| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu [Bài 1]: Tôi đi mua vacxin lậu

Thứ Sáu 20/05/2022 , 08:52 (GMT+7)

Vào vai người chăn nuôi đi mua vacxin, thuốc thú y nhập lậu, phóng viên ghi lại bằng chứng về tình trạng mua bán, sử dụng thuốc thú y, vacxin nhập lậu bừa bãi.

LỜI TÒA SOẠN:

Vacxin, thuốc thú y là vật tư đầu vào cực kỳ quan trọng, quyết định thành bại của ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý kinh doanh thuốc thú y trên thị trường trong thời gian qua đã tạo lỗ hổng để nhiều loại vacxin, thuốc thú y nhập lậu tràn vào Việt Nam. Bằng những chiêu thức, mánh lới khác nhau, thuốc lậu len lỏi vào tận thôn, xóm để đến tay người chăn nuôi. Từ đó, kéo theo những hệ lụy khôn lường không chỉ cho ngành chăn nuôi, mà cho cả sức khỏe con người.

Vào vai người chăn nuôi đi mua thuốc, vacxin thú y nhập lậu, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ghi nhận những bằng chứng chân thực về tình trạng mua bán, sử dụng thuốc thú y, vacxin nhập lậu bừa bãi, mất kiểm soát.

Mua vacxin lậu dễ như mua rau

- Anh ơi, anh có bán thuốc cúm gia cầm H5N1 không?

Anh lấy cúm của Tàu hay của Việt?

- Em lấy của Tàu.

Anh lấy mấy nghìn (tiêm cho mấy nghìn gà – PV)?

- Em lấy 1.000 thôi.

Hòa - chủ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa ở thôn Đạo Tú, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Sau vài câu hội thoại chóng vánh, Hòa - chủ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa ở thôn Đạo Tú, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội vào trong nhà và lấy ra hai chai nhựa màu trắng nắp xanh dung tích 250ml/chai đưa cho chúng tôi.

Trên bao bì sản phẩm được in toàn chữ Trung Quốc và dòng chữ tiếng Anh: “Reasortant Avian Influenza Virus (H5+H7) Trivalent Vaccine, Inactivated), dịch ra là “vacxin tái tổ hợp virus cúm gia cầm (H5 + H7), đã bất hoạt”, với các chủng cúm gia cầm H5N1 Re-11, H5N1 Re-12 và H7N9 H7-Re3.

Cận cảnh chai vacxin phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 và H7N9 phóng viên mua trực tiếp từ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Cận cảnh chai vacxin phòng bệnh cúm gia cầm H5N1 và H7N9 phóng viên mua trực tiếp từ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ảnh: Minh Phúc.

Hòa giải thích: “Đây là vacxin phòng cả chủng cúm gia cầm H5N1 và H7N9. Của Tàu lúc nào cũng có 2 chủng”. Một lọ có thể tiêm cho 500 con gà, giá 100.000 đồng/lọ”. Cũng theo lời Hòa nói, gà được 10 ngày tuổi trở lên thì tiêm lúc nào cũng được. Cúm Tàu tốt hơn cúm Việt nhiều, ổn định hơn. “Loại này người ta dùng phổ biến, các nơi người ta toàn dùng hết”, Hòa chia sẻ.

Ngoài vacxin phòng bệnh cúm gia cầm, phóng viên tiếp tục hỏi mua thêm vacxin phòng bệnh cầu trùng Scocvac 4 xách tay từ Trung Quốc. Chủ cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa cho biết: “Hàng đấy rơi vào khoảng 500 – 550 nghìn/lọ. Trước em toàn bán buôn thôi chứ không bán lẻ, vì ôm hàng vốn to mà hạn sử dụng chỉ có 7 tháng”. Thời gian lấy từ bên Trung Quốc về Việt Nam đã mất 2 tháng rồi. Nếu để trong tủ lạnh 2 tháng mà không bán được thì rất khó khăn, vì khách hàng chê hạn sử dụng ngắn quá.

Trên trang facebook “Cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa” (https://www.facebook.com/xuanhoavet) có gần 15.000 người theo dõi, chủ tài khoản liên tục đăng thông tin kèm hình ảnh các loại thuốc thú y in toàn chữ Hán (không có nhãn phụ) trên bao bì với số lượng lớn với những lời quảng cáo như: “cúm chuẩn đét – date (hạn sử dụng) mới tinh, sẵn số lượng lớn Cúm H5N1 Re6 + H9N2 Re2)”.

Cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa thường xuyên đăng bài quảng cáo bán các loại vacxin nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Chụp màn hình facebook.

Cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa thường xuyên đăng bài quảng cáo bán các loại vacxin nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Chụp màn hình facebook.

Ngoài cúm gia cầm, nhiều loại thuốc phòng bệnh như kháng thể rụt mỏ vịt Ringpu và rụt mỏ vịt Sinder của Trung Quốc; vacxin phòng bệnh Reovirus của Trung Quốc, vacxin phòng bệnh Tembusu (hội chứng lật ngửa ở vịt); vacxin E.coli – bại huyết, kháng thể Circo Sinder dạng uống liều 2.000 con… cũng được giao bán rầm rộ.

Điều đặc biệt là, tất cả bài viết và hình ảnh sản phẩm đều được đóng dấu logo thương hiệu của cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa kèm theo số điện thoại: 0969143***. Đây chính là số điện thoại của Hòa – người mà tôi trực tiếp mua 2 sản phẩm vacxin cúm gia cầm nhập lậu tại thôn Đạo Tú, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa.

Khi khách hàng hỏi mua vacxin nhập lậu, admin trang facebook Cửa hàng thuốc thú y Xuân Hòa sẵn sàng ship sản phẩm đi các tỉnh, thành trên toàn quốc.

"Vacxin tàu" hút khách vì giá rẻ

Theo giới thiệu của một cơ sở chăn nuôi, chúng tôi tìm đến cửa hàng kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội tìm mua vacxin để phòng bệnh cầu trùng cho gà. Chủ cơ sở hỏi khách: “Muốn mua hàng nhập khẩu qua công ty hay hàng xách tay từ Trung Quốc?”, đồng thời giải thích thêm, nếu là hàng công ty thì giá 780.000 đồng/lọ, mỗi lọ tiêm được 1.000 con. Còn nếu là hàng xách tay (nhập lậu từ Trung Quốc) thì giá 540.000 đồng/lọ. Mỗi lọ vacxin dạng lỏng đều được tặng kèm một chai dung môi hòa tan để tiêm.

Một số sản phẩm vacxin, thuốc thú y nhập lậu từ Trung Quốc được phóng viên thu thập trong quá trình điều tra.

Một số sản phẩm vacxin, thuốc thú y nhập lậu từ Trung Quốc được phóng viên thu thập trong quá trình điều tra.

Để có bằng chứng xác thực về các loại vacxin, thuốc thú y nhập lậu được bán mua bán dễ dàng trên thị trường, phóng viên đã bỏ tiền để mua các hiện vật, dù không có nhu cầu sử dụng.

Theo chia sẻ của Công (nhân vật đã được đổi tên), chủ một cơ sở chăn nuôi quy mô hàng vạn con gà mỗi năm trên địa bàn Hà Nội, vacxin cầu trùng Scocvac 4 của có hai loại: Thứ nhất là hàng nhập lậu, bán trôi nổi trên thị trường, còn nguyên tem mác bằng chữ Hán và không có nhãn phụ. Thứ hai là vacxin Scocvac 4 được Công ty TNHH Vật tư Thú y Tiến Thành nhập khẩu, có dán nhãn phụ bằng tiếng Anh và tiếng Việt trước khi lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, hàng nhập lậu có giá rẻ hơn khoảng 30% - 40% so với hàng công ty.

“Chẳng biết chất lượng hai sản phẩm này hơn kém như thế nào, nhưng thấy giá chênh lệnh lớn quá, nhiều người chọn mua hàng lậu thay vì hàng chính hãng. Cách đây ít hôm, tôi cũng mua 5 lọ về tiêm phòng cho gà”, Công nói.

Ngoài vacxin cầu trùng, thông qua các hội nhóm facebook, Công đã từng mua nhiều sản phẩm vacxin nhập lậu để tiêm cho gà. Điển hình như cách đây 1 năm, Công đặt mua 6 chai vacxin cúm gia cầm (theo lời quảng cáo là từ Bungari) với giá 600.000 đồng/lọ từ một tay buôn thuốc lậu ở Thanh Hóa. Lý do là hàng “xách tay” rẻ hơn hàng chính hãng khoảng 400.000 đồng/lọ.

Công chia sẻ, mua hàng lậu chẳng có gì khó, chỉ cần đặt hàng qua tin nhắn facebook và chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng. Chỉ 2 ngày sau, vacxin được ship về đến tận nhà.

Hệ lụy khôn lường!

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): “Tổ chức Y tế thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật”. Trong đó, bệnh cúm gia cầm do các chủng cúm A/H5N1, A/H7N9 và A/H9N2, A/H5N8… có thể lây sang người.

Kể từ khi xuất hiện cuối năm 2003, tính đến ngày 10/9/2008 tại Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong. Hàng năm, các ổ dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện ở nhiều địa phương ở nước ta, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi.

Nhiều loại vacxin nhập lậu được lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Nhiều loại vacxin nhập lậu được lưu hành trên thị trường Việt Nam.

TS Nguyễn Hữu Anh - Khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, virus cúm A (gây bệnh cúm gia cầm) có đặc tính quan trọng là dễ dàng đột biến gen/hệ gen, hoặc trao đổi các kháng nguyên với nhau, trong quá trình tồn tại và lây truyền giữa các loài vật chủ, nên việc ngăn chặn và kiểm soát sự lây nhiễm của chúng là vô cùng khó khăn. Đến nay, chúng ta đã ghi nhận vài chục subtype virus cúm A .

Bởi vậy, muốn phòng ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh cúm gia cầm, hàng năm cơ quan thú y phải lấy mẫu bệnh phẩm, phân tích giải trình tự gen xác định chủng virus và giám sát sự lưu hành của virus tại từng địa phương, sau đó khuyến cáo sử dụng các loại vacxin để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.

Đặc biệt, tất cả các loại vacxin phòng bệnh đều phải được kiểm định, đánh giá chất lượng theo quy trình rất nghiêm ngặt trước khi cấp phép lưu hành. Nếu người chăn nuôi “mua mù, bán mù, sử dụng mù” các sản phẩm vacxin nhập lậu, chưa được kiểm chứng chất lượng thì sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường.

Bởi nếu sử dụng vacxin không phù hợp với các chủng virus đang lưu hành trên thực địa, quá trình trao đổi giữa các gen với nhau sẽ kích thích quá trình đột biến, biến đổi của virus, từ đó tạo ra nhiều phân type khác nhau về độc tính và khả năng gây bệnh. Như vậy công tác phòng chống dịch sẽ ngày càng khó khăn hơn”.

“Hiện nay có nhiều loại vacxin nhập lậu. Trên mạng xã hội người ta giao bán rất nhiều. Họ đưa lên facebook, kết nối qua Zalo thông qua số điện thoại, “tiền trao cháo múc”.  Người ta nhập về tiêm rất nhiều vacxin cúm gia cầm và nhiều thứ khác để phòng và điều trị bệnh”, TS Nguyễn Hữu Anh chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Anh, để đảm bảo chất lượng, vacxin thành phẩm phải được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2 - 8oC. Tuy nhiên, nếu là sản phẩm nhập lậu thì rất khó bảo đảm được trong quá trình vận chuyển đường dài, như vậy vacxin sẽ bị giảm hiệu lực. Đặc biệt, đối với các loại vacxin nhược độc nhập lậu thì còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác, bởi chưa có cơ quan nào đánh giá virus đó nhược độc hoàn toàn hay có khả năng phục hồi độc lực trở lại.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm