| Hotline: 0983.970.780

Trái cây nội chinh phục người tiêu dùng

Thứ Hai 29/08/2011 , 14:05 (GMT+7)

Phần lớn các chị, các mẹ đi chợ mua hoa quả khi được hỏi đều có ý kiến chung là các loại trái cây Việt Nam rất tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng...

Chị Nguyễn Thị Bông, chủ một sạp bán hoa quả trước chợ trung tâm TP Đồng Hới (Quảng Bình) vừa thoăn thoắt lựa trái cây cho khách vừa mau miệng trò chuyện: “Bữa nay khách hàng không mấy chuộng trái cây ngoại nữa mô! Phần lớn họ đều đến hỏi mua trái cây nội thôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP Đồng Hới, hầu hết các quầy hàng hoa quả đều có cả hai loại trái cây nội và ngoại. Trong đó, trái cây Việt Nam thường phong phú hơn và thường là mùa nào thức ấy nên mang hương vị đặc trưng của từng vùng miền. Riêng trái cây ngoại nhập thì có các loại như: Nho, lê Mỹ; cam, lê Úc; dưa, nhãn Thái...và gần như mùa nào cũng có. Trước đây, cứ ghé vào bất cứ sạp hoa quả nào đều nhận được sự mời chào giới thiệu khá hay về trái cây ngoại nhập, người mua như rơi vào mê trận để mở ví lấy tiền. Thời gian gần đây, việc tiêu thụ trái cây nhập ngoại đã cầm chừng và dần nhường chỗ cho trái cây Việt Nam. Một số chợ trên địa bàn, hàng nội đã lấn át hàng ngoại ở góc độ bán chạy.

Đứng trước sạp hoa quả, chị Nguyễn Thị Hương ở phường Bắc Lý cùng cô con gái đang chọn cân nhãn quê. Theo chị Hương thì nhãn quê có hương vị khác. Cho dù về độ ngọt không bằng nhãn Thái Lan, nhưng rõ là hương thơm chẳng kém chút nào. “Ăn trái cây có vị ngọt quá cũng không tốt và chóng chán. Nhãn quê có thể ăn được nhiều mà không chán vì ngọt vừa phải. Với lại tâm lý ai cũng sợ ngọt vì dễ mắc bệnh nên trái cây của mình là phù hợp”- chị Hương cho hay.

Phần lớn các chị, các mẹ đi chợ mua hoa quả khi được hỏi đều có ý kiến chung là các loại trái cây Việt Nam thu hoạch bằng các biện pháp thủ công, lại vận chuyển trong khoảng thời gian ngắn khi đến tay người tiêu dùng vẫn tươi, ngon như: Chuối, vải thiều, nhãn, bưởi... Trong khi đó, các loại trái cây ngoại nhập sau khi thu hoạch phải chuyển qua nhiều công đoạn, đặc biệt là công đoạn bảo quản sản phẩm thường sử dụng các hoá chất bảo quản và vận chuyển đường dài nên khó tránh khỏi tình trạng giảm sút chất lượng. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính để trái cây nội chiếm được ưu thế trên thị trường.

Theo chị Hoàng Thị Thanh Nhàn, tiểu thương bán hàng trái cây tại chợ Ga (TP Đồng Hới) thì việc bảo quản trái cây nhập ngoại không dễ. Nhiều khách hàng quen mua nho Mỹ về nhà để đến ngày hôm sau đã có hiện tượng trái nho bị hư, nẫu không còn tươi nên mang đến phàn nàn. Chị đã khuyên tốt nhất là mua nho nội ăn cho lành. “Tâm lý người tiêu dùng hiện nay ngày càng e dè với các loại hoa quả và rau củ ngoại nhập, đặc biệt là hàng nhập từ Trung Quốc. Bởi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng nông thuỷ sản, người tiêu dùng đã biết tự bảo vệ sức khoẻ”- chị Nhàn nói thêm.

Một thực tế nữa khiến cho hàng trái cây nội có ưu thế trở lại là giá cả. Nếu so sánh giá giữa trái cây ngoại nhập và trái cây Việt Nam thì thấy mức chênh lệch quá lớn. Cụ thể, nếu cam Úc có giá 80.000-100.000 đồng/kg thì cam sành Việt Nam giá chỉ 25.000-35.000 đồng/kg; nho Mỹ có giá trên 90.000 đồng/kg thì nho Việt Nam giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg; dưa hấu Thái giá 12.000 đồng/kg, còn dưa hấu Việt Nam giá 3.000- 4.000 đồng/kg...Như vậy, trái cây ngoại nhập có giá cao gấp 2 đến 3 lần trái cây cùng chủng loại trong nước. Rõ ràng, người tiêu dùng sẽ lựa chọn các mặt hàng nội vừa bảo đảm an toàn lại rẻ, phù hợp với thu nhập của đại đa số người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Bắc Lý, TP Đồng Hới) kể lại: “Có hôm, thăm người bạn ốm, tôi ghé chợ mua cân nho đỏ, trái lớn được chủ sạp trái cây giới thiệu là nho Mỹ, có giá 70.000 đồng/kg. Nhưng rồi thực tế xem nhãn mác tại thùng xốp đóng gói sản phẩm lại ghi xuất xứ từ...Trung Quốc”.

Chị Hoàng Nguyễn Thu Thuỷ, một khách du lịch đến từ Hà Nội đi tham quan động Thiên Đường (nằm trong Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng) về lại thành phố, ghé chợ Đồng Hới mua trái cây cho đoàn du lịch bộc bạch: “Mua trái cây “nội” ngoài giá rẻ thì khi thưởng thức người tiêu dùng còn cảm nhận được sự đậm đà khó quên do hương vị đặc trưng của từng loại quả gắn với từng vùng quê Việt Nam”.

Thêm một lý do khác cũng không kém phần quan trọng để tác động trở lại là người tiêu dùng bỏ tiền ra mua trái cây ngoại nhập thì cũng chưa chắc được thưởng thức loại ngoại nhập thứ thiệt mà có khi chỉ là hàng ngoại “dỏm”. Tại các quầy hàng hoa quả, tiểu thương thường giới thiệu là hàng Mỹ, Thái Lan, Úc...nhưng thực tế là chỉ một số ít có xuất xứ từ Mỹ, Thái. Hoặc giống trái cây của Thái Lan, Mỹ nhưng được trồng tại Việt Nam, số còn lại thì được tiểu thương “phù phép” trở thàng hàng “xịn” nhập từ Mỹ, Thái Lan bằng cách lập lờ xuất xứ. Chính vì mất tiền mua trái cây mà chưa chắc trái cây đó là hàng ngoại nên người tiêu dùng đã hướng sang hàng quê mình cho đỡ phải lăn tăn.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm