| Hotline: 0983.970.780

Trang trại lợn xả thải vô tội vạ gây ô nhiễm môi trường

Thứ Hai 29/01/2024 , 08:56 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Người dân nhiều lần đề nghị chủ trang trại lợn công nghệ cao chấm dứt xả thải gây ô nhiễm môi trường nhưng nước khe Rào Trường vẫn đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Trang trại lợn công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Lợi nằm ở thượng nguồn khe Rào Trường. Các hồ chứa tạo thành những 'túi bom' nước thải có thể đổ xuống hạ nguồn bất cứ lúc nào. Ảnh: Võ Dũng.

Trang trại lợn công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Lợi nằm ở thượng nguồn khe Rào Trường. Các hồ chứa tạo thành những "túi bom" nước thải có thể đổ xuống hạ nguồn bất cứ lúc nào. Ảnh: Võ Dũng.

Tuyệt diệt cá và các loài thủy sinh khe Rào Trường

Người dân thôn Rào Trường, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) phản ánh, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Ngọc Lợi nằm ở đầu nguồn khe Rào Trường xả thải vô tội vạ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tình trạng này xẩy ra từ nhiều tháng nay. Nước trên khe Rào Trường thường xuyên biến thành màu đen, bốc mùi hôi nồng nặc. Cá và các loài thủy sinh trên dòng khe gần như bị tuyệt diệt. Tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài, không được cải thiện dù người dân đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương. Người dân cạo mủ cao su khu vực gần trang trại chăn nuôi lợn của ông Phạm Ngọc Lợi dù bịt nhiều lớp khẩu trang vẫn còn nghe mùi hôi thối nồng nặc.

“Cứ 10-15 ngày, nước ở hạ nguồn khe Rào Trường lại đen đặc một lần. Nước có mùi hôi hắc không chịu nổi dù đã bịt nhiều lớp khẩu trang, ngửi vào nhức đầu, choáng váng", chị Tr., người dân thôn Rào Trường bức xúc.

Hồ chứa cuối cùng nằm trong khuôn viên đắp bằng đất, nước thải sau khi đi qua bể bioga, qua 2 hồ lắng sẽ tự động chảy tràn tại điểm được đánh dấu. Ông Phạm Ngọc Lợi, chủ trang trại thừa nhận: 'Trong chăn nuôi không thể xử lý nước triệt để, nước thải vẫn còn phân nên có màu đen'. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ chứa cuối cùng nằm trong khuôn viên đắp bằng đất, nước thải sau khi đi qua bể bioga, qua 2 hồ lắng sẽ tự động chảy tràn tại điểm được đánh dấu. Ông Phạm Ngọc Lợi, chủ trang trại thừa nhận: "Trong chăn nuôi không thể xử lý nước triệt để, nước thải vẫn còn phân nên có màu đen". Ảnh: Võ Dũng.

Từ cầu Rào Trường, theo dòng khe, qua các lô trồng tràm, cao su, chúng tôi đi ngược về phía sau trang trại lợn của ông Phạm Ngọc Lợi. Đây là một trang trại lớn với 6 dãy chuồng nuôi. Bên trong khuôn viên có 1 bể bioga và 3 bể chứa nước thải lộ thiên. Bể cuối cùng được đắp bằng đất, nằm cao hơn mặt khe Rào Trường chừng 2-3m. Tại bể chứa này, nước dâng đến đâu sẽ tự động chảy tràn ra một bể chứa lớn phía dưới trang trại. Đây chính là khu vực thượng nguồn lòng khe Rào Trường.

Ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà cho rằng, bể chứa lớn này không phải là diện tích đất thuộc sở hữu của trang trại. Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Lợi lại khẳng định, đây chính là phần đất đã được cấp để xây dựng hệ thống xử lý nước thải của trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao(?).

Nước từ hồ chứa chảy tràn xuống một hồ nằm ngoài khuôn viên trang trại. Ảnh: Võ Dũng.

Nước từ hồ chứa chảy tràn xuống một hồ nằm ngoài khuôn viên trang trại. Ảnh: Võ Dũng.

Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, hồ chứa cuối cùng của trang trại lợn nằm ở thượng nguồn khe Rào Trường rộng chừng 3 nghìn m2, màu nước đen ngòm; chất thải lắng đọng lâu ngày đặc quánh ở phía trên; xác sinh vật, động vật phân hủy nổi lềnh bềnh. Phía cuối hồ được đắp một đê bao và cống bê tông kiên cố. Nước dâng cao sẽ tự động theo cống bê tông chảy về phía hạ nguồn khe Rào Trường. Dòng nước đen ngòm chảy liên tục về khe suối tạo thành các đám bọt trắng xóa.

Nguồn nước ô nhiễm trên khe Rào Trường kéo dài khoảng 2-3 km về phía hạ nguồn rồi hòa vào các dòng nước khác, nhạt dần.

Hồ chứa này là lòng khe Rào Trường. Nước từ đây sẽ chảy về hạ lưu thông qua một cống nước được xây dựng kiên cố. Ảnh: Võ Dũng.

Hồ chứa này là lòng khe Rào Trường. Nước từ đây sẽ chảy về hạ lưu thông qua một cống nước được xây dựng kiên cố. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân thôn Rào Trường khẳng định, nếu chính quyền địa phương và các ngành chức năng không quyết liệt xử lý thì trang trại lợn sẽ chủ động xả thải, nhất là thời điểm trời mưa. Khi trang trại lợn xả thải ồ ạt, nước khe Rào Trường chuyển thành màu đen kéo dài 3-4 km về phía hạ nguồn, nhập vào các nhánh sông Sa Lung, sông Bến Hải chảy qua địa bàn huyện Vĩnh Linh.

“Nước thải vẫn còn phân nên có màu đen”

Ông Nguyễn Văn Thao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà cho hay trang trại lợn do ông Phạm Ngọc Lợi làm chủ có công suất 7 nghìn con lợn thịt/lứa đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp giấy phép môi trường từ năm 2022.

Màu nước tại cống thoát nước cuối cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Màu nước tại cống thoát nước cuối cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, vào tháng 10/2023, trang trại này đã để xẩy ra sự cố tràn bể chứa nước thải gây bức xúc trong nhân dân. Sau sự việc, UBND xã Vĩnh Hà đã tổ chức đoàn kiểm tra, yêu cầu chủ trang trại khắc phục sự cố.

Dù khẳng định có tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí nhưng theo ông Thao, về chuyên môn, UBND xã Vĩnh Hà không đủ để xác định mức độ nên chỉ báo cáo lên cấp trên mà chưa có các biện pháp xử lý.

 “Xã đã báo cáo lên huyện và tỉnh chứ không có chuyên môn xác định mức độ mùi hôi, ô nhiễm", ông Thao cho hay.

Màu nước khe Rào Trường phía dưới hồ chứa cuối cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Màu nước khe Rào Trường phía dưới hồ chứa cuối cùng. Ảnh: Võ Dũng.

Trước bức xúc của người dân và nhiều lần nhận phản ánh nhưng khi được hỏi, ông Thao cho biết là mới chỉ cử lực lượng công an và ban ngành cấp xã đi kiểm tra, bản thân ông chưa một lần tiếp cận khu vực xả thải. UBND xã Vĩnh Hà cũng chưa xử phạt hành chính đơn vị này vì hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Về hồ nước đen và các ống nhựa sau lưng trang trại heo, ông Phạm Ngọc Lợi cho hay trang trại rộng 6ha theo quy trình khép kín. Nước thải xử lý qua hầm biogas, 3 hồ chứa sinh học trước khi nước xả ra môi trường tự nhiên. Theo giấy phép môi trường, trang trại này được phép xả nước thải ra môi trường và phải đạt quy chuẩn Việt Nam QCVN 62-MT:2016/BTNMT-QCKTQG về nước thải chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Lợi thừa nhận, nước thải hiện chưa đạt yêu cầu.

Ống nhựa phía sau trại lợn. Ảnh: Võ Dũng.

Ống nhựa phía sau trại lợn. Ảnh: Võ Dũng.

“Trong chăn nuôi không thể xử lý nước triệt để, nước thải vẫn còn phân nên có màu đen. Nước thải được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị lấy mẫu 2 lần. Kết quả cơ bản nhưng có thông số Coliform hơi cao”, ông Lợi phân trần.

Ông Lợi cũng cho biết thêm, trang trại đang tiếp tục được hoàn thiện hệ thống xử lý để đạt chuẩn về Coliform. Về các ống nhựa lớn, ông Lợi khẳng định, đây là hệ thống thu gom và thoát nước mưa(?).

Ô nhiễm do xả thải của trại lợn khiến người dân hết sức lo lắng. Ảnh: Võ Dũng.

Ô nhiễm do xả thải của trại lợn khiến người dân hết sức lo lắng. Ảnh: Võ Dũng.

Ngoài trang trại lợn của ông Phạm Ngọc Lợi, Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam còn ghi nhận tình trạng nước thải của trang trại lợn do bà Phạm Thị Thống làm chủ gây ô nhiễm môi trường. Nước thải từ hồ đất chưa được xử lý triệt để thẩm thấu ra bên ngoài, nhập vào khe Rào Trường gây nên tình trạng ô nhiễm.

Sau khi tiếp nhận thông tin chúng tôi phản ánh, ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị sẽ cử cán bộ phối hợp với địa phương kiểm tra phản ảnh của người dân để có các biện pháp xử lý dứt điểm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất