| Hotline: 0983.970.780

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều '4 không'

Thứ Tư 03/07/2024 , 20:51 (GMT+7)

Mặc dù giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm nhưng hiện các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại và chiếm tỷ lệ cao.

TS. Nguyễn Đình Minh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, giết mổ nhỏ lẻ đã làm thất thu khoản lệ phí giết mổ lớn, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thắm. 

TS. Nguyễn Đình Minh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, giết mổ nhỏ lẻ đã làm thất thu khoản lệ phí giết mổ lớn, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thắm

TS. Nguyễn Đình Minh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thú y (Bộ NN-PTNT) cho hay, năm 2023 cả nước vẫn còn 22.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm nên nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn.

Một số cơ sở giết mổ, nhất là gia cầm hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đều “4 không”: Không giấy chứng nhận kinh doanh, không kiểm soát giết mổ của thú y, không phân loại sản phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm và không xử lý chất thải đúng quy định.

Chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu như không nắm được nguồn gốc gia súc, gia cầm có khỏe mạnh hay bị nhiễm bệnh.

Ngoài ra, phần lớn các lò mổ nhỏ lẻ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định về giết mổ, không có hệ thống thu gom và xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường. Các chất thải được xả thẳng ra ao, sông, hồ hoặc xuống cống thoát nước. Các chất thải rắn như lông, phân, mảnh xương vụn cũng không được xử lý theo đúng quy định…

“Thực trạng này đã kéo dài và ngày càng lan rộng, nhưng chính quyền và các cơ quan chuyên môn vẫn chưa có lời giải cho bài toán hóc búa này. Giết mổ nhỏ lẻ đã làm thất thu khoản lệ phí giết mổ lớn, gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh”, TS. Minh nhấn mạnh.

TS. Minh cho rằng, mặc dù giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm nhưng hiện nay các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại và chiếm tỷ lệ cao bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, chi phí đầu tư thấp, không cần dây chuyền sản xuất, trang thiết bị hiện đại, không cần nhà lạnh, chỉ cần có con dao chọc tiết, chảo/bể xi măng chứa nước sôi, nền gạch hoặc tấm phản gỗ là giết mổ gia súc, gia cầm được.

Thứ hai, thợ mổ làm với kinh nghiệm truyền thống, không cần đào tạo về kiến thức, kỹ năng về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Thứ ba, việc vận chuyển gia súc, gia cầm dễ dàng thuận tiện với cự ly gần, vận chuyển bằng xe máy, xe ô tô nhỏ nên giảm giá thành giết mổ.

Thứ tư, lượng gia súc, gia cầm nhập về để giết mổ với lượng sản phẩm tiêu thụ luôn cân đối, phù hợp và tiêu thụ hết ngay trong ngày nên không phải nuôi nhốt gia súc, gia cầm trước khi mổ và không phải chứa, bảo quản sản phẩm sau khi giết mổ, do đó cũng làm giảm chi phí.

Thứ năm, xử lý chất thải trước và sau khi mổ cũng đơn giản và dễ.

Thứ sáu, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ có lãi suất cao hơn hẳn so với giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp.

Thứ bảy, do tâm lý người tiêu dùng thích thịt còn nóng, tươi, không tin và không thích thịt gia súc, gia cầm đã qua đông lạnh…

Những lý do trên khiến tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hiện nay ở nước ta vẫn chiếm ưu thế, làm cho giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp bị thua lỗ và không phát triển được, TS. Minh nói.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ dân sinh. Ảnh: Hồng Thắm.

Dễ dàng bắt gặp hình ảnh giết mổ gia cầm nhỏ lẻ tại các chợ dân sinh. Ảnh: Hồng Thắm.

Theo đó, TS. Minh đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp trong thời gian tới như: Kiên quyết dừng hoạt động đối với những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đạt các điều kiện, tiêu chuẩn quy định, trong đó có quy định về an toàn thực phẩm (định kỳ test mẫu).

Có cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư xây dựng, hoạt động đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp.

Quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp và bán công nghiệp gắn với việc tổ chức mạng lưới điều tiết sản phẩm giết mổ tới người tiêu dùng hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh việc hình thành tổ chức thực hiện chuỗi 3F (Feed - Farm -  Food). Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc quản lý, giám sát nguồn gốc gia súc, gia cầm và sản phẩm giết mổ. Tăng cường công tác tuyên truyền về việc giết mổ gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y liên quan tới an toàn thực phẩm…

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.