| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM: Đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Thứ Tư 13/01/2021 , 13:53 (GMT+7)

Tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp TP.HCM chuẩn bị phục vụ tháng cao điểm Tết là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại hệ thống siêu thị hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Năm 2020 kết thúc với nhiều khó khăn bủa vây nền kinh tế, tác động đến nhiều ngành nghề và cuộc sống của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Để đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 cho người dân Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng giao Sở Tài Chính chủ trì, phối hợp Sở Công Thương, UBND các quận - huyện và các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi tình hình giá cả thị trường, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp điều kiện thực tiễn và quy định đối với các mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường của TP; kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về đăng ký giá, kê khai giá.

Mặt khác, giao Cục Quản lý thị trường phối hợp với UBND các quận - huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, hàng cấm, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng…; kiểm tra, kiểm soát các tổng đại lý, đại lý phân phối hàng hóa, không để hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường.

Đặc biệt quán triệt tiểu thương, người kinh doanh tại các chợ truyền thống cam kết không kinh doanh, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết…

Sở Công Thương phối hợp Sở NN-PTNT và các tỉnh, thành lân cận tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa liên kết với các vùng nguyên liệu, tổ chức tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán...

Nguồn hàng phong phú. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nguồn hàng phong phú. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn đã sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 1-30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.

Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% – 54,5% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...

Riêng mặt hàng bia, nước giải khát dự báo nhu cầu tiêu thụ dịp Tết trên địa bàn Thành phố ước khoảng 48,5 triệu lít/tháng (khoảng 6 triệu thùng), tăng khoảng 20% so với tháng thường. Hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch cung ứng Tết, giá cả ổn định như Heineken 405.000đồng/thùng, Tiger 335.000đồng/thùng, bia 333 Sài Gòn 255.000đồng/thùng, Coca cola 180.000đồng/thùng.

Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... của các công ty sản xuất bánh kẹo năm nay tiếp tục tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và có nhiều mức giá khác nhau, bình quân 200.000đồng/hộp đến dòng cao cấp 2.000.000đồng – 3.000.000đồng/hộp như: bánh Bibica Warmly (hộp thiếc 100.000đồng/hộp); Bibica Goody 208.000đồng/hộp, Lambertz 589.000đồng/hộp... Nhiều nhà sản xuất đưa ra thị trường những dòng sản phẩm phân khúc dành riêng cho Tết với bao bì bắt mắt, mang đậm màu sắc, không khí Xuân, đặc biệt, dòng sản phẩm dùng làm quà biếu, tặng được các nhà sản xuất như Kinh Đô, Bibica... chú trọng đầu tư.

Nhìn chung, dự báo tình hình thị trường Tết trên địa bàn TP.HCM sẽ có thêm nhiều hàng hóa đặc sản các địa phương, lượng hàng dồi dào, ổn định, chất lượng cao,  giá cả hợp lý đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm Tết của người dân Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.

Còn Sở Tài Chính TP.HCM cũng đã điều chỉnh giá bán các mặt hàng thịt gia súc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (BOTT) trên địa bàn năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021.

Trong đó, 8 mặt hàng thịt lợn (heo) được điều chỉnh tăng giá 6.000-15.000 đồng/kg tùy loại (tương ứng mức tăng 4,1%-10%).

Cụ thể, có 8 loại thịt heo trong chương trình BOTT điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong đợt này gồm thịt heo đùi từ 145.000 đồng/kg tăng lên 151.000 đồng/kg; thịt vai từ 145.000 đồng/kg lên 158.000 đồng/kg; thịt cốt lết từ 140.000 đồng/kg lên 153.000 đồng/kg; chân giò từ 129.000 đồng/kg lên 139.000 đồng/kg; thịt nách từ 127.000 đồng/kg lên 137.000 đồng/kg; thịt nạc vai, đùi từ 175.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg; xương đuôi heo 103.000 đồng/kg lên 113.000 đồng/kg; xương bộ heo 77.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg.

Việc điều chỉnh giá bán này áp dung từ ngày 12/1 đảm bảo giá thịt heo BOTT thấp hơn giá bán lẻ cùng sản phẩm, chủng loại, quy cách trên thị trường và ổn định cho sau Tết Nguyên Đán 2021 là 30 ngày, kể cả trong trường hợp giá heo hơi và thịt heo bán lẻ trên thị trường có biến động mạnh hơn nữa. Trường hợp giá heo hơi giảm, các doanh nghiệp sẽ phải tăng khuyến mãi sao cho giá bán trong chương trình BOTT luôn thấp hơn giá sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất 5-10%.

Doanh nghiệp tham gia chương trình BOTT được điều chỉnh giá bán tăng trong đợt này gồm 4 doanh nghiệp là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), hệ thống siêu thị BigC, Công ty Cổ phần Vissan và Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.