Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố, trong đó tập trung khá nhiều bên ngoài các trường học, và đa phần đều không được che đậy kĩ lưỡng. Kèm theo đó là việc nhiều loại thực phẩm bày bán không có bao bì nhãn mác rõ ràng. Đó là những lý do khiến cho thức ăn đường phố ẩn giấu nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Mặc dù trên địa bàn TP.HCM chưa ghi nhận có vụ ngộ độc nào nghiêm trọng gần đây nhưng không vì thế mà thành phố lơ là trong công tác phòng ngừa.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) cũng đang diễn ra trên cả nền tảng mạng, vì thế những hình thức kinh doanh thực phẩm trực tuyến cần được tăng cường kiểm tra xử lý; đồng thời phải có biện pháp quản lý những thực phẩm đang được kinh doanh rầm rộ trên các trang mạng để giảm nguy cơ người tiêu dùng phải sử dụng những thực phẩm không an toàn, những thực phẩm kém chất lượng.
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cùng các ngành chức năng thành phố đang tăng cường kiểm tra giám sát đột xuất và chỉ ra những sai phạm để xử lý kịp thời. Do đó, tất cả thực phẩm khi đưa vào bếp ăn tập thể phải đạt tiêu chuẩn quy trình chế biến bảo đảm sạch sẽ.
TP.HCM cũng chỉ đạo cần đề cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức cá nhân doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP, kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao, các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh ATTP; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Nâng cao năng lực phòng ngừa chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.
TP.HCM hiện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa phòng chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngoài việc thanh kiểm tra thì việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân cũng được tập trung đẩy mạnh.