Tại cuộc họp báo chiều 27/9 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, lý giải về 150.000 trường hợp chưa được cấp mã số khi được phát hiện qua test nhanh dương tính SARS-CoV-2, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, để xác định một trường hợp là F0 (nhiễm virus SARS-CoV-2) là phải được xác định bằng kỹ thuật PCR.
"Lý do là khi test nhanh thì có hạn chế là độ nhạy không cao. Tuy nhiên, trong thời gian tháng 8, tháng 9, TP.HCM có số trường hợp nhiễm Covid-19 tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, về mặt khoa học, một trường hợp có biểu hiện lâm sàng của nhiễm SARS-CoV-2 và qua test nhanh thì cần được nhanh chóng xác định đây là một trường hợp mắc Covid-19 để tiếp nhận, điều trị kịp thời, thay vì phải chờ kết quả xét nghiệm PCR (24 giờ).
Do đó, Bộ phận thường trực phía Nam của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có công văn gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho phép các trường hợp có kết quả test nhanh dương tính SARS-CoV-2 là F0", bác sĩ Châu lý giải.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, thời gian qua, TP.HCM đã ghi nhận tất cả các trường hợp có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính SARS-CoV-2 vào danh sách F0.
"Các trường hợp này đều được quản lý cách ly đúng quy định hoặc đưa vào khu cách ly tập trung; hoặc nếu đủ điều kiện sẽ được cách ly tại nhà. Đồng thời, phát gói thuốc A, B, C để điều trị và chăm sóc F0 tại cộng đồng. Tất cả các bệnh nhân này đều có trong danh sách F0 của TP.HCM".
Tuy nhiên, do quy định của Bộ Y tế, nên tổng số các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 này chưa có trong danh sách của Bộ Y tế, cũng như chưa có mã số thống kê.
Bác sĩ Châu cho biết, số F0 tăng sẽ ảnh hưởng đến mẫu số khi phân tích như tỷ lệ tử vong, khi mẫu số tăng lên thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi.
Tới đây, TP.HCM dựa vào số F0 thật để thu dung, điều trị tại nhà. Theo tiêu chí mới trong hướng dẫn của Bộ Y tế thì số ca mắc mới chỉ là một trong các tiêu chí để phân cấp độ nguy cơ và cấp độ nguy cơ trong Bộ tiêu chí của Bộ Y tế dựa trên WHO. Trên ngưỡng trên 150 trường hợp/100.000 dân/tuần thì ở cấp độ 4. Do đó, số ca mắc tăng lên thì TP.HCM vẫn trên 150. "Khi các tiêu chí này đảm bảo thì TP.HCM vẫn có thể xuống cấp độ thấp hơn, các biện pháp an toàn sẽ thuận tiện hơn cho các hoạt động của địa phương", bác sĩ Châu nói.
Trước đó, ngày 26/9, Sở Y tế TP.HCM cũng đã có văn bản khẩn đề nghị Bộ Y tế xin cấp bổ sung mã số cho khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên Covid-19 dương tính được phát hiện tại Thành phố, để được chính thức quản lý bằng mã số quốc gia. 150.000 trường hợp này được thống kê từ ngày 20/9 cho đến ngày 26/9.
Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP.HCM công bố chính thức số ca test nhanh kháng nguyên dương tính với Covid-19 như là ca khẳng định.
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 26/9, có 372.202 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 371.719 trường hợp mắc Covid-19 trong cộng đồng, 483 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 38.659 bệnh nhân, trong đó, có 3.612 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.856 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Riêng trong ngày 26/9, có 2.805 bệnh nhân nhập viện, có 2.936 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 193.509; số ca tử vong trong ngày 26/9 là 122 trường hợp, nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 14.500.
Tổng số mũi vacxin đã triển khai tiêm đến ngày 26/9 là 9.625.808 (tăng 183.993 mũi vắc xin so với ngày 25/09/2021) trong đó tổng số mũi 1 là 6.816.113 (tăng 1.426 mũi vắc xin so với ngày 25/09/2021), mũi 2 là 2.809.695 (tăng 182.567 mũi vắc xin so với ngày 25/09/2021), số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 1.116.257