| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 09/04/2013 , 09:51 (GMT+7)

09:51 - 09/04/2013

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?

Trách nhiệm xã hội của DN từ lâu đã là một tiêu chí đánh giá bắt buộc ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm mới và ít được quan tâm tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp bất động sản đòi hỏi Chính phủ ra tay "giải cứu", doanh nghiệp (DN) sữa, xăng dầu, vận tải... liên tục kêu lỗ và đồng loạt tăng giá khiến gánh nặng đổ dồn lên vai người dân.

Trách nhiệm xã hội của DN từ lâu đã là một tiêu chí đánh giá bắt buộc ở nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, đây vẫn là khái niệm mới và ít được quan tâm tại Việt Nam. Khi nhìn vào sự thành công của một DN Việt, nhiều người mới chỉ dừng lại ở việc xem xét các chỉ tiêu hữu hình như doanh số, lợi nhuận, mức lương trả cho nhân viên hay số thuế đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Trong khi đó, những chỉ tiêu vô hình như trách nhiệm xã hội của mỗi DN dường như đang bị bỏ quên trong các văn bản chính thức và cũng chẳng mấy khi được các DN tự nhớ đến.


Ảnh minh họa

Trách nhiệm xã hội của DN, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, là một cam kết kinh doanh nhằm cư xử đạo đức và đóng góp cho sự phát triển kinh tế cùng với việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và gia đình của họ cũng như chất lượng cuộc sống của cộng đồng và xã hội nói chung.

Định nghĩa là thế, nhưng để hoàn thành cam kết kể trên, các DN sẽ cần phải thực hiện hàng tá vấn đề như: nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, đảm bảo sự bình đẳng về giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên và phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải, không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức khác...

Trong đó, các vấn đề về lao động được coi là vấn đề nội bộ của DN, các vấn đề về môi trường đã có cơ quan nhà nước lo còn việc “bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác” chẳng thuộc chức trách của một cơ quan, tổ chức cụ thể nào và dẫn đến tình trạng các cơ quan tìm cách đá “quả bóng trách nhiệm” ra càng xa mình càng tốt.

Có lẽ, chính bởi vậy nên mới xuất hiện những đề xuất, kiến nghị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác như việc Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng đề xuất đánh thuế tiền lãi các khoản tiền gửi trên 500 triệu đồng với kỳ vọng người dân sẽ rút tiền khỏi ngân hàng và đổ vào thị trường địa ốc. Tiếp theo đó là việc các DN trong lĩnh vực này cũng lên tiếng, đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan nhà nước phải giải cứu khi lâm vào khó khăn, giao dịch đình trệ.

Các DN sữa ồ ạt tăng giá khiến gánh nặng chi tiêu đè nặng lên các gia đình có trẻ nhỏ, đồng thời nhập nhèm giữa các loại sản phẩm có tỷ lệ dinh dưỡng khác nhau để tối đa hóa lợi nhuận. Các DN xăng dầu hưởng lợi lớn khi giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng vọt trong lúc giá mặt hàng này trên thị trường thế giới lao dốc. Doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng lãi “khủng” nhờ chênh lệch giữa giá vàng trong nước với mặt bằng chung của thế giới lên tới 4-5 triệu đồng/lượng.

Còn nhiều, nhiều nữa các "ví dụ điển hình" về sự tối đa hóa lợi nhuận của DN bằng việc xâm hại lợi ích của người tiêu dùng, người dân thấp cổ bé họng. Các ví dụ đều rất sinh động, rõ nét, nhưng các cơ quan nhà nước lại chưa quan tâm thỏa đáng hoặc có quan tâm nhưng chưa có hành động nào cụ thể.

Trên thực tế, chỉ có một số ít các DN thuộc lĩnh vực thủy sản thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và đạt được các loại chứng nhận đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, ASC, BAP...

Phần lớn các DN còn lại đều mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy đề xuất chính sách có lợi cho mình mà không cân nhắc đến lợi ích của các nhóm đối tượng khác. Khi kinh doanh thuận lợi, các DN này chẳng bao giờ nhớ đến người dân thấp cổ bé họng, chẳng bao giờ chia sẻ lợi ích với họ. Tuy nhiên, mỗi khi thua lỗ do thị trường diễn biến xấu hoặc trình độ quản lý yếu kém, tham ô tham nhũng, các "ông lớn" này lại vội vã yêu cầu người dân phải chia sẻ khó khăn với mình gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người dân.

Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan nhà nước cần có biện pháp mạnh để buộc các DN Việt nhớ đến trách nhiệm DN nhiều hơn và để có thể phát triển theo hướng bền vững bởi cách kinh doanh “ăn xổi ở thì” đã không còn phù hợp với nền kinh tế hội nhập toàn cầu như hiện nay.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm