Từ việc trồng mía kém hiệu quả, nhiều nông dân ở các xã như Hiệp Hưng, Long Thạnh, Tân Phước Hưng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã chuyển đổi từ trồng mía sang trồng cây sương sáo.
Trước tình hình giá mía ngày càng xuống thấp, nông dân gặp khó khăn trong việc SX, để tìm ra hướng đi mới trong canh tác, đầu năm 2014, UBND huyện Phụng Hiệp có chủ trương chuyển đổi một phần diện tích mía ngoài vùng nguyên liệu sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Từ việc trúng mùa, trúng giá do bán cho thương lái Trung Quốc, nên ông Đặng Văn Triều, ở ấp Mỹ Hưng, xã Hiệp Hưng (huyện Phụng Hiệp), mở rộng diện tích từ 3 công lên 15 công để trồng sương sáo.
Ông Triều cho biết: Năm 2013, ông trồng 3 công sương sáo, sản lượng đạt 2 tấn/công, với giá bán từ 25.000 - 33.000 đ/kg, thu lãi gần 150 triệu đồng. Lợi nhuận từ 3 công sương sáo hơn cả khi làm 12 công mía cộng lại. Từ đó nhiều nông dân tự phát mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Trung Thới, tổ trưởng tổ Kỹ thuật xã Hiệp Hưng cho biết: Tổng diện tích trồng sương sáo của xã là 37 ha, diện tích có chiều hướng tăng. Lợi nhuận và đời sống tương đối ổn định từ việc trồng sương sáo, nhất là năm 2013. Còn năm 2014, đang có nhiều biến động, đầu ra lại đang khó khăn, giá cả phụ thuộc vào thương lái, thậm chí không biết bán cho ai. Nếu như giá bán sương sáo năm 2013 trên 30.000 đ/kg, thì hiện tại chỉ 6.000 - 7.000 đ/kg. Còn hơn 1 tháng nữa là các ruộng sương sáo tới lứa thu hoạch, nhưng hiện tại vẫn chưa có Cty, chủ vựa nào đặt hàng thu mua.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết: Đầu năm 2014, huyện chủ trương chỉ đạo chuyển đổi 180 ha mía, sang trồng màu, cây ăn trái…từ những vùng canh tác mía kém hiệu quả. Mục đích chuyển đổi nhằm phù hợp với nhu cầu thị trường, cũng như những dự báo trong thời gian tới cây mía sẽ không mang lại hiệu quả. Còn đối với sương sáo, huyện không khuyến khích trồng loại cây này. Đa phần bà con trồng tự phát. Trước Tết có thương lái đến đặt mua sương sáo với số lượng lớn, nhưng không có hợp đồng bằng văn bản, nên lãnh đạo xã không đồng ý. Đầu ra của sương sáo không chỉ có Campuchia, Malaysia mà còn bán cho thương lái Trung Quốc.
Giá của loại cây này đang xuống thấp hơn 5 lần so với năm 2013. Hiện tại, diện tích trồng tiếp tục tăng nhanh. Do cách làm tự phát, quá trình chuyển đổi cây trồng tại các địa phương còn chậm, nên rủi ro của loại cây trồng này rất lớn, khó hạn chế được diện tích, đầu ra không ổn định. Chính vì lẽ đó, khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.