Phát biểu tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với UBND TP.HCM và các Sở, ngành chiều 12/10, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, với việc thực hiện Chỉ thị 18, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đã bắt đầu hoạt động trở lại, có nhiều tín hiệu lạc quan.
Bà Thắng cho biết, TP.HCM có hai “vùng xanh” là huyện Cần Giờ và Củ Chi. Trong thời gian qua, Thành phố đã tổ chức các chuyến đi dành cho lực lượng tuyến đầu nhằm tri ân cũng như giúp các lực lượng tuyến đầu tìm hiểu những nét văn hóa cơ bản nhất của Thành phố trong thời gian dịch bệnh. Các doanh nghiệp du lịch cùng với Sở Du lịch TP.HCM đã ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm, tính toán thực hiện tour khép kín.
“Thành phố cũng đã làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh để tổ chức kết nối lại tour đi địa đạo Củ Chi và núi Bà Đen, sẽ bắt đầu từ ngày 16/10. Đây là tour khép kín”, bà Thắng cho biết.
Cũng theo bà Thắng, trong tuần tới, Thành phố sẽ kết nối với các tỉnh thành khác để thực hiện kết nối các tuyến tour du lịch khép kín, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bởi đa số người dân TP.HCM đều đã được tiêm hai mũi vacxin phòng Covid-19. Điều này sẽ giúp cho các dịch vụ kết nối phát triển mở rộng trong thời gian tới.
Liên quan đến chuỗi cung ứng kết nối hàng hóa với các tỉnh, theo bà Phan Thị Thắng, suốt trong quá trình thực hiện giãn cách, Thành phố đã liên tục kết nối hàng hóa với các tỉnh, bởi hàng hóa tiêu dùng hàng ngày ở Thành phố đều có sự cung ứng của các tỉnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, cũng có nhiều chuỗi đứt gãy và không thông suốt, số lượng hàng hóa không phong phú.
“TP.HCM cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các hiệp hội, đồng thời Thành phố đang chờ ý kiến các tỉnh, tùy tình hình dịch bệnh, thời gian tới sẽ tổ chức những buổi hội nghị giới thiệu sản phẩm, kết nối và tổ chức các hội chợ bán lẻ”, bà Thắng nói.
Về việc khôi phục trở lại sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCX-KCN-KCNC, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, đến nay, đã có 70% doanh nghiệp trong KCX-KCN-KCN hoạt động trở lại. Hầu như 100% công nhân, nhân viên của các khu vực này đều đã tiêm vacxin phòng Covid-19. Do đó, khi tổ chức hoạt động trở lại, các doanh nghiệp mà trước đây đã tổ chức mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” cơ bản đã giãn ra.
Theo bà Thắng, trong quá trình làm việc, TP.HCM đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan Trung ương. Từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52 về thực hiện chính sách gia hạn, nộp thuế đối với các tổ chức doanh nghiệp. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 27 về giảm tiền thuê đất năm 2021.
Về định mức giảm thuế, bà Thắng cho biết, Chính phủ cũng đã dự thảo Nghị định về một số chính sách miễn giảm thuế năm 2021, với dự kiến giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đối tượng có doanh thu không quá 200 tỷ đồng; giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/10 đến 31/12 cho các doanh nghiệp hoạt động ở một số lĩnh vực như giao thông vận tải, hàng không, dịch vụ lưu trú...; miễn tiền phạt nộp chậm của năm 2020-2021 cho các doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm. Đặc biệt, dự kiến tất cả các hộ cá nhân kinh doanh sẽ được miễn toàn bộ thuế phải nộp của quý 3 và quý 4/2021.
Cũng theo bà Thắng, để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, Sở Công thương TP.HCM cùng Ngân hàng nhà nước sẽ tổ chức buổi kết nối ngân hàng với một số doanh nghiệp vào cuối tuần này.
Đối với các hộ sản xuất kinh doanh, khi tiếp cận ngân hàng có khó khăn, do đó Thành phố đã giới thiệu các đơn vị có nhu cầu với Ngân hàng chính sách xã hội cùng các nguồn quỹ của các tổ hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… ở phường để các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mua bán hàng ngày có thể tiếp cận vốn vay.
Ngoài ra, về chi phí phát sinh trong quá trình phòng chống dịch bệnh, bà Thắng cho biết, TP cũng đã kiến nghị Chính phủ và Chính phủ cho phép thanh toán chi phí này để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Về kết nối lao động, bà Thắng cho biết, nguồn lao động của Thành phố về quê, tuy nhiên hiện nay có nhiều công nhân quay trở lại TP.HCM làm việc. Xu hướng trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh TP.HCM kiểm soát, người dân tại các tỉnh sẽ quay trở lại TP.HCM làm việc. Song song đó, Thành phố đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp KCX-KCN-KCNC chủ động đăng ký số lượng công nhân qua các hệ thống để nắm bắt lại số lượng, đưa đi đón về với công nhân, với đầu mối là Sở LĐ-TBXH, Sở GT-VT sẽ cùng các doanh nghiệp ứng phó việc tổ chức đi/về rồi đối vác công nhân.
Ngoài việc doanh nghiệp chủ động thì chính quyền TP.HCM cũng có các văn bản kiến nghị các tỉnh hỗ trợ.