Tham dự hội nghị có lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM; đại diện các sở, ngành và đại diện của 25 hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và gần 200 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành ủy TP.HCM cho biết, năm 2019 thành phố sẽ tập trung các nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn các chương trình, đề án đã chậm triển khai trong thời gian qua, trọng tâm là tuyến Metro số 1, 2; Đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý DN, thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội; Đẩy mạnh thực hiện đề án TP.HCM trở thành đô thị thông minh gắn với Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố...
Tại hội nghị, nhiều DN FDI cho rằng TP.HCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nhưng đã phần nào bị mờ nhạt trong những năm gần đây do vấn đề giao thông. Các nhà đầu tư đang thất vọng về tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và tiến độ chậm trễ của dự án tàu điện ngầm.
Ông Nicolas Audier, Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho biết, rất nhiều DN châu Âu đã lựa chọn TP.HCM để đầu tư, điều đó chứng tỏ TP.HCM có một môi trường đầu tư và thương mại thu hút các DN nước ngoài. Tuy nhiên, ông cho rằng, TP.HCM cần đẩy mạnh thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất; đảm bảo hoàn thành dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến; đồng thời xử lý ngập lụt, nâng cao các trạm giao thông công cộng, xây dựng cơ sở hạ thầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông.
Trong khi đó, ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó trưởng đại diện Văn phòng kinh tế và thương mại Tây Ban Nha tại TP.HCM cho rằng, việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp như hiện nay sẽ làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất...
Trước những tồn tại, hạn chế DN FDI nêu ra, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, những kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND TP.HCM thì sẽ khẩn trương giải quyết, còn vượt quá thì sẽ có kiến nghị đề xuất giải quyết nhằm đáp ứng mong đợi của các DN FDI.
Hiện TP.HCM có gần 12.000 DN FDI với vốn đăng ký 438.000 tỷ đồng và bình quân 1 DN đóng góp 5 tỷ đồng cho ngân sách. DN FDI đóng góp nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đến nay thành phố đã thu hút hơn 8.000 dự án với số vốn đăng ký gần 45 tỷ USD, xuất khẩu của DN FDI bình quân mỗi năm đạt 20 tỷ USD, chiếm 58,7 tổng kim ngạch xuất khẩu của TP, chiếm 23% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2019, Thành phố cũng công bố 255 dự án mời gọi đầu tư của DN FDI, trong đó có 245 dự án xã hội hóa để các DN FDI nghiên cứu và chọn các dự án trọng tâm để đầu tư tại thành phố trong giai đoạn tới.
Trên cơ sở kết quả thu hút DN FDI năm 2018 và thực hiện chủ đề năm 2019 của thành phố là “Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính (CCHC) và NQ54 của Quốc hội”, ông Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị của thành phố cần tập trung các giải pháp trọng tâm về CCHC, thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN FDI.
“TP.HCM luôn thiết tha mời gọi đầu tư nước ngoài nhưng cũng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, trốn tránh trách nhiệm môi trường, tổn hại đến uy tín của thành phố. Thành phố luôn lắng nghe và đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững”, ông Phong khẳng định.