Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong 20 năm, từ 2004 đến 2023, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá thịt trắng lớn nhất thế giới, với tổng kim ngạch gần 25 tỷ USD.
Trong 20 năm qua, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng (chủ yếu là cá tra) lớn thứ 2 cho Trung Quốc, với tổng kim ngạch gần 3 tỷ USD chiếm 11% tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cá thịt trắng của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc mới chính thức nhập khẩu cá tra Việt Nam kể từ năm 2012. Trước thời điểm này, Trung Quốc gần như chưa mua cá tra của Việt Nam mà chủ yếu mua cá thịt trắng từ Na Uy, Nga, Canada, Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc… Như vậy, cá tra Việt Nam đã đi sau so với cá thịt trắng của nhiều nước khác tại thị trường Trung Quốc, nhưng lại vươn lên đứng ở vị trí thứ 2 sau Nga. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của cá tra Việt Nam tại thị trường này.
Trong các sản phẩm cá thịt trắng nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc trong 20 năm qua, phile cá tra đông lạnh đứng thứ 4 sau cá minh thái Alaska đông lạnh, cá tuyết cod đông lạnh mã HS 030363 và cá tuyết cod mã HS 030360. Tổng cộng trong 20 năm qua, kim ngạch nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc là 2,2 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra Việt Nam giàu dinh dưỡng, lại có giá cả hợp lý và sự tương đồng về khẩu vị với người Trung Quốc. Việc gần gũi về mặt địa lý dẫn tới chi phí vận chuyển thấp hơn so với nhiều nguồn cung cá thịt trắng khác, nhất là các nguồn cung từ châu Âu, Bắc Mỹ, cũng là ưu điểm vượt trội để cá tra Việt Nam trở thành một trong những sản phẩm cá thịt trắng được ưa thích nhất tại Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là một trong những thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong đạt 370 triệu USD, cao hơn nhiều so với thị trường đứng sau là Mỹ (226 triệu USD).
Trước đây, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu phile cá tra đông lạnh của Việt Nam. Nhưng theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), năm nay, Trung Quốc bắt đầu mua các sản phẩm cá tra giá trị cao. Đây là cơ hội để các công ty chế biến cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng sang thị trường Trung Quốc.
Thông tin từ VASEP cho thấy, Trung Quốc chưa phải là thị trường lớn của các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng, nhưng xuất khẩu những sản phẩm này sang Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng sang thị trường này đạt 791 nghìn USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy còn khiêm tốn so với các thị trường như CPTPP, Mỹ, Thái Lan…, nhưng Trung Quốc được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng của Việt Nam do nhu cầu ngày càng tăng với các sản phẩm chế biến sẵn và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu ở mức cao. Riêng trong tháng 8/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2023 và đạt hơn 200 nghìn USD (là mức cao nhất kể từ đầu năm).
Một số sản phẩm cá tra khác của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đang tăng trưởng ấn tượng, trong đó có cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh. Theo VASEP, trong năm 2023, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc đã chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này, cao hơn nhiều so với mức 15% của năm 2018.
8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh sang Trung Quốc đạt hơn 93 triệu USD, chiếm 55% trong tổng giá trị xuất khẩu cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh đi tất cả các thị trường. Các địa phương tại Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất sản phẩm cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh của Việt Nam là Quảng Đông, Sơn Đông, Thượng Hải, Triết Giang, Hồ Nam, An Huy…