| Hotline: 0983.970.780

Cả nước có hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không phép

Thứ Tư 26/06/2024 , 18:06 (GMT+7)

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cả nước hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không phép, chiếm đến 73%, điều này ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNTPhùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNTPhùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Động vật giết mổ tiêu thụ nội địa có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật còn cao

Ngày 26/6, Bộ NN-PTNT cùng UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị kiểm soát giết mổ động vật; góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT và Chương trình giám sát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo UBND tỉnh Long An cùng đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

Theo Cục Thú y, hiện cả nước có tổng cộng 440 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có 7 cơ sở dừng hoạt động với nhiều lý do và 24.858 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ.

Cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh, chiếm 27%. Tuy nhiên, số còn lại hơn 18.000 cơ sở giết mổ động vật không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, chiếm đến 73%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến ATTP có nguồn gốc từ động vật.

Năm 2023, Cục Thú y thực hiện lấy mẫu giám sát tại 10 CSGM và 6 cơ sở kinh doanh thịt heo, thịt gà tại 3 tỉnh/thành phố phía Bắc: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang. Đã thực hiện lấy 210 mẫu bao gồm: 60 mẫu lau thân thịt lợn, 40 mẫu da cổ gà, 20 mẫu nước, 90 mẫu thịt heo, gà. Tổng số 560 lượt mẫu phân tích các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư kháng sinh, hóa chất, kim loại nặng.

Nhìn chung, thịt gia súc, gia cầm giết mổ tiêu thụ nội địa có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật khá cao tại cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và cơ sở kinh doanh thịt chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh.

Hiện nay cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh, chiếm 27%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay cả nước có gần 7.000 cơ sở giết mổ động vật có giấy chứng nhận kinh doanh, chiếm 27%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đưa ra những thực trạng về công tác quản lý hoạt động giết mổ và kiểm soát giết mổ trong thời gian qua. Cụ thể, tại các tỉnh miền núi, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm đa số, dẫn đến số hộ kinh doanh giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư còn nhiều. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phân bổ rộng trên địa bàn các huyện, trong khi điều kiện địa lý khó khăn, dân cư ít và phân tán, giao thông đi lại khó khăn.

Việc giết mổ phân tán nên việc kiểm tra, kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn do không đủ nguồn lực. Thực tế hiện nay, chỉ có 4.328 (17%) cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định, còn lại 83% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không có nhân viên thú y để thực hiện kiểm soát giết mổ.

Hiện nay, có 14 tỉnh không tổ chức kiểm soát giết mổ bất kỳ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bao gồm: Điện Biên, Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ngãi và Trà Vinh.

Đặc biệt 7 tỉnh: Điện Biên, Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Ngãi không có cơ sở giết mổ tập trung và cũng không có thú y thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ. Như vậy, các tỉnh này không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giết mổ động vật theo quy định.

Nhìn chung, thịt gia súc, gia cầm giết mổ tiêu thụ nội địa có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật khá cao tại CSGM nhỏ lẻ và cơ sở kinh doanh thịt chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhìn chung, thịt gia súc, gia cầm giết mổ tiêu thụ nội địa có tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật khá cao tại CSGM nhỏ lẻ và cơ sở kinh doanh thịt chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Văn Long còn đưa ra những tồn tại và khó khăn hiện nay ngành thú y ở các địa phương, đó là dù có đủ năng lực về chuyên môn, nhưng thiếu nguồn lực (số lượng biên chế ít), lại không được giao nhiệm vụ kiểm soát giết mổ và không thể ủy quyền thực hiện kiểm soát giết mổ cho cấp huyện (do các trạm Chăn nuôi và Thú y đã sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, không thuộc quản lý trực tiếp của Chi cục).

"Chính khoảng trống về kiểm soát giết mổ này đang gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi và theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố không thực hiện được công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ cho động vật và các sản phẩm động vật xuất ra khỏi địa bàn cấp tỉnh", ông Long nói.

Trước thực trạng trên, Cục trưởng Cục Thú y đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật.

Giám sát 100% các cơ sở giết mổ

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Hằng năm, Long An có khoảng 10 triệu con gia cầm, đàn trâu bò 115.000 con, đàn heo 100.000 con... Hiện Long An có 45 cơ sở giết mổ đã được xây dựng, duy trì hoạt động và được sự kiểm soát giết mổ từ cơ quan thú y, trong đó có 5 cơ sở công nghiệp, 12 cơ sở bán công nghiệp và 28 cơ sở thủ công/thủ công cải tiến.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, CSGM động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, CSGM động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hoạt động quản lý cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, cụ thể như: Một số cơ sở giết mổ được xây dựng lâu năm, giết mổ thủ công là chính, nên việc nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo điều kiện ATTP, hướng tới giết mổ bán công nghiệp hoặc công nghiệp gặp khó khăn, cần có sự đầu tư kinh phí lớn.

Khó khăn tiếp theo, do phát triển dân cư đô thị khá nhanh nên nhiều cơ sở giết mổ hiện tại nằm xen giữa các khu dân cư, đô thị nên buộc phải có lộ trình di dời.

Ngoài ra, Long An có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia khá dài, cư dân sinh sống tập trung vùng ven biên giới chăn nuôi trâu, bò là chủ yếu. Đây cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.

Hằng năm, Long An có khoảng 10 triệu con gia cầm, đàn trâu bò 115.000 con, đàn heo 100.000 con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hằng năm, Long An có khoảng 10 triệu con gia cầm, đàn trâu bò 115.000 con, đàn heo 100.000 con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty San Hà, đưa ra kiến nghị đến Bộ NN-PTNT, cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động lãnh vực nông nghiệp. Thực trạng còn thiếu nhà máy giết mổ đạt chuẩn phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu, vì vậy cần chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư ngành nghề này.

Cái khó hiện nay, doanh nghiệp gánh chi phí đầu vào cao (giá điện, giá nước, phí xử lý môi trường đạt chuẩn...) trong khi lợi nhuận ngành này còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự xoay sở nguồn vốn cho việc đầu tư đất đai. Việc tiếp cận quỹ từ Nhà nước, cũng như hưởng chính sách ưu đãi là chưa có.

"Vì vậy, doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ ưu đãi lãi suất để phát triển ngành chăn nuôi và giết mổ tốt hơn trong thời gian tới", bà Hà đề xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Để làm được điều đó, các địa phương cần có mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến còn đề nghị các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung, tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở giết mổ. Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở, tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để Việt Nam có điều kiện tốt quản lý cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.