Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. |
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, tổng lượng nước từ ngày 01/06 đến 07/10/2019 tại Kratie là 205,23tỷ m3, thấp hơn tổng lượng lũ trung bình nhiều năm (1980–2018) khoảng 59,67 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2000, 2011, 2018, và chỉ cao hơn năm lũ nhỏ điển hình 2015 khoảng 27,10 tỷ m3.
Kết quả giải đoán ảnh vệ tinh MODIS ngày 22/09/2019, cho thấy, ngập trên diện rộng ở khu vực ven sông thuộc Campuchia và vùng Đồng Tháp Mười của Việt Nam. Diện tích ngập lớn hơn khá nhiều so với diện tích ngập ngày 14/9. Tuy nhiên, diện tích ngập nhỏ hơn so với cùng thời kỳ năm 2018.
Để hỗ trợ cho công tác dự báo lũ, ứng phó với ngập lụt, bảo vệ sản xuất, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam giải đoán ảnh vệ tinh MODIS xác định thời gian sinh trưởng của lúa cho vùng ngập lũ ở ĐBSCL. Kết quả giải đoán chỉ rõ vị trí và số lượng diện tích lúa ứng với từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau cụ thể như lúa sắp thu hoạch (> 88 ngày), lúa trong giai đoạn từ 72–88 ngày... Đây là những kết quả có ý nghĩa thực tiễn trong công tác ứng phó với ngập lụt, bảo vệ sản xuất.
Qua kết quả giải đoán ảnh ngày 22/9, hầu hết diện tích lúa Hè Thu trên vùng ĐBSCL đã thu hoạch xong, chỉ còn lại một số diện tích nhỏ thuộc khu vực tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Cà Mau. Nhiều diện tích đã xuống giống vụ Thu Đông và thời kỳ sinh trưởng của lúa Thu Đông hiện phổ biến từ 24–72 ngày. Một số diện tích lúa Thu Đông đã thu hoạch.
Tính đến ngày 04/10/2019, diện tích lúa Hè Thu ở toàn vùng ĐBSCL đã thu hoạch xong là 1.526.529 ha, xấp xỉ 98% diện tíchxuống giống. Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông năm 2019 trên toàn ĐBSCL khoảng 750.000ha. Đến ngày 04/10, đã xuống giống được khoảng 716,047 ha (95,5% so với kế hoạch), và đã thu hoạch được 217.933 ha diện tích ở các tỉnh Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang. Vụ Đông Xuân đến nay đã xuống giống được 49.787 ha trên địa bàn 4 tỉnh gồm Long An (3.274 ha), Vĩnh Long (3.143 ha), Kiên Giang (5.996 ha), Sóc Trăng (37.374 ha).
Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định lũ ở ĐBSCL năm 2019 là năm lũ nhỏ, đỉnh lũ đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu đạt mức 3,63 m (> BĐ1 0,13 m) vào ngày 17/9, Châu Đốc đạt mức 3,08 m (> BĐ1 0,08m) vào 19/9. Đến nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đã xuống thấp, dưới mức báo động 1.
Về thủy triều, dự báo trong tháng 10, đỉnh triều đạt vào các ngày cuối tháng. Cụ thể: đỉnh triều cao nhất tại trạm Trần Đề (2,19 m), đỉnh triều thấp nhất tại trạm Hà Tiên (0,59 m), chân triều thấp nhất đạt vào các ngày giữa và cuối tháng 10, chân triều thấp nhất tại trạm Vũng Tàu (-1,99 m), chân triều cao nhất tại trạm Rạch Giá (0,02 m).
Diễn biến lũ trên vùng ĐBSCL đã giảm xuống. Tuy nhiên, triều cường dự báo vào thời điểm giữa tháng 10 và cuối tháng 10 ở mức cao. Vì vậy, các địa phương vùng bị ảnh hưởng mạnh bởi triều cường cần hết sức đề phòng và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt cần phải có phương án gia cố các bờ bao xung yếu, để tránh nguy cơ bị vỡ, tràn bờ bao gây thiệt hại đến sản xuất và dân sinh.
Lũ năm 2019 là năm lũ nhỏ và rút nhanh nên khả năng ảnh hưởng đến hạn và xâm nhập mặn trong mùa khô kế tiếp là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương tranh thủ xả lũ vào đồng ở những khu ô bao đã thu hoạch xong lúa và xây dựng giải pháp tích trữ nước để phục vụ sản xuất cho vụ kế tiếp.
Ngoài ra, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo khí tượng, thủy văn từ các tổ chức như Ủy hội sông Mê Công quốc tế, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài khí tượng thủy văn các tỉnh, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam ... để xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng và kịp thời.