| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi về mật ong tại thị trường Anh

Thứ Bảy 13/03/2021 , 08:18 (GMT+7)

Sản lượng mật ong bán ra vượt quá sức tăng trưởng của đàn ong khiến nhiều người hoài nghi về việc có hay không tạp chất trong những sản phẩm ngoài thị trường.

Một hộ nuôi ong tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Một hộ nuôi ong tại huyện Đức Thanh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Trong hai thập kỷ qua, sản lượng mật ong trên toàn cầu tăng gần 50%. Trong cùng kỳ, số lượng tổ ong nuôi cũng tăng lên, nhưng ít hơn 30%, lên khoảng 90 triệu, theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO). Ron Phipps, Phó chủ tịch Ủy ban Khoa học về Kinh tế Nuôi ong tại Apimondia, Liên đoàn các Hiệp hội Nuôi ong Quốc tế hoài nghi về khả năng xuất hiện mật ong nhân tạo trên thị trường.

“Không thể giải thích sự gia tăng sản lượng mật ong trên toàn cầu. Chúng tôi tin rằng người tiêu dùng đang bị lừa. Mật ong đang bị trộn với xi-rô gạo và các chất làm ngọt khác", ông đặt vấn đề.

Phipps đã đến thăm nhiều vùng sản xuất mật ong của Trung Quốc, quốc gia sản xuất mặt hàng này lớn nhất thế giới, và xuất khẩu tới 36.000 tấn mỗi năm cho thị trường Anh. Ông cho rằng tốc độ lấy mật ở quốc gia này nhanh hơn bình thường.

Đồng tình với ông, Giáo sư Norberto Garcia tại Đại học Nacional Del Sur ở Argentina và Stephan Schwarzinger, nhà hóa học thực phẩm tại Đại học Bayreuth ở Đức, nói thêm: "Hàm lượng nước trong mật ong thu hoạch sớm cần phải giảm bớt trước khi xuất khẩu. Ngoài ra, mật loại này thường thiếu mùi vị đặc trưng của mật ong".

Để lấy lại mùi vị, cũng như vượt qua các bài kiểm tra thành phẩm khi xuất khẩu, nhiều cơ sở nuôi ong đã trộn mật ong với xi-rô gạo. Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Bắc Kinh, thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, đã biết việc này.

Trong bản công bố hồi tháng 3/2020, một nhóm do Lanzhen Chen dẫn đầu cho biết: "Để kiếm lợi nhuận cao hơn, mật ong thành phẩm bị pha trộn đường thông qua việc bổ sung các chất làm ngọt rẻ hơn, chẳng hạn như đường mía tinh luyện, đường củ cải, đường ngô... "

Một số người còn đặt câu hỏi rằng liệu một chất như vậy có thể được gọi là mật ong hay không, bởi theo định nghĩa pháp lý, nó phải được bảo quản "trong tổ ong để chín".

Hiện tại Trung Quốc, một đoạn quảng cáo trên trang thương mại điện tử trực tuyến Alibaba khẳng định: 'Xi-rô fructose cho mật ong có thể vượt qua các bài kiểm tra để xác định tạp chất".

Kate Bowyer, một người nuôi ong ở Anh với 35 tổ ong gần Redruth ở Cornwall, cho biết nghề nuôi ong của bà ngày một đi xuống: "Bạn sẽ không thể tìm thấy nhiều người kiếm sống bằng nghề nuôi ong, kể cả là với 100 tổ ong trong tay". 

Những hộ nuôi ong như Bowyer, còn cảnh báo rằng hàng nhập khẩu giá rẻ đe dọa khiến họ có nguy cơ đóng cửa. Điều ấy có thể gây ra những tác hại cho sinh thái, như có ít ong đi thụ phấn cho cây trồng, hoa dại và cây cối.

Mật ong được bán trong một siêu thị tại Anh. Ảnh: Getty.

Mật ong được bán trong một siêu thị tại Anh. Ảnh: Getty.

Tại Anh, mỗi năm có khoảng 50.000 tấn mật ong được tiêu thụ. Con số này trên cả thế giới là 1,9 triệu tấn, và đem lại giá trị chừng 7 tỷ USD. Món ăn ưa thích của người phương Tây là phết mật ong trên bánh mì nướng bơ nóng, phết lên sữa chua tươi hoặc rưới lên bánh kếp. 

Theo công ty dữ liệu Kantar, doanh số tiêu thụ mật ong ở thị trường Anh không ngừng tăng lên những năm qua, và đạt đỉnh tăng 20% ​​vào năm ngoái.

Tuy nhiên, người dân tại xứ sương mù cũng như nhiều nước châu Âu lại ít mặn mà với những sản phẩm đắt tiền như mật ong Manuka có xuất xứ từ New Zealand, Úc. Họ quan tâm hơn đến những sản phẩm bình dân. Theo các chuyên gia, đó là kẽ hở cho những kẻ lừa đảo lách vào.

Hè năm ngoái, Mitchell Weinberg, một nhà điều tra gian lận thực phẩm tại New York, đã đưa mật ong được bày bán tại các siêu thị ở Anh vào thử nghiệm. 8 trong 9 mẫu thử, bao gồm cả một vài thương hiệu cao cấp, bị phát hiện không phải mật ông nguyên chất.

Những sản phẩm này được dán nhãn là hỗn hợp mật ong của EU và các nước thứ ba. Nó không trái với quy định của Vương quốc Anh, là không bắt buộc ghi nước sản xuất trên nhãn sản phẩm hỗn hợp như vậy.

Các siêu thị và ngành công nghiệp mật ong bác bỏ kết quả này, đồng thời cam đoan mật ong đang lưu hành trên thị trường là "100% nguyên chất". Hiệp hội Mật ong, đại diện cho các nhà nhập khẩu và đóng gói mật ong của Vương quốc Anh, thậm chí đã lên án thử nghiệm trên khi từ chối cấp cơ sở dữ liệu để đối chiếu.

Đại diện của hiệp hội nhấn mạnh: "Mật ong được kiểm tra tại nguồn và trước khi xuất khẩu vào nước Anh. Quá trình này vô cùng phức tạp và không có cuộc kiểm tra riêng biệt nào đáng tin cậy".

Tại Vương quốc Anh, hàng trăm cuộc kiểm tra mật ong đã được tổ chức, nhưng chưa có bất cứ báo cáo nào về sự pha trộn. 

Thomas Spengler, đại diện một trong các đơn vị tổ chức kiểm tra tại Anh, cam kết: "Hệ thống và cơ sở dữ liệu của chúng tôi đáng tin cậy, mạnh mẽ và cởi mở với mọi bên có thẩm quyền. Tôi nghĩ, áp lực đang ngày một tăng với các siêu thị, nếu chi tiết các cuộc kiểm tra và đánh giá bị diễn đạt và hiểu một cách sai lệch".

Vào năm 2018, Ủy ban Châu Âu cho biết có "một tỷ lệ đáng kể" mật ong có thể bị dán nhãn sai hoặc pha tạp chất được tuồn vào EU. Dù vậy, cơ quan này không thông tin gì thêm về cuộc điều tra.

Box: Một số người trong ngành công nghiệp mật ong của Anh cho rằng cần có cái nhìn khách quan với các sản phẩm mật ong nhập khẩu.

Martin Pope, ở Beeza, từng làm kế toán và chuyên điều tra gian lận trước khi chuyển sang nuôi ong, bày tỏ: "Người tiêu dùng có khả năng mua thứ gì đó không muốn, hoặc ngoài tầm kiểm soát. Dù vậy, không thể phủ nhận lợi ích từ mật ong Trung Quốc. Bằng chứng là các sản phẩm loại này luôn thuộc tốp bán chạy".

(Theo Daily Mail)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.