| Hotline: 0983.970.780

TP Sông Công công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Thứ Sáu 26/01/2024 , 17:20 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn được phép diễn ra bình thường kể từ ngày công bố hết dịch tả lợn châu Phi.

UBND Thành phố Sông Công đã ban hành quyết định công bố hết dịch đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

UBND Thành phố Sông Công đã ban hành quyết định công bố hết dịch đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

UBND TP Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) vừa ban hành quyết định công bố hết dịch đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn sau khi Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh thẩm định điều kiện, chấp thuận công bố hết dịch.

Theo đó, mọi hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn phường Lương Sơn được phép diễn ra bình thường kể từ ngày công bố hết dịch.

UBND TP Sông Công giao Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố và phường Lương Sơn phối hợp tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi; hướng dẫn công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, phục hồi chăn nuôi sau dịch bệnh...

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại phường Lương Sơn (TP Sông Công) từ ngày 8/11/2023, được UBND TP Sông Công công bố dịch ngày 5/12/2023. Từ ngày 8/11/2023 đến ngày 31/12/2023, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 22 hộ ở phường Lương Sơn và 2 hộ có lợn nghi mắc bệnh tại phường Bách Quang. Số lợn đã tiêu hủy là 205 con, tổng khối lượng trên 10 tấn.

Sau khi xác định bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, UBND TP Sông Công đã ban hành văn bản, yêu cầu chính quyền các xã, phường và phòng chức năng tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để dập dịch. Đồng thời, triển khai giải pháp phòng, chống dịch ở các địa bàn chưa xảy ra dịch bệnh.

Đặc biệt, Thành phố đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, ký cam kết thực hiện "5 không" đối với các hộ, cơ sở chăn nuôi: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, chết; không vứt xác lợn ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý chế biến làm thức ăn cho lợn.

Ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên cũng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với các phòng chức năng của phường Lương Sơn và TP Sông Công để thực hiện các biện pháp xử lý. Cụ thể, lực lượng chức năng đã tiêu hủy số lợn ốm, chết; hướng dẫn các hộ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và cách ly số lợn còn khỏe mạnh, chưa có biểu hiện mắc bệnh.

Đồng thời đề nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đàn lợn trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh và xử lý kịp thời lợn mắc bệnh; hướng dẫn các hộ chăn nuôi biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác...

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.