Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, thực hiện chương trình OCOP với mục tiêu từ nay đến năm 2025 tỉnh có ít nhất 165 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đến năm 2025, tổng sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có khoảng 30% xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Có ít nhất 10% làng nghề trong tỉnh có sản phẩm OCOP và khoảng 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…
Tại buổi công bố đã có 104 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP (đợt 2/2022); gồm có 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 78 sản phẩm đạt hạng 3 sao của 74 chủ thể (49 hộ kinh doanh, 10 Công ty, 3 doanh nghiệp và 11 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác). Nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 285 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên.
Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh thông tin: Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm đến nay toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP. Để đạt kết quả như trên, trong thời gian qua tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ nhiều nguồn lực cho chương trình này. Cụ thể năm 2019, từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh đã phân bổ 500 triệu đồng để triển khai các nội dung cơ bản.
Từ năm 2020-2023, tiếp tục ưu tiên kinh phí để thực hiện chương trình, hàng năm phân bổ bình quân cho mỗi huyện 500 triệu đồng để thực hiện các nội dung như: Tập huấn, tuyên truyền, lồng ghép kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, chủ cơ sở về máy móc trang thiết bị, xúc tiến thương mại,...Bên cạnh đó đã hỗ trợ ngân sách tỉnh cho các chủ thể OCOP thông qua Nghị quyết 3 của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đánh giá, số sản phẩm của tỉnh đạt ở mức hạng 3 sao là chủ yếu, chiếm số lượng lớn. Nguyên nhân dẫn đến hạng sao thấp chủ yếu thiếu chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến (ISO/GMP/HACCP/...). Đồng thời, quy mô sản xuất nhỏ, mẫu mã còn hạn chế, thiếu hợp đồng mua bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Khu vực phân phối chính phần lớn chưa có thị trường ngoài huyện, tỉnh và thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đề nghị các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP, trong sản xuất sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, nhãn mác, tiêu chuẩn phù hợp với hạng sao đã được quy định. Nghiên cứu khắc phục những điểm còn hạn chế trong quy định của chương trình, từ đó có kế hoạch nâng hạng sao để từng bước kinh doanh hiệu quả hơn. Đồng thời, thường xuyên phối hợp cùng các Sở, ngành tỉnh và UBND các huyện tham gia trưng bày sản phẩm khi được mời.
Còn đối với Sở, ngành địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở có sản phẩm để chủ thể tham gia chương trình, từng bước nâng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh. Bênh cạnh đó, xem xét giải quyết các đề xuất hỗ trợ của các chủ thể (nếu đề xuất đáp ứng yêu cầu quy định) để từng bước nâng chất sản phẩm trong thời gian tới. Có kế hoạch tổ chức trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đạt OCOP; thường xuyên tổ chức đưa các sản phẩm đi xúc tiến thương mại ngoài tỉnh.