| Hotline: 0983.970.780

Tràn ngập sắc Xuân

Thứ Hai 02/02/2009 , 08:00 (GMT+7)

Tết đến, xuân về, khắp nẻo đường đất nước tràn ngập không khí vui vẻ, hạnh phúc. Đâu đâu cũng thấy sắc Xuân tràn ngập...

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương - lễ hội dài nhất trong năm ở nước ta như thông lệ đã khai hội vào ngày 31/1 (mùng 6 Tết). Năm nay, do ngày khai hội vào ngày nghỉ (thứ Bảy) nên du khách trẩy hội tăng lên đáng kể. Ông Lê Văn Sang - Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (TP. Hà Nội) cho biết, ngay từ mùng 2 Tết, người dân khắp mọi miền cả nước đã đến với Hội chùa Hương rất đông.

Từ mùng 2 Tết đến ngày khai hội đã có 13 vạn lượt người trẩy hội. BTC đã bố trí 6.000 người tham gia công tác phục vụ tổ chức lễ hội nhưng do lượng khách trẩy hội quá lớn nên đôi khi việc ắc tắc giao thông là không tránh khỏi. Đặc biệt là ngày khai hội, lượng khách quá lớn đã khiến tình trạng ắc tắc trở nên trầm trọng hơn. Không chỉ tắc đường ô tô cách địa phận chùa Hương hàng chục km, đường thuỷ (suối Yến), đường đi bộ cũng tắc và đường cáp treo chỉ phục vụ được khoảng 30% lượng khách đến với lễ hội.

Để tránh nạn chèo kéo, môi giới và lừa đảo, gây phiền hà cho khách du lịch, BTC cũng thông báo cụ thể về giá của những loại vé thắng cảnh và phí gửi phương tiện. Điểm mới của lễ hội chùa Hương năm nay là các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách đã có giá cả trung bình. Giá một bát phở khoảng 15 - 20.000đ chứ không còn bị hét giá 50.000đ như những năm trước. BTC cũng khuyến cáo du khách khi đi xuồng, đò, ngoài giá vé nên mặc cả trước với chủ đò giá bồi dưỡng để tránh bị “chặt chém”.

Liên hoan Múa cổ Thăng Long – Hà Nội

Tối qua 1/2 (tức mùng 7 Tết), chương trình Liên hoan Múa cổ Thăng Long - Hà Nội lần thứ III đã diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội). Chín điệu múa cổ trong đó 8 điệu múa lần đầu tiên được tìm hiểu, khám phá và đưa ra biểu diễn trước công chúng Thủ đô.

Chương trình là giai đoạn 3 của công trình “Phục hồi phát triển múa cổ Thăng Long- Hà Nội” do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội thực hiện từ năm 2005. Công trình Phục hồi phát triển Múa cổ Thăng Long Hà Nội là một trong các chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hơn 300 nghệ nhân đã biểu diễn 9 điệu múa cổ là: Múa Rồng, Múa Hội trống, Múa Thị Hồ Huỳnh Cân, Múa Tứ Linh, Múa Giải oan thích kết, Múa Tiên, Múa Vật, Múa Bổ bộ và Múa Chạy cờ. Các nghệ nhân tham gia chương trình lần này đều có độ tuổi khá cao, nghệ nhân nhiều tuổi nhất thể hiện điệu Múa Bổ bộ là cụ Hoàng Hy năm nay đã 79 tuổi.

Lễ hội Tây Sơn hoành tráng

Lễ hội Tây Sơn được tổ chức để tưởng nhớ 220 năm người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh thắng 29 vạn quân Thanh làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789) lịch sử.

Lễ hội bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết, ngày mùng 5 Tết là chính hội tại Bảo tàng Quang Trung (làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định). Trong hai ngày diễn ra đại lễ, trên các đường làng huyện Tây Sơn đến các đường phố của thị trấn Phú Phong, ven hai bờ sông Côn lịch sử và dọc cầu Kiên Mỹ rực rỡ trong cờ hoa. Không khí cũng tưng bừng, náo nức bởi âm thanh giục giã của những dàn trống trận Tây Sơn. Hàng ngàn du khách cả nước về dự lễ hội dâng hoa dâng hương, chiêm bái nơi phát tích phong trào Tây Sơn ngay tại quê hương của Tây Sơn tam kiệt và các văn thần võ tướng.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, lễ hội còn có nhiều hoạt động văn hóa dân gian các dân tộc Việt, Bana, nhiều tiết mục biểu diển võ thuật như đấu võ, đánh côn, đi quyền... thể hiện tinh thần thượng võ của con người và mảnh đất Bình Định.

Chợ Viềng

Gọi là chợ nhưng cũng có thể coi là một lễ hội độc đáo mỗi năm chỉ có một phiên là Chợ Viềng (Nam Định). Từ nửa đêm mùng 7 đến hết ngày mùng 8 Tết là thời gian diễn ra phiên chợ độc nhất vô nhị này. Theo quan niệm của dân gian thì đi Chợ Viềng để mua một món đồ sẽ gặp hên cả năm. Phiên Chợ Viềng mỗi năm diễn ra một lần ngày càng thu hút đông đảo người dân tham gia. Không chỉ là người dân địa phương mà người dân từ các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng... cứ đến dịp này là đổ về Chợ Viềng để mong mua được điều may cho cả năm. Mặt hàng truyền thống của Chợ Viềng là đồ cổ, đồ cũ, tuy nhiên ngày nay, các mặt hàng đó đã ít dần. Khách đến Chợ Viềng còn có thể đi tham quan và cầu may, đi lễ tại hai địa danh nổi tiếng linh thiêng của mảnh đất thành Nam là Phủ Giầy và Đền Trần.

Phim - kịch lên ngôi, ca nhạc suy thoái

Các cụm rạp lớn trong toàn quốc đã đón Tết trong tình trạng "cháy" vé. Các sân khấu ở TP.HCM đỏ đèn liên tục từ mùng 1 Tết đến khoảng giữa tháng Giêng với gần 20 vở kịch mới, hơn 10 vở cải lương tuồng cổ cùng nhiều chương trình tấu hài, tạp kỹ, xiếc, ảo thuật tại các tụ điểm…

Tết năm nay đáng chú ý có hai đoàn kịch mới với vở nhạc kịch Sui gia đại chiến tại nhà hát Bến Thành và kịch thiếu nhi Ngưu vương náo nhân gian tại rạp xiếc TP.HCM và live show Hoài Linh 4 “Hoài Linh - vua kungfu” cũng khá thành công về mặt doanh thu.

Điều bất ngờ là trong dịp Tết này, môn nghệ thuật lâu nay làm mưa gió là ca nhạc lại bị khán giả thờ ơ. Người trong giới suy đoán nguyên nhân thiếu vắng khán giả là do suy thoái kinh tế song nhưng nhiều người lại cho rằng sự đơn điệu, cũ mòn trong nội dung cùng chất lượng chương trình, chất lượng tác phẩm, giọng hát đã khiến khán giả bắt đầu tỏ thái độ thờ ơ với sân khấu ca nhạc. Chính vì vậy, live show của ca sĩ Ánh Tuyết tại Hà Nội đã phải nói lời xin lỗi khán giả để hủy bỏ đêm diễn cuối cùng (mùng 6 Tết) vì số lượng khán giả quá vắng.

Nhộn nhịp lân - sư - rồng

Từ 29 Tết cho đến Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng), 15 đoàn lân của quận 5, TP.HCM sẽ tập trung biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa quận 5, mỗi đoàn phục vụ 2 đêm diễn miễn phí. Riêng đêm rằm tháng Giêng, sẽ có diễu hành lân -sư - rồng theo các tuyến đường Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm - Lão Tử, Nguyễn Trãi - Nguyễn Tri Phương. Đặc biệt, các hội quán người Hoa ở khu vực Chợ Lớn năm nay còn chi ra trên 400 triệu đồng để đưa hai đoàn lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường, Kim Long Phước Kiến đi biểu diễn phục vụ người nghèo khu vực Tây Nguyên. Riêng tại Nghĩa An Hội quán, Tuệ Thành Hội quán, Nhị Phủ Hội quán, Ôn Lăng Hội quán…, các đoàn lân – sư - rồng còn múa phục vụ người Hoa trong dịp Tết Nguyên tiêu cho đến hết tháng Giêng.

Xem thêm
Lật mặt 7 chạm mốc hơn 60 tỷ sau 2 ngày công chiếu

Sau hai ngày công chiếu, tính cả những suất chiếu sớm, phim 'Lật mặt 7: Một điều ước' đã thu về hơn 60 tỷ đồng, vượt xa phim Mai của Trấn Thành.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay U23 Việt Nam để nhường ghế cho HLV ngoại

HLV Hoàng Anh Tuấn kết thúc nhiệm vụ dẫn dắt tạm quyền đội U23 Việt Nam sau vòng chung kết U23 châu Á tại Qatar.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm