| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM hỗ trợ Đồng Nai điều trị trẻ ngộ độc thực phẩm

Thứ Sáu 03/05/2024 , 20:37 (GMT+7)

Chiều 3/5, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã xuống Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hội chẩn hỗ trợ điều trị trẻ ngộ độc nặng sau ăn bánh mì.

Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhi bị ngộ độc sau ăn bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: BVCC

Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhi bị ngộ độc sau ăn bánh mì trên địa bàn thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: BVCC

Hiện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho 6 bệnh nhi bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (thành phố Long Khánh). Trong đó, có 2 ca nặng đang thở máy, lọc máu chu kỳ thứ 2.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai về 2 trường hợp nặng đang phải thở máy, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã cử các chuyên gia hồi sức Nhi hội chẩn trực tuyến, tư vấn chuyên môn; đồng thời cử đoàn chuyên gia về hồi sức cấp cứu đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn.

Sau khi 2 bệnh viện hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm.

Do đó, các bác sĩ tiến hành lọc máu, xác định tình trạng nhiễm trùng. Hiện tại, huyết động học của 2 trẻ tạm ổn định, tuy nhiên, trẻ 6 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, 2 trường hợp này rất nặng. Trong đó, một trẻ 6 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng; một trẻ bị sốc nặng.

Bác sĩ Quang cho biết thêm, hiện Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng đang điều trị cho một bệnh nhi sinh năm 2011 (ngụ Xuân An, Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) sau khi ăn bánh mì. Bệnh nhi được chẩn đoán viêm ruột, tiêu chảy cấp có mất nước nghi do vi trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.

Bệnh nhi được xử trí bù dịch tích cực, kháng sinh và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc tiếp tục điều trị. Sau 12 giờ tích cực điều trị, hiện tình trạng bệnh nhi sinh hiệu ổn, tỉnh táo, hết sốt.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng yêu cầu các bệnh viện trên địa bàn thành phố chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận các trường hợp nặng từ các bệnh viện ở Đồng Nai chuyển đến.

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính đến 9h ngày 3/5, số ca bệnh liên quan đến vụ ngộ độc đã lên đến 481 ca. Hiện các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa cao su Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Phòng khám Đa khoa Ái Nghĩa, và 1 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Trước đó, ngày 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) tiếp nhận 70 ca ngộ độc thực phẩm nhập viện sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh). 

Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã đến cơ sở bánh mì này để kiểm tra, kết quả cho thấy, tiệm bán bánh mì Băng mỗi ngày phục vụ khoảng 1.000 ổ bánh mì thịt với nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. 

Theo Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai Nguyễn Đình Minh, qua điều tra cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân từ 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.

Trong khi đó, tiệm bánh mì Băng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khỏe.

Khu vực sơ chế biến thực phẩm rộng thoáng, không gần nguồn ô nhiễm. Có trang bị thiết bị, dụng cụ để chế biến thực phẩm.

Đáng chú ý, tại thời điểm điều tra, tiệm bánh mì Băng không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh. Tuy nhiên, chủ cơ sở là bà N.T.K.B lại sử dụng giấy phép kinh doanh số 47F8015434 cấp ngày 27/9/2021 do Phòng Tài chính - kế hoạch (UBND thành phố Long Khánh) cấp cho bà N.T.N.P (con ruột bà B đã đi nước ngoài)làm chủ hộ kinh doanh.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM.

Đoàn kiểm tra cũng tiến hành niêm phong thực phẩm và giao cơ sở tự bảo quản trong tủ đông tại cơ sở. Đồng thời, thực hiện phết mẫu dịch tỵ hầu của 4 người chế biến thực phẩm.

Lực lượng chức năng đã yêu cầu cơ sở tiếp tục tạm ngưng hoạt động kinh doanh cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. 

UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các bệnh viện tập trung nguồn lực, cứu chữa kịp thời các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. 

Yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Sở Công Thương, Sở NN-PTNT, Cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn thực phẩm khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Xem thêm
5 nguyên nhân phổ biến gây ung thư vú

Nguyên nhân phổ biến gây ra căn bệnh ung thư vú là sử dụng các liệu pháp thay thế hormone và thuốc tránh thai. Ngoài ra, thừa cân, béo phì cũng gia tăng xác suất mắc ung thư vú.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Ngâm chân bằng nước lá lốt thường xuyên có tốt không?

Ngâm chân bằng nước lá lốt là phương pháp Đông y phổ biến, giúp kích thích huyệt, đả thông kinh mạch và tăng tuần hoàn máu.