Tại cuộc họp khẩn trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 với các quận huyện trưa 10/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ lo ngại trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện nay rất phức tạp. Kể từ ngày 29/4 đến hôm nay, số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đã lan ra 26 tỉnh thành và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trước tình hình đó, ông Phong yêu cầu cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM
“Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 là công việc ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Trước hết phải phòng từ xa, tránh trường hợp diễn biến phức tạp như một số địa phương”, ông Phong yêu cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá hiện nay TP.HCM có nhiều nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập. Thứ nhất, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có nhiều khu cách ly tập trung trên địa bàn nên nguy cơ lây chéo trong khu cách ly, từ đó lây ra cộng đồng là rất cao.
“Đối với các khu cách ly tập trung do quân đội, quận huyện quản lý cần kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu những khu cách ly tập trung này. Phải tuân thủ nghiêm các quy định trong khu cách ly tập trung, không được nơi lỏng, không để lây nhiễm chéo”, ông Phong nhấn mạnh.
Thứ hai, người trở về từ khu cách ly tập trung có nguy cơ lây nhiễm cao nếu xác định dương tính SARS-CoV-2 muộn sau 14 ngày. “Nhiều người không tuân thủ quy định cách ly tại nhà sau thời gian cách ly tập trung”, ông Phong nói.
Thứ ba, TP.HCM có nhiều bệnh viện tuyến cuối phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân, thân nhân từ các tỉnh thành. Chỉ riêng Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 5.000 bệnh nhân mỗi ngày.
Thứ tư, nguy cơ người nhập cảnh trái phép vào TP.HCM là rất cao. Mức độ di chuyển ra/vào TP của người dân là rất nhiều, không tránh khỏi sự di chuyển của người dân từ các địa phương có chuỗi lây nhiễm Covid-19 lớn.
Thứ năm, TP.HCM là cửa ngõ có cảng hàng không quốc tế và gần 60 cảng hàng hải lớn nhỏ.
Do đó, ông Phong đề nghị, ngành du lịch, giao thông vận tải, công thương, các khu công nghiệp… phải kích hoạt toàn bộ bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất.
Ông Phong yêu cầu các cơ quan ban ngành, quận huyện tăng cường kiểm soát xâm nhập qua đường hàng không, đường biển, đường bộ theo đúng quy trình.
Về năng lực cách ly tập trung, ông Phong yêu cầu mỗi quận cần duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung với 20 giường. Luôn sẵn sàng các phương án mở rộng lên 50 giường trong vòng 24 ngày. Cần thiết, mở rộng lên 100 giường, đặc biệt là đối với TP Thủ Đức.
Ngoài ra, ông Phong đề nghị TP.HCM phải sẵn sàng phương án đảm bảo ứng phó trong tình hình dịch Covid-19 lan rộng. Thành phố sẽ triển khai thêm các khu cách ly tập trung, nâng tổng số trên 10.000 giường để sẵn sàng triển khai ngay phương án điều trị cho 50-100 người bệnh Covid theo kế hoạch có sẵn của ngành y tế. Đồng thời dự trù sẵn kế hoạch đảm bảo điều trị cho 100-200 người bệnh.
Ngành y tế cần xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thêm bệnh viện dã chiến với quy mô 5.000 giường bệnh; chuẩn bị cho tình huống cho 30.000 ca bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các trung tâm y tế TP Thủ Đức, quận huyện chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng trong mọi tình huống của dịch bệnh Covid-19. Thậm chí tổ chức diễn tập kịch bản phương án đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để triển khai nhuần nhuyễn, kịp thời khi phát sinh tình huống.
“Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca tử vong trên thế giới rất cao, do đó, TP.HCM cần sẵn sàng chuẩn bị, nếu không chủ động chúng ta sẽ bị thất thủ”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP.HCM dự trữ đầy đủ sinh phẩm, test kit xét nghiệm, trong đó 90.000 test bằng phương pháp PCR và 30.000 test nhanh sẵn có. Đồng thời, chuẩn bị mua thêm 200.000 test PCR và 100.000 test nhanh.
Ngoài ra, phối hợp giữa cơ sở y tế của Thành phố và Trung ương trên địa bàn thành phố đảm bảo công suất xét nghiệm 15.000 mẫu đơn trong 24 giờ, khi cần thiết có thể huy động lên đến 30.000 – 40.000 mẫu đơn.
22 trung tâm y tế và các bệnh viện công lập tổ chức 2-3 đội lấy mẫu tại mỗi đơn vị (tổng cộng 250 đội). Ngoài ra, huy động lực lượng sinh viên các trường đại học y khoa khoảng 400 người để thiết lập các đội lấy mẫu phục vụ công tác giám sát cộng đồng và xét nghiệm kiểm tra khi phát sinh ổ dịch.