| Hotline: 0983.970.780

Quằn quại đê sông Đuống

Thứ Tư 19/12/2018 , 10:15 (GMT+7)

Nhiều năm qua, hàng chục bãi vật liệu xây dựng, khai thác cát sỏi không phép nhan nhản mọc lên ven sông Đuống, đoạn qua địa bàn xã Tri Phương, huyện Tiên Du, Bắc Ninh. 

Từng ngày, hàng trăm xe quá tải cày xới khiến tuyến đê bị hư hỏng nặng. Người dân thì từng ngày kêu cứu vì bụi, tiếng ồn, trong khi chính quyền thờ ơ, vô cảm!
 

Đê nát như tương

Một ngày cuối năm, trời hanh khô, chúng tôi tìm về xã Tri Phương, nơi nằm ven con sông Đuống một thuở thanh bình. Trái với tưởng tượng, khắp nơi là một màu nhờ nhờ, cay xè mắt do bụi, khói phả ra từ các bãi VLXD, khai thác cát sỏi sát bờ sông. Không còn ai nhận ra tuyến đê ven sông Đuống từng được bên tông kiên cố hóa. Nay đa phần nứt nẻ, nhiều đoạn không còn bê tông, thay vào đó là những hố sâu hoắm.

08-03-44_1
Dự án rau sạch biến thành trạm trộn bê tông ở Tri Phương (Tiên Du)

Ông C.V.H, người dân thôn Cao Đình, xã Tri Phương cho biết, tuyến đê này chạy dọc qua nhiều thôn, xưa vốn êm ả, thanh bình, nay thì lúc nào cũng bụi bẩn. Chỉ tay lên bờ đê, ông H bảo, đoạn qua thôn Cao Đình chưa tới 1 cây số nhưng hằng ngày có cả trăm lượt xe tải 4 chân chở VLXD chạy qua, đê nào chịu cho nổi. Không chỉ những ở gần đê, thậm chí vào giữa xóm, nhà nào cũng cửa đóng then cài vì sợ bụi bẩn.

Theo ông H, nỗi khổ của người dân nơi đây bắt nguồn từ năm 2010. Vùng bãi ngoài đê, bao đời nay người dân Tri Phương tận dụng trồng dâu, nuôi tằm. Nhiều hộ dân cho biết, năm 2009, chính quyền xã thông báo có dự án quy hoạch toàn bộ vùng bãi để trồng rau sạch. Tuy nhiên, sau một năm, rau đâu chẳng thấy, bỗng nhiên hàng chục dự án khai thác cát sỏi, đúc bê tông mọc lên như nấm trước sự ngỡ ngàng của người dân.

Bà Đ.T.B, cùng thôn Cao Đình cho biết, gia đình có truyền thống trồng ngô, dâu tăm hàng chục năm ngoài vùng bãi đê sông Đuống. Đất chật, người đông, đó là kế sinh nhai duy nhất của những gia đình thuần nông nghiệp nơi đây. “Năm 2009, chúng tôi được thông báo có dự án trồng rau sạch nên phải thu hồi đất. Ai cũng nghĩ, thôi vì dự án của Nhà nước, có lợi chung cho người dân nên đồng ý giao lại. Giá đền bù khi đó là 25 triệu đồng/sào. Sau đó thì chẳng nhà ai còn ruộng, đi làm thuê kiếm sống”.

Tuy nhiên, theo bà B, điều bức xúc nhất là niềm tin của người dân đã không còn khi chẳng có một dự án rau sạch nào triển khai. Không hiểu từ đâu, nhiều chủ doanh nghiệp – không phải người bản địa, sau đó “làm việc” với chính quyền xã kiểu gì hô biến dự án rau sạch thành khai thác cát sỏi. Mất kế sinh nhai, mất luôn niềm tin, người dân các thôn rùng rùng kéo nhau lên xã làm rõ sự việc. Thậm chí, từ cuối năm 2017 tới nay, nhiều lá đơn kêu cứu từ Tri Phương “bay” tới nhiều bàn làm việc của lãnh đạo các cấp của tỉnh Bắc Ninh trong tuyệt vọng. Từng ngày, tuyến đê sông Đuống xuống cấp nghiêm trọng. Bụi, tiếng ồn khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.

08-03-44_2
Bãi tập kết cát sỏi không phép thách thức người dân

Tại khu vực bến đò xã Tri Phương, một hộ dân thậm chí còn dựng nhà kiên cố, mở quán hát karaoke, cà phê. Trên bờ đê, tấm biển quảng cáo Karaoke Xuân Oanh kèm theo số điện thoại “đè” cả lên biển chỉ dẫn bến đò.

Để sáng tỏ sự việc, PV NNVN đã tìm tới trụ sở UBND xã Tri Phương. Phòng của Chủ tịch UBND xã Tri Phương cửa mở, sáng đèn nhưng không có ai. Tại đây, cán bộ văn phòng ủy ban cho biết, Chủ tịch vừa ra ngoài. Cán bộ văn phòng rút điện thoại gọi cho Chủ tịch và được vị này cho ý kiến, nhà báo không liên hệ trước, không đặt lịch làm việc thì không tiếp. Vị này yêu cầu nhà báo gửi lại nội dung làm việc, sau đó xã sắp xếp thời gian rồi trao đổi sau.

Chúng tôi tiếp tục tìm gặp Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phương. Sau khi trao đổi nội dung công việc, vị này xua tay, giờ đang rất bận, không làm việc. Thực sự, nếu các lãnh đạo Tri Phương luôn bận rộn, làm việc xây xẩm mặt mày như vậy, thì đã không có chuyện người dân xã nhà ôm đơn đi cầu cứu khắp nơi.
 

Nhan nhản vi phạm

Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh thống kê, từ năm 2017 đến giữa năm 2018, tỉnh này phát sinh 66 trường hợp vi phạm Luật Đê điều và 62 trường hợp vi phạm Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi. Hình thức vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình tạm như lều, quán làm nơi sản xuất, kinh doanh, đổ nền bê tông cứng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

08-03-44_3
Tuyến đê sông Đuống đoạn qua xã Tri Phương bị xe ben quá tải băm nát

Trước thực trạng này, tháng 6/2018, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã phải ký quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đê điều với hàng chục thành viên. Đến hết tháng 7/2018, tổ công tác đã phát hiện, xử lý, cưỡng chế được gần 70 trường hợp vi phạm.

Từ lâu, người dân, đặc biệt là học sinh các thôn ở xã Tri Phương không còn dám đi lại trên đê sông Đuống. Một phần bởi tuyến đê đã xuống cấp, một phần không dám sống chung với những hung thần xe bồn, xe tải chở VLXD...

Ngay tại thành phố Bắc Ninh, 11 trường hợp lấn chiếm đê điều đã bị dẹp bỏ. Tuy nhiên, 4 trường hợp vi phạm, xây nhà kiên cố trên hành lang sông Ngũ Huyện Khê không chịu chấp hành. Tới ngày 14/8, lực lượng chức năng đã tiến hành cưỡng chế, phá bỏ toàn bộ các công trình vi phạm, xử phạt đối với các cá nhân vi phạm. Các trường hợp bị cưỡng chế giải tỏa bao gồm: Hộ ông Nguyễn Công Tạo, bà Nguyễn Thị Hậu, bà Nguyễn Thị Phẩm, bà Lê Thị Tự với các vi phạm chủ yếu là xây dựng móng nhà kiên cố lấn chiếm bờ hữu sông Ngũ Huyện Khê và cố tình không thực hiện tháo dỡ sau khi được tuyên truyền, vận động của các cơ quan, đơn vị chức năng.

Tại huyện Yên Phong, 17/26 trường hợp lấn chiếm đê điều đã bị xử lý. 9 hộ còn lại tại 2 xã Đông Tiến và Yên Trung, tổ công tác buộc phải ra quyết định cưỡng chế do không chấp hành. Cũng tại huyện này, việc các hộ vi phạm mái che, lều lán, tập kết VLXD trên mặt đê, mái đê diễn ra nhan nhản. 10 trường hợp xâm hại công trình thủy lợi cũng chưa được xử lý.

Trở lại điểm nóng Tiên Du, riêng huyện này có tới 21 trường hợp xâm phạm đê điều. Tuy nhiên, trong đợt ra quân, tổ công tác mới xử lý được 8/21 trường hợp kể trên. Các trường hợp còn lại, chủ yếu là bãi tập kết cát sỏi thì có tới 10 trường hợp kinh doanh không giấy phép. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018, Tiên Du phát sinh them 12 trường hợp vi phạm đê điều mới.

08-03-44_4
Mặt đê – bê tông hoàn toàn biến mất

Còn tại huyện Quế Võ, hàng loạt trạm trộn bê tông trái phép mọc lên ngoài bãi sông thách thức chính quyền địa phương. UBND huyện Quế Võ đã tiến hành xử phạt 5 trường hợp với số tiền 135 triệu đồng và yêu cầu giải tỏa. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 trường hợp nộp phạt số tiền 15 triệu đồng. Những trường hợp còn lại không thực hiện nộp phạt cũng như thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm. Cũng tại huyện này, tổ công tác đã phải cưỡng chế, vận động giải tỏa 7 trường hợp xâm hại tuyến đê tả Đuống thuộc địa bàn xã Phù Lương.

Ngoài ra, tại các huyện như Lương Tài, Thuận Thành, thị xã Từ Sơn… hàng loạt công trình vi phạm đê điều, thủy lợi cũng bị phát hiện xử lý.

Qua những con số này có thể thấy, việc xâm phạm đê điều và các công trình thủy lợi ở Bắc Ninh là khá phố biến, thậm chí ngang nhiên, coi thường pháp luật. Điển hình là các bãi tập kết cát sỏi, trạm trộn bê tông trên địa bàn hai huyện Quế Võ, Tiên Du.

08-03-44_5
Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh cưỡng chế vi phạm ven sông Cầu
Tại Bắc Ninh, có những khu vực vi phạm trở thành “truyền thống” như Tam Đa, Đông Tiến (huyện Yên Phong). Tại đây, người dân dựng nhà, tạo thành cụm dân cư hàng chục năm nay vẫn khiến tỉnh Bắc Ninh đau đầu, loay hoay nghĩ cách giải quyết.

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Đưa giống sắn mới HL-RS15 vào canh tác tại Tây Nguyên

Hội thảo giới thiệu giống sắn mới HL-RS15 và quy trình, kỹ thuật canh tác vừa được tổ chức tại vựa sắn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).