| Hotline: 0983.970.780

Trái cây nội chinh phục người tiêu dùng

Thứ Hai 29/08/2011 , 14:05 (GMT+7)

Phần lớn các chị, các mẹ đi chợ mua hoa quả khi được hỏi đều có ý kiến chung là các loại trái cây Việt Nam rất tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng...

Chị Nguyễn Thị Bông, chủ một sạp bán hoa quả trước chợ trung tâm TP Đồng Hới (Quảng Bình) vừa thoăn thoắt lựa trái cây cho khách vừa mau miệng trò chuyện: “Bữa nay khách hàng không mấy chuộng trái cây ngoại nữa mô! Phần lớn họ đều đến hỏi mua trái cây nội thôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP Đồng Hới, hầu hết các quầy hàng hoa quả đều có cả hai loại trái cây nội và ngoại. Trong đó, trái cây Việt Nam thường phong phú hơn và thường là mùa nào thức ấy nên mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Riêng trái cây ngoại nhập thì có các loại như: Nho, lê Mỹ; cam, lê Úc; dưa, nhãn Thái...và gần như mùa nào cũng có. Trước đây, cứ ghé vào bất cứ sạp hoa quả nào đều nhận được sự mời chào giới thiệu khá hay về trái cây ngoại nhập, người mua như rơi vào mê trận để mở ví lấy tiền. Thời gian gần đây, việc tiêu thụ trái cây nhập ngoại đã cầm chừng và dần nhường chỗ cho trái cây Việt Nam. Một số chợ trên địa bàn, hàng nội đã lấn át hàng ngoại ở góc độ bán chạy.

Đứng trước sạp hoa quả, chị Nguyễn Thị Hương ở phường Bắc Lý cùng cô con gái đang chọn cân nhãn quê. Theo chị Hương thì nhãn quê có hương vị khác. Cho dù về độ ngọt không bằng nhãn Thái Lan, nhưng rõ là hương thơm chẳng kém chút nào. “Ăn trái cây có vị ngọt quá cũng không tốt và chóng chán. Nhãn quê có thể ăn được nhiều mà không chán vì ngọt vừa phải. Với lại tâm lý ai cũng sợ ngọt vì dễ mắc bệnh nên trái cây của mình là phù hợp”- chị Hương cho hay.

Phần lớn các chị, các mẹ đi chợ mua hoa quả khi được hỏi đều có ý kiến chung là các loại trái cây Việt Nam thu hoạch bằng các biện pháp thủ công, lại vận chuyển trong khoảng thời gian ngắn khi đến tay người tiêu dùng vẫn tươi, ngon như: Chuối, vải thiều, nhãn, bưởi... Trong khi đó, các loại trái cây ngoại nhập sau khi thu hoạch phải chuyển qua nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn bảo quản sản phẩm thường sử dụng các hoá chất bảo quản và vận chuyển đường dài nên khó tránh khỏi tình trạng giảm sút chất lượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính để trái cây nội chiếm được ưu thế trên thị trường.

Theo chị Hoàng Thị Thanh Nhàn, tiểu thương bán hàng trái cây tại chợ Ga (TP Đồng Hới) thì việc bảo quản trái cây nhập ngoại không dễ. Nhiều khách hàng quen mua nho Mỹ về nhà để đến ngày hôm sau đã có hiện tượng trái nho bị hư, nẫu không còn tươi nên mang đến phàn nàn. Chị đã khuyên tốt nhất là mua nho nội ăn cho lành. “Tâm lý người tiêu dùng hiện nay ngày càng e dè với các loại hoa quả và rau củ ngoại nhập, đặc biệt là hàng nhập từ Trung Quốc. Bởi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng nông thuỷ sản, người tiêu dùng đã biết tự bảo vệ sức khoẻ”- chị Nhàn nói thêm.

Một thực tế nữa khiến cho hàng trái cây nội có ưu thế trở lại là giá cả. Nếu so sánh giá giữa trái cây ngoại nhập và trái cây Việt Nam thì thấy mức chênh lệch quá lớn. Cụ thể, nếu cam Úc có giá 80.000-100.000 đồng/kg thì cam sành Việt Nam giá chỉ 25.000-35.000 đồng/kg; nho Mỹ có giá trên 90.000 đồng/kg thì nho Việt Nam giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg; dưa hấu Thái giá 12.000 đồng/kg, còn dưa hấu Việt Nam giá 3.000- 4.000 đồng/kg...Như vậy, trái cây ngoại nhập có giá cao gấp 2 đến 3 lần trái cây cùng chủng loại trong nước. Rõ ràng, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các mặt hàng nội vừa bảo đảm an toàn lại rẻ, phù hợp với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) kể lại: “Có hôm, thăm người bạn ốm, tôi ghé chợ mua cân nho đỏ, trái lớn được chủ sạp trái cây giới thiệu là nho Mỹ, có giá 70.000 đồng/kg. Nhưng rồi thực tế xem nhãn mác tại thùng xốp đóng gói sản phẩm lại ghi xuất xứ từ...Trung Quốc”.

Chị Hoàng Nguyễn Thu Thuỷ, một khách du lịch đến từ Hà Nội đi tham quan động Thiên Đường (nằm trong Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng) về lại thành phố, ghé chợ Đồng Hới mua trái cây cho đoàn du lịch bộc bạch: “Mua trái cây “nội” ngoài giá rẻ thì khi thưởng thức người tiêu dùng còn cảm nhận được sự đậm đà khó quên do hương vị đặc trưng của từng loại quả gắn với từng vùng quê Việt Nam”.

Thêm một lý do khác cũng không kém phần quan trọng để tác động trở lại là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua trái cây ngoại nhập thì cũng chưa chắc được thưởng thức loại ngoại nhập thứ thiệt mà có khi chỉ là hàng ngoại “dỏm”. Tại các quầy hàng hoa quả, tiểu thương thường giới thiệu là hàng Mỹ, Thái Lan, Úc...nhưng thực tế là chỉ một số ít có xuất xứ từ Mỹ, Thái. Hoặc giống trái cây của Thái Lan, Mỹ nhưng được trồng tại Việt Nam, số còn lại thì được tiểu thương “phù phép” trở thàng hàng “xịn” nhập từ Mỹ, Thái Lan bằng cách lập lờ xuất xứ. Chính vì mất tiền mua trái cây mà chưa chắc trái cây đó là hàng ngoại nên người tiêu dùng đã hướng sang hàng quê mình cho đỡ phải lăn tăn.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.