| Hotline: 0983.970.780

9.200 doanh nghiệp ở TP.HCM đăng ký hoạt động trở lại

Thứ Sáu 08/10/2021 , 10:08 (GMT+7)

Số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại tại TP.HCM ngày một tăng, thu hút ngày càng nhiều lao động. Tuy nhiên, số lao động tại các KCX-KCN-KCNC mới đạt trên 50%.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: T.N.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: T.N.

Đánh giá sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 18, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM cho biết, đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện “bình thường mới”. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại đã phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh ngày càng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu đông đảo của người dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm, công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực.

"Từ ngày 1/10 đến 3/10, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.279 doanh nghiệp. Đến ngày 6/10, đã có 9.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại", ông Hải thông tin.

Tại khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN), ông Hải cho biết, trước ngày 1/10, KCX, KCN có 288.000 lao động, thì chỉ có 70.000 lao động làm việc "ba tại chỗ" (24,3%), số doanh nghiệp hoạt động là 746/1.412 doanh nghiệp (52,8%). Đến ngày 4/10, thì số lao động tăng lên là 135.000 (chiếm 46%), 844 doanh nghiệp (60%). Đến ngày 6/10, đã có 164.000 lao động (đạt 56,8%) và 972 doanh nghiệp (68,8%).

Khu công nghệ cao (KCNC), trước ngày 1/10 có 25.000 công nhân làm việc "ba tại chỗ", "hai điểm đến một cung đường" trên tổng số 50.000 công nhân. Thì đến nay, đã có 27.300 công nhân hoạt động trở lại (54,6%), số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 88 trên tổng số 178 doanh nghiệp (74,8%).

“Các hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh đã tiếp tục thu hút ngày càng nhiều lao động sau khi thực hiện nới giãn cách. Tuy nhiên, số lao động ở KCX, KCN hiện mới đạt 56,8%, ở KCNC mới đạt có 54,6%. Đây là bài toán rất lớn đối với TP.HCM”, ông Hải nhận định.

Trước nguyện vọng của nhiều người lao động mong muốn về quê, ông Hải cho biết, Thành phố luôn trân trọng, ghi nhận đối với người lao động, bởi chính họ là người tạo ra của cải vật chất, góp phần tăng trưởng kinh tế của Thành phố. TP đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, do đó Thành phố trân trọng và mời người lao động tiếp tục ở lại TP, bởi hiện nay số lao động ở các đơn vị này đang thiếu hụt.

Nếu ai thực sự có nguyện vọng về quê thì các tỉnh thành sẽ cùng các cơ quan chức năng sẽ tổ chức cho bà con cô bác về quê theo đúng nguyện vọng, đảm bảo giữ sức khỏe cho người lao động và gia đình; đảm bảo công tác phòng chống dịch. "Chúng tôi ưu tiên người già, phụ nữ mang thai và trẻ em", ông Hải nói.

Người lao động rời TP.HCM về quê sau thời gian giãn cách kéo dài. Ảnh. Trần Trung.

Người lao động rời TP.HCM về quê sau thời gian giãn cách kéo dài. Ảnh. Trần Trung.

Về việc lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP.HCM Bùi Hòa An cho rằng, điều này phụ thuộc vào sự kiểm soát tình hình dịch bệnh của các tỉnh.

Ông An cho biết, ngày 1/10, TP.HCM đã có văn bản gửi đến UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh đề nghị các tỉnh thống nhất phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động thuận lợi di chuyển giữa Thành phố và các tỉnh để khôi phục sản xuất, kinh doanh an toàn, kèm theo phương án di chuyển. Đến nay, Sở GT-VT đã nhận góp ý của các tỉnh và đang hoàn chỉnh phương án theo góp ý.

“Tuy nhiên, do yêu cầu của các tỉnh khác nhau về điều kiện y tế, vacxin, xét nghiệm… đến giờ này chưa thể thống nhất phương án đi lại chung giữa TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Tây Ninh. Do đó, Sở GT-VT TP.HCM đang hoàn chỉnh theo hướng xây dựng phương án đi lại giữa TP.HCM và từng tỉnh cụ thể. Dự kiến, ngày 8/10 sẽ có phương án đi lại cụ thể cho người lao động và các đối tượng khác”, ông An thông tin.

Ông Bùi Hòa An cũng cho biết, ở công văn 3252 của UBND TP.HCM, có phương án vận chuyển người lao động từ các tỉnh đến TP.HCM để làm việc. Trong đó, có yêu cầu nhằm đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM, đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu về vận chuyển lao động, lưu thông trên địa bàn TP thì thực hiện theo Chỉ thị 18.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP.HCM Bùi Hòa An. Ảnh: T.N.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TP.HCM Bùi Hòa An. Ảnh: T.N.

"Người lao động muốn quay lại TP.HCM làm việc là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng, hoặc người đã tiêm ít nhất 1 mũi vacxin phòng Covid-19 với thời gian tối thiểu 14 ngày.

Đối với người lao động tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp ngoài KCN, KCX muốn vào TP.HCM thì các doanh nghiệp này có nhu cầu vận chuyển công nhân thì sẽ gửi phương án vận chuyển đến các đầu mối là các UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý các KCX, KCN, Ban quản lý các dự án, các tổng công ty hoặc bộ ngành quản lý để rà soát tổng hợp gửi Sở GT-VT TP.HCM xem xét và triển khai. Phương tiện di chuyển bằng xe ô tô trên 10 chỗ có mã số kinh doanh và được Sở GT-VT TP.HCM cấp mã QR cho  phương tiện và thông báo cho các tỉnh, thành phố, Sở GT-VT các tỉnh thành phố phối hợp thực hiện", ông An thông tin.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất