngừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn. “Đề xuất của Trung Quốc nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết cho các bên tái khởi động tiến trình cho một giải pháp chính trị với vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Bước tiếp theo, Mỹ và Triều Tiên sẽ thông qua cách tiếp cận mà Trung Quốc đưa ra, thúc đẩy các cuộc đối thoại nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình trong khi thảo luận vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, ông Khổng nhấn mạnh.
Theo báo chí Hàn Quốc, hiện chưa rõ địa điểm và thời gian cụ thể diễn ra sự kiện dù một tuyên bố ban đầu của phái đoàn Seoul úp mở, cuộc họp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Tuy nhiên hãng tin BBC nhận định, khu phi quân sự biên giới của Hàn Quốc (DMZ) và Trung Quốc được xem là địa điểm có thể được chọn. Tuy nhiên, giới quan sát cũng bày tỏ sự quan tâm rằng, chính quyền của ông Trump có thể "rơi vào cái bẫy của Triều Tiên" trong việc ban cho họ những nhượng bộ mà không đánh đổi được điều gì cụ thể.