Chiều ngày 11/7, tại buổi làm việc thứ ba, kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt theo tờ trình của UBND TP.HCM.
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết và thường trực HĐND TP.HCM giám sát quá trình thực hiện.
Trước đó, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân báo cáo HĐND TP.HCM về lý do đặt lại tên đường đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt. Theo vị này, thời gian qua Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tiếp nhận ý kiến của Hội Di sản, các nhà nghiên cứu văn hóa, Hội Khoa học lịch sử TP.HCM... về việc đổi tên đường vì những công lao, đóng góp của Tả quân Lê Văn Duyệt trong việc xây dựng, bảo vệ vùng đất phía Nam và người dân miền Nam.
Hai lần ông làm Tổng trấn thành Gia Định dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, góp phần khai phá, mở rộng, bảo vệ vùng đất phương Nam.
Ngoài ra, vị trí đặt tên đường hiện nay vẫn còn lại di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xếp hạng Di tích cấp quốc gia.
Do đó, việc đặt lại tên đường còn nhằm tránh trùng tên vì quận Bình Thạnh đã có đường Đinh Bộ Lĩnh. Bên cạnh đó, xung quanh khu lăng Lê Văn Duyệt có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời với Tả quân Lê Văn Duyệt như Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị... giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm. Đây cũng là cách đặt tên đường khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Theo đó, việc đổi tên đường đã được UBND quận Bình Thạnh lấy ý kiến các tổ chức chính trị, xã hội, chuyên gia, người dân và nhận được sự đồng thuận. Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu thuộc phường 1 và 3 (quận Bình Thạnh), vì vậy việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt sẽ không làm thay đổi số nhà như hiện nay.
Lê Văn Duyệt (1763 - 1832) còn gọi là Tả Quân Duyệt, là một nhà chính trị, quân sự Việt Nam.
Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc và nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một đại thần, phục vụ hai triều vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) và Minh Mạng.
Lê Văn Duyệt gia nhập quân đội Gia Định, cùng chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn từ năm 1781. Ông cầm quân thắng nhiều trận lớn, nên nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ của quân Gia Định tới chức chỉ huy Tả Quân vào thời điểm cuộc chiến kết thúc.
Sau khi nhà Nguyễn thành lập, ông trở thành một vị quan, tướng quân giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình, nhiều lần công cán ở cả phía Bắc thành và hai lần được cử làm tổng trấn Gia Định.
Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam bộ, khiến cho vùng này từ một khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh thành một khu vực bình yên và giàu có.