| Hotline: 0983.970.780

TP.HCM thực hiện cụ thể theo Chỉ thị 16 như thế nào?

Thứ Năm 08/07/2021 , 22:43 (GMT+7)

Tối 8/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin cụ thể về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 và kỳ thi THPT tại TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo tối 8/7. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo tối 8/7. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 của TP.HCM vừa kết thúc chiều 8/7 và chỉ còn vài giờ nữa, TP.HCM sẽ chính thức áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng tham dự có lãnh đạo Sở Y tế, Sở GD&ĐT, Sở Công Thương, Sở GT-VT, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an TP.HCM, Ban Quản lý khu chế xuất, Ban An toàn thực phẩm TP.HCM.

Tại cuộc họp báo nhiều phóng viên đặt câu hỏi về việc tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về, như vậy đồng nghĩa với việc đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn. Hoạt động xe shipper chuyên chở hàng ăn hoạt động như thế nào?

Trước câu hỏi của phóng viên, ông Đức khẳng định, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng môtô mà không phải chở người vẫn được duy trì.

Theo ông Dương Anh Đức, khi thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM, đã tạm dừng các hoạt động ăn uống tại chỗ, còn bây giờ khi thực hiện Chỉ thị 16 toàn thành phố sẽ cấm thêm dịch vụ ăn uống mang về.

Ở Chỉ thị 16, yêu cầu hạn chế lưu thông không cần thiết trên đường, nhưng vẫn đảm bảo vận chuyển hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp mặt hàng thiết yếu được duy trì. "Những mặt hàng thiết yếu được hoạt động như lương thực thực phẩm, thuốc men. Còn lại tất cả những hoạt động không thiết yếu đều dừng hoạt động", ông Đức nói.

Trước những khó khăn của người dân, nếu tạm ngừng việc đặt hàng ăn mang về, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức mong người dân chia sẻ với khó khăn chung của TP.HCM để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

"Mỗi người phải hy sinh một chút. Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo TP.HCM rất cân nhắc mỗi khi dừng các hoạt động. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ đặt đồ ăn mang về thì rất tiện lợi cho mình. Tuy nhiên, thực tế, khi các nơi bán hàng sẽ có nhiều người đặt hàng, nhiều shipper đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Dương Anh Đức nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc của lãnh đạo Thành phố. Tuy nhiên, lúc này cần có những biện pháp thực sự quyết liệt, vì vậy Thành phố mong nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân.

Về việc người dân di chuyển ra/vào TP.HCM, ông Đức cho biết, khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết, giãn cách nhà với nhà, phường với phường...

“Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển thì chắc chắn là không được phép. Và di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác cũng có quy định đã nói rõ. Bộ Y tế đã ra quy định, người từ TP.HCM sang tỉnh khác sẽ bị cách ly 7 ngày”, ông Đức nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, mục đích chính của Chỉ thị 16 là tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biên pháp phòng, chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

"Tinh thần là ngưng tất cả hoạt động không cần thiết. Cơ quan Nhà nước dừng cuộc họp không cần thiết, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ quan công bố cho người dân.

Về giao thông, TP.HCM sẽ hạn chế giao lưu không cần thiết trên đường nhưng vẫn phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực thực phẩm", ông Đức nói.

Riêng về bếp ăn từ thiện, ông Dương Anh Đức cho biết, TP.HCM không có chủ trương "cấm", đây là hoạt động mang tính nhân văn nên cố gắng tạo điều kiện để duy trì hoạt động, hỗ trợ cho bà con có hoàn cảnh khó khăn vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên, phải đảm bảo giữ khoảng cách, an toàn phòng dịch theo đúng quy định của Chỉ thị 16, là không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.

“Quan trọng hơn hết hiện nay, dù bất kỳ hoạt động nào cần nhất đảm bảo, tuân thủ các quy định phòng chống dịch, giữ an toàn cho Thành phố, giúp Thành phố nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Xem thêm
Thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Kazakhstan

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, thành công của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chính là thành công của Việt Nam và ngược lại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khỉ hoang dã xuất hiện nhiều nơi ở Hải Phòng

HẢI PHÒNG Ít nhất tại 3 quận trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chính quyền địa phương đã ghi nhận có khỉ hoang xuất hiện, lục lọi đồ đạc và phá hoại cây cối, hoa màu.