Bước tiến từ giống gốc đến ứng dụng thương mại
Theo ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam, trong số 7 công nghệ vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) được nghiên cứu và phát triển, sản xuất vacxin sống nhược độc được đánh giá có hiệu quả thương mại cao nhất. Đây cũng chính là công nghệ được ứng dụng thành công vào sản phẩm vacxin AVAC ASF LIVE, được cấp phép lưu hành chính thức vào ngày 8/7/2022.
AVAC ASF LIVE là loại vacxin nhược độc, đông khô, dùng cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên, chưa sử dụng cho lợn sinh sản (hậu bị, nái và đực giống). Sau khi tiêm 1 liều duy nhất, lợn bắt đầu được bảo hộ và thời gian bảo hộ kéo dài ít nhất 5 tháng.
Đặc biệt, Công ty AVAC làm chủ công nghệ về tế bào và virus, tối ưu được con giống và thích ứng giống vacxin nhân trên tế bào dòng DMAC. Công nghệ tế bào dòng DMAC là kết quả nghiên cứu độc quyền của AVAC, được đăng ký sáng chế với nhiều tính năng vượt trội.
Ông Nguyễn Văn Điệp cho biết thêm, từ khi ra mắt, AVAC đã cung ứng hơn 3 triệu liều vacxin ra thị trường, trong đó hơn 2,5 triệu liều được sử dụng nội địa, 465.000 liều xuất khẩu sang Philippines và Nigeria. Sử dụng với giám sát chặt chẽ tại trên 21 tỉnh từ 7/2023 - 6/2024, tất cả lợn tiêm vacxin đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị nổ dịch, vùng/cơ sở tiêm phòng được bảo hộ cao. Dự kiến, trong quý I/2025, AVAC sẽ tiếp nhận đơn đặt hàng 340.000 liều của Philippines.
“Thực hiện hơn 100 thí nghiệm trên động vật cho kết quả vượt trội, đặc tính của vacxin AVAC ASF LIVE an toàn cho lợn thịt từ 4 tuần tuổi, tạo miễn dịch bảo vệ nhanh sau 4 tuần, tỷ lệ bảo hộ cao trên 90% lợn tiêm vacxin (trên 5 tháng), không ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng của lợn hay ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của vacxin khác, an toàn và bảo hộ tốt cho lợn nái”, ông Điệp thông tin thêm về kết quả ứng dụng của vacxin.
Hỗ trợ triển khai diện rộng từ chính quyền địa phương
Vacxin AVAC ASF LIVE được đánh giá cao nhờ khả năng cung ứng nhanh trong nước và hệ thống nhà kho bảo quản tốt. Qua thử nghiệm tại nhiều tỉnh thành, vacxin này được xác nhận là an toàn và có khả năng bảo vệ tốt, với sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương.
Các tỉnh đã chủ động sử dụng ngân sách để tiêm phòng diện rộng, tiêu biểu như Cao Bằng với hơn 100.000 liều, Lạng Sơn 60.000 liều, Quảng Ngãi 50.000 liều, và Bắc Ninh 30.000 liều, Sơn La 700 liều.
Tại diễn đàn, ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ, tỉnh đã đầu tư ngân sách để mua các loại vacxin quan trọng, trong đó có 5.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi của AVAC.
Đại diện ngành thú y Hưng Yên cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng vacxin từ nguồn ngân sách Nhà nước và và kỳ vọng Bộ NN-PTNT, Cục thú y cùng lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm đến việc tiêm phòng vacxin trên đàn vật nuôi.
Tuy nhiên, vacxin ASF vẫn gặp phải một số khó khăn, như sự do dự của người chăn nuôi khi sử dụng sản phẩm mới, sự tồn tại của vacxin kém chất lượng, chưa rõ nguồn gốc, và phạm vi sử dụng hiện nay chỉ mới áp dụng cho lợn thịt, chưa triển khai trên lợn nái hay lợn giống. Ngoài ra, việc quản lý thương mại còn nghiêm ngặt, và vacxin ASF chưa có tiêu chuẩn từ Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH), trong khi biến chủng virus mới như rASF I/II tiếp tục xuất hiện.
Để khắc phục các vấn đề trên, đại diện Công ty AVAC đề xuất nghiên cứu mở rộng đối tượng sử dụng vacxin, bao gồm cả lợn sinh sản; hợp tác với các tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập và công bố tiêu chuẩn toàn cầu. Đồng thời, công ty cũng sẽ thúc đẩy đăng ký và thử nghiệm vacxin tại các quốc gia khác, cũng như phát triển vacxin mới chống lại chủng mới ASFV.