Chiều 7/7, tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM Khóa X, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trong Nghị quyết số 10 của HĐND TP.HCM sau hơn ba tháng triển khai. Động thái này được HĐND TP.HCM nhằm khuyến khích vận tải hàng bằng đường thủy nội địa và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19.
Theo đó, đối tượng nộp phí là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển TP.HCM; tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực của khẩu cảng biển TP.HCM.
Theo quyết nghị, đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập; hàng quá cảnh theo container 20ft, 40ft với mức phí tương ứng 2,5 triệu đồng, 4,4 triệu đồng/cont; hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container; hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng với 50.000 đồng/tấn; hàng gửi kho ngoại quan; hàng chuyển khẩu được đưa vào khu vực kho bãi thuộc các cảng biển TP.HCM (không đưa vào kho ngoại quan và khu vực trung chuyển) theo container 20ft, 40ft với mức phí tương ứng 250.000 đồng, 500.000 đồng/cont…
Đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải đường thủy được miễn phí.
Đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái - nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy được giảm 50% mức phí.
Theo Nghị quyết, HĐND TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP đảm bảo công khai, minh bạch, thực hiện thu đúng, thu đủ các đối tượng nộp phí theo quy định. Quá trình thực hiện thu phí cần đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thông quan hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, có phương án sử dụng phí cảng biển thu được một cách hiệu quả và đúng mục đích là đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng biển khu vực TP.
TP.HCM bắt đầu triển khai thu phí hạ tầng cảng từ đầu tháng 4, thu phí qua hệ thống điện tử, không dùng tiền mặt. Sau thời gian triển khai, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội phản ứng vì cho rằng có sự phân biệt đối xử, mặt khác, còn tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Bộ, các cơ quan, sớm trình HĐND TP.HCM xem xét điều chỉnh trong tháng 7/2022; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích đến doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan hữu quan để tạo sự đồng thuận khi thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan theo dõi tình hình tổ chức điều chỉnh thu phí hạ tầng cảng biển TP.HCM của UBND TP.HCM, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.