Sáng 26/12, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai giải pháp sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk đến ngày 25/12, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 680 hộ thuộc 13 huyện. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu huỷ là 4.840 con. Cho đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk có 5 huyện còn dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương là một trong những tỉnh có số lượng lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi lớn nhất cả nước.
Theo ông Côn, mầm bệnh đã và đang lưu tồn trên đàn lợn của địa phương từ năm 2019 đến nay. Hiện nay việc chăn nuôi lợn nông hộ, nhỏ lẻ là chủ yếu; công tác buôn bán vận chuyển, giết mổ còn tồn tại bất cập, khó kiểm soát. Việc triển khai chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch tễ trong thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ý thức phòng, chống dịch bệnh chưa cao nên nguy cơ dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn luôn thường trực.
“Dịch tả lợn Châu Phi cần có vacxin mới phòng chống được bệnh. Việt Nam may mắn có các đơn vị sản xuất được vacxin nên cơ hội phòng chống dịch. Hội thảo sẽ tìm giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi bằng vacxin nhằm làm rõ tác nhân gây bệnh, quy trình sản xuất, thử nghiệm, thẩm định vacxin trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội giúp cho ngành chăn nuôi lợn tại địa phương phát triển ổn định”, ông Côn nói.
Ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam cho biết, vacxin AVAC ASF LIVE do đơn vị sản xuất. Đây là vacxin phòng chống dịch với liều dùng duy nhất cho heo thịt từ 4 tuần trở lên, độ dài miễn dịch trên 5 tháng.
Đến nay, vacxin AVAC ASF LIVE đã được cấp phép lưu hành toàn quốc và đã tiêm tại hơn 30 tỉnh thành trong toàn quốc. Tại Đắk Lắk, một số chủ hộ chăn nuôi đã tiến hành tiêm vacxin trên đàn lợn và cho hiệu quả cao.