Công nhận 108 sản phẩm OCOP
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều, khẳng định, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị và là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Đối với Bạc Liêu, qua 4 năm thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được hiệu quả cao, tạo luồng gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, là hướng đi đúng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 108 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 23 sản phẩm đạt 4 sao và 85 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Đề án Chương trình OCOP tỉnh Bạc Liêu tuy mới được triển khai thực hiện trong vài năm gần đây, nhưng đã gây được tiếng vang và được người dân đồng lòng ủng hộ, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã tích cực tham gia. Các chủ thể có sản phẩm OCOP đã nhận thức được về lợi ích của Chương trình OCOP mang lại. Từ đó, các chủ thể có sản phẩm OCOP đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, bao bì nhãn mác…, để hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Theo ghi nhận của PV, các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu hiện nay đã và đang phát triển mạnh mẽ đi vào chiều sâu, từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng của sản phẩm, nhiều sản phẩm OCOP đã có mặt trong các siêu thị lớn và được xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Từ đó cho thấy sự thành công trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP ngày một tăng dần qua từng năm kể cả số lượng, chất lượng, cũng như thương hiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Thiều cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu cũng còn nhiều hạn chế như: phần lớn các sản phẩm OCOP sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng sản phẩm chưa cao, bao bì nhãn mác còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh; số lượng sản phẩm OCOP nhiều, nhưng phần lớn mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao và các sản phẩm OCOP được công nhận chưa đa dạng về chủng loại, chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ thủy hải sản.
Mặt khác, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở một số địa phương trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của Chương trình OCOP, dẫn đến quá trình triển khai thiếu sự quan tâm, chỉ đạo; nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện Chương trình OCOP còn có hạn chế nên công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các chủ thể tham gia chưa hiệu quả.
Đặc biệt, vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã còn mờ nhạt, chưa thể hiện rõ; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất thụ động, tâm lý còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước.