Xe ô tô tải mang biển kiếm soát 11C - 052.7x di chuyển theo hướng từ xã Bế Văn Đàn đi thị trần Hòa Thuận (cùng thuộc huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) đến đoạn địa phận nói trên thì gặp đàn trâu của người dân bản địa đi trên đường. Bất ngờ 1 con trâu chạy cắt qua đường nên tài xế không thể tránh kịp khiến ô tô đâm thẳng vào con trâu.
Vụ va chạm đã làm xe ô tô bị hư hỏng phần đầu xe, không thể nổ được máy, còn con trâu bị ngã ra đường chết.
Mặc dù việc thả rông vật nuôi trên đường là vi phạm luật giao thông, nhưng chủ của đàn trâu không những không bồi thường xe ô tô bị hư hỏng, mà còn bắt đền con trâu bị chết.
Do người dân địa phương kéo ra xem rất đông và gây áp lực, để tránh gặp rắc rối, tài xế xe ô tô đã phải bồi thường số tiền 10 triệu đồng và phải để lại con trâu bị chết cho chủ thì mới được đi.
Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: Không được thả rông súc vật trên đường bộ. Trường hợp người dắt súc vật đi trên đường bộ phải tuân thủ nguyên tắc sau: Phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường, trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới (Điều 34 Luật Giao thông đường bộ).
Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng:
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016, người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới; Để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.
Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 của Quốc hội quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.