| Hotline: 0983.970.780

Trang trại cam chỉ... nhà giàu mới dám ăn

Thứ Ba 20/12/2022 , 12:32 (GMT+7)

HÀ NỘI Cùng là trái cam Vinh, các nhà vườn nơi khác chỉ bán 28.000 - 35.000 đồng/kg, riêng nhà vườn Nguyễn Thuý ở Cầu Chùa (Gia Lâm, Hà Nội) bán 70.000 đồng/kg vẫn không có bán...

Biến đất sét thành "bờ xôi ruộng mật" trồng cam

Nói về quá trình khởi nghề trồng cam hữu cơ, anh Thuý cho biết, anh trồng cam từ khi các con của anh mới vào tiểu học, đến nay chúng đã có gia đình riêng. Có nghĩa anh Thuý đã trồng cam 20 năm có lẻ. Anh kể lúc mới đến đây thuê ruộng toàn cỏ tranh, cỏ lác, cỏ lăn để trồng cam, nhiều người dân sở tại bảo thẳng: Dễ tính như cây lúa, cấy đất này còn khó được ăn, nay chuyển sang trồng cây ăn trái, chắc làm để lấy đảm!

Nhưng dưới con mắt của nhà nông mẫm cảm, anh Thuý biết chân đất này rất giàu dinh dưỡng, nếu chịu khó cải tạo ruộng đồng cho trồng cây có múi, chất lượng quả sẽ rất ngon, hơn nữa quanh khu vực này cũng khó thuê được ruộng gần nhà, thuận tiện giao thông, an ninh, trật tự tốt như vậy.

Từ vùng đất sét chai cứng bạc màu, vợ chồng anh Thúy đã biến thành vùng đất rất thuận lợi để trồng cam. Ảnh: Hải Tiến.

Từ vùng đất sét chai cứng bạc màu, vợ chồng anh Thúy đã biến thành vùng đất rất thuận lợi để trồng cam. Ảnh: Hải Tiến.

Tưởng rằng rồi sẽ đơn giản, không ngờ mất gần 6 tháng anh Thuý mới thuê được hơn 1,8ha ruộng, vì phải đi vận động từng nhà có ruộng bỏ hoang, xin thuê lại quyền sử dụng với mức bằng với sản lượng lúa cấy 1 v/năm, anh Thuý được toàn quyền thâm canh các thửa ruộng đó với những cây trồng mà luật pháp cho phép.

Thuê được ruộng rồi, anh Thuý còn mất thêm 4 tháng tôn tạo bờ vùng, bờ thừa, thu dọn cỏ, rác và lên líp trồng cam. Trong đó khó nhất là làm sạch cỏ dại, vì ruộng có thành phần cơ giới rất nặng, cơ bản chỉ thuần 1 loại đất sét lẫn viền vàng gỉ sắt loang lổ nên việc đào bứng hết rễ cỏ đưa đi thiêu huỷ rất tốn công.

Được hỏi sao không dùng thuốc trừ cỏ cho nhàn thân? Anh Thuý lý giải, bơm hoá chất lên đất sẽ làm chết hết các vốn quý có trong đất như các dòng vi lượng, vi sinh vật không thể thay thế, và còn làm cho đất chai cứng thêm, khó canh tác, giảm chất lượng nông phẩm từ cây trồng trên đất.

Ban đầu, anh Thuý mới chỉ sản xuất cam theo hướng VietGAP, bao gồm bón cân đối đạm, lân, kali và phân hữu cơ hoai mục, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc BVTV nhà nước cho phép dùng trên rau, quả an toàn... Sau tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, anh tiến tới canh tác chuẩn VietGAP như ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc, thay phân đơn (đạm, lân, kali) bằng NPK tổng hợp và lân hữu cơ vi sinh, Kết hợp bón thêm hạt đậu tương và tro bếp.

1 (8)

Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ và triết lý "lấy của đất bao nhiêu, trả lại cho đất bấy nhiêu", vườn cam của anh Thúy năm nào năng suất quả cũng rất cao. Ảnh: Hải Tiến.

Từ năm 2021 đến nay, anh Thuý chuyển hẳn sang canh tác hướng hữu cơ, không chăm sóc vườn cam bằng các vật tư có nguồn gốc hoá học, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng, không sử dụng thuốc bảo quản trái cây, bón tro bếp thay ka li, bột đậu tương sống thay NPK. Trong đó ưu tiên sử dụng phân hữu cơ vi sinh.

Tiền nào của ấy

 Anh Thuý tiết lộ, chỉ có trên 1,8ha cam Vinh, nhưng mỗi năm anh phải đầu tư 500 - 600 triệu đồng mua đậu tương, tro bếp, phân bón vi sinh và thuốc BVTV sinh học. Nhờ đó mà cây trồng không phụ lòng chủ trại, kể từ lần xuống giống đầu tiên (năm 2002) đến nay, duy nhất năm 2006 bị ảnh hưởng mưa đá, cả khu vực ĐBSH mất mùa cây có múi, vườn cam của anh Thuý cũng không thể tránh, còn lại mỗi năm anh Thuý đều được thu 25 - 30 tấn quả, giá bán cũng năm sau cao hơn năm trước. Vụ cam 2022 này, anh Thuý đã thu được 40 tấn quả, giá bán 70.000 đồng/kg, tăng 10 tấn về sản lượng và 10.000 đồng/kg về giá trị so cùng kỳ năm 2021.

Sở dĩ cam của anh Thuý luôn được giá cao chót vót vì ăn rất ngọt và thơm, một phần do canh tác theo hướng hữu cơ bền vững, phần khác nhờ đất vườn có nhiều vi lượng qúy hiếm, giúp cho trái cam có vị ngọt thơm khác biệt. Mặt khác, việc anh Thuý không tiếc tiền mua phân hữu cơ vi sinh bón cho cây và đất đã thúc đẩy giải phóng vi lượng và dinh dưỡng trong keo đất cung cấp cho cây cam, tạo nên chất lượng quả tuyệt hảo.

3 – vườn cam 20 năm tuổi, cây và đất trồng vẫn khoẻ, cho sai quả

Vườn cam 20 năm tuổi của anh Thúy cây và đất trồng vẫn khoẻ, cho sai quả, trong khi các vườn chỉ khai thác được 8 - 10 năm là tàn lụi. Ảnh: Hải Tiến.

Theo anh Thuý, trên cây cam, đối tượng gây hại nguy hiểm nhất là bệnh vàng lá Greening (vàng lá gân xanh). Tuy nhiên, Greening trên cam cũng như các bệnh nan y trên người, biết phòng xa, phát hiện sớm, chữa trị kịp thời chắc chắn sẽ giảm thiểu nguy hại. Do đó, trước khi trồng cam, anh Thuý phải lựa cây giống sạch bệnh, chăm sóc kịp thời cho cây sinh trưởng khoẻ, tăng khả năng đề kháng; phòng trừ kịp thời, triệt để rầy chổng cánh (môi giới truyền bệnh Greening); thăm vườn thường xuyên, thấy cây chớm bệnh thì đốn bỏ ngay, xúc đất sâu 1,5m cả ô đất có gốc cây chớm vàng lá gân xanh chuyển đi thật xa vườn cam, xử lý vôi bột xuống hố, bổ sung đất mới và trồng cây sạch bệnh...

Với các đối tượng dịch hại khác như thán thư, ruồi vàng hại quả cũng vậy, anh Thuý luôn phòng ngừa từ xa bằng cắt tỉa tạo tán cho vườn cây luôn thông thoáng; phun phòng thán thư khi thời tiết âm u, có mưa hoặc độ ẩm không khí cao, phun trừ khi vết bệnh chớm phát sinh. Riêng ruồi vàng hại quả cần phun thuốc sinh học đặc hiệu định kỳ 1 lần/tháng, phun kép 2 lần/tháng từ khi quả tăng trọng đến thu hoạch, kết hợp đặt thêm các bẫy ruồi vàng.

Vụ cam 2022 này, anh Thuý đã thu được 40 tấn quả, giá bán 70.000 đồng/kg

Vụ cam 2022 này, anh Thuý đã thu được 40 tấn quả, giá bán 70.000 đồng/kg. Ảnh: Hải Tiến.

Chăm bón hàng năm, anh Thuý cũng thực hiện theo hướng lấy đi từ cây và đất chừng nào trái/quả và độ phì nhiêu thì phải bón bù lại cho đất và cây chừng đó dinh dưỡng và độ màu mỡ. Làm ngược lại cây sẽ rất ít quả hoặc ra quả cách năm. “Điều đó cũng giống như trong quan hệ giữa người với người, nhìn chung cũng phải 'có đi có lại mới toại lòng nhau', nếu không, chỉ được 1 lần, những lần sau sẽ rất khó xin nhờ”, anh Thuý ví von. 

Yêu cây và tham công tiếc việc, dù trồng gần 2ha cam, nhưng mọi việc làm vườn, vợ chồng anh Thuý đều tự tay làm, không thuê mượn thêm lao động ngoài. Anh Thuý tính toán, tưới nước đã có ống dẫn nhỏ giọt tự động tới từng gốc cây, phun thuốc có bình bơm chạy điện hoặc ắc quy, cỏ dại do đất vườn luôn chai cứng, cỏ không phát triển được, tưới không kịp ruộng còn bị nứt nẻ, nên quanh năm không phải cắt/nhổ cỏ các loại.

Chỉ còn bón phân, thu hoạch và cắt tỉa vợ chồng anh tự đảm nhiệm được. Vả lại ngày nào cũng ra vườn kiểm tra "sức khoẻ đất" và sâu bệnh, tiện thể cầm kéo theo cắt bỏ kịp thời những cành cây vô hiệu, quả còi cọc cũng không tốn thêm thời gian. 

Những trái cam mọng nước, chất lượng ngọt, thơm ngon luôn được khách hàng sẵn sàng bỏ

Những trái cam chất lượng, ngọt, thơm ngon của vườn anh Thúy luôn được khách hàng sẵn sàng bỏ "hầu bao" mua với giá cao. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn cam của anh Thuý đã khai thác quả ngót 20 năm, nhưng cây và đất vẫn rất khoẻ, cho thu sản lượng quả ổn định, không bị nhiễm bệnh “nan y”, trong khi các vườn cam khác chỉ cho quả 8 - 10 năm đã bị Greening phá hại hoặc già cỗi phải chặt bỏ.

Hiện anh Thuý mới thuê thêm 0,7ha ruộng, nâng tổng diện tích cam trồng theo hướng hữu cơ lên trên 2,5ha. Kế hoạch cuối năm 2023, anh Thuý sẽ cho thu trên 50 tấn quả. Mọi trái cam của anh Thuý đưa ra thị trường đều có nhãn mác, mã vạch, rất tiện truy xuất nguồn gốc khi cần.

 

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.