| Hotline: 0983.970.780

5 Hiệp hội kiến nghị Chủ tịch Quốc hội về phí hạ tầng cảng biển

Thứ Năm 07/04/2022 , 22:01 (GMT+7)

Theo 5 Hiệp hội, việc thu phí sử dụng hạ tầng hàng hóa đường thủy nội địa của TP Hải Phòng và TP.HCM là không đúng đối tượng.

Ngày 7/4, 5 Hiệp hội doanh nghiệp liên quan đường thủy nội địa gồm Hiệp hội chủ hàng Việt Nam (VNSC), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VSA), Hiệp hội Đại lý, môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam (VISABA), Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) và Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam có công văn kiến nghị Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc không thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan đến vận tải đường thủy nội địa, đảm bảo lợi ích chung của quốc gia, các Hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và các cơ quan có liên quan giám sát việc ban hành văn bản pháp luật theo chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định.

Đồng thời, kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét dành thời gian làm việc trực tiếp với 5 Hiệp hội để các Hiệp hội được báo cáo, kiến nghị đầy đủ, chi tiết về những nội dung liên quan đến thu phí sử dụng hạ tầng hàng hóa đường thủy nội địa.

Theo 5 Hiệp hội này, Việt Nam có 2.360 con sông, kênh có tổng, chiều dài khoảng 42.000 km với 9 hệ thống sông lớn đổ ra biển thông qua 120 cửa sông, tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác hơn 17.000 km. Có 9 hành lang vận tải đường thủy kết nối với nhau và kết nối trực tiếp đến các cảng biển và tuyến vận tải ven biển.

Tuy đầu tư cho ngành đường thủy nội địa còn thấp, giai đoạn 2015-2020 chỉ chiếm dưới 2% tổng đầu tư cho ngành giao thông vận tải, nhưng tỷ trọng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa của đường thủy nội địa luôn rất cao, chiếm khoảng 19% tổng lượng hàng hóa trong nước (nghĩa là cứ 5 tấn hàng trong lưu thông thì có 1 tấn hàng được chuyển bằng đường thủy nội địa), và chiếm hơn 20% khối lượng hàng hóa luân chuyển toàn quốc (tỷ lệ ở vùng Đồng bằng sông Hồng là 45%, vùng Đông Nam Bộ là 47,5% và tại vùng Đông bằng Sông Cửu Long chiếm gần 80%).

Vận tải đường thủy nội địa là phương thức vận tải được hàng hóa khối lượng lớn (1 xà lan chở được đến 250 container tương đương 250 xe ô tô chạy trên đường thân thiện với môi trường (mức phát thải chỉ bằng 1/5 so với đường bộ) và an toàn giao thông (tổng số người chết vì TNGT đường thủy nội địa trong 1 năm chỉ bằng khoảng 2 ngày so với TNGT đường bộ).

Các Hiệp hội cho rằng, việc TP Hải Phòng (từ 2017 đến nay) và TP.HCM (từ 1/4/2022 đến nay) thu phí sử dụng công trình, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển (phí sử dụng hạ tầng khu vực cảng biển) là không đúng đối tượng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện đường thủy nội địa. Bởi, hàng hóa được vận tải bằng phương tiện đường thủy nội địa không sử dụng hạ tầng của địa phương kết nối đến cảng biển.

“Việc thu phí với những bất cập nêu trên đã gây ra những hậu quả trái với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa và lợi ích của quốc gia; Không khuyến khích hàng hóa được vận tải bằng đường thủy nội địa để giảm áp lực cho hạ tầng đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông đường bộ kết nối đến cảng biển, giảm khí thải carbon vào môi trường theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26”, 5 Hiệp hội này nêu.

Trước bất cập và hậu quả của việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa các Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vận tải đường thủy nội địa đã có nhiều văn bản báo cáo đến TP Hải Phòng và TP.HCM.

Đồng thời, gửi văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, cũng như gửi văn bản đến Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân và được Đại biểu trực tiếp làm việc.

Theo 5 Hiệp hội, quan điểm của Đại biểu Lê Thanh Vân là phải giám sát việc ban hành văn bản mà trọng tâm là thẩm quyền về nội dung để đảm bảo tính hợp lý, hợp pháp của văn bản được ban hành cũng như quá trình thực thi của các cơ quan có liên quan. Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đã gửi 2 văn bản đến Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị trả lời các kiến nghị của các Hiệp hội. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng đã có văn bản gửi HĐND, UBND TP Hải Phòng và TP.HCM.

"Mặc dù nhận được văn bản của các Hiệp hội, ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 29/9/2020, thành phố Hải Phòng và TP.HCM vẫn tiếp tục thu phí không đúng đối tượng, không có văn bản trả lời đến các Hiệp hội, không tổ chức đối thoại, làm rõ bất cập khi thu phí không đúng đối tượng đối với hàng hóa vận tải bằng đường thủy nội địa", 5 Hiệp hội kiến nghị.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.