Chủ tịch Bình Định 'kéo' doanh nghiệp, ngân hàng tiêu thụ ớt cho nông dân

Vũ Đình Thung - Thứ Sáu, 12/04/2024 , 11:00 (GMT+7)

Trước tình hình giá ớt bấp bênh khiến nông dân lâm cảnh ‘đánh bạc’ với cây ớt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định kiểm tra, chỉ đạo đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ ớt.

Chuyển hướng sản xuất ớt VietGAP

Sau 2 vụ ớt trúng lớn, năm nay, người trồng ớt ở Bình Định nếm thất bại cay đắng vì từ đầu vụ đến nay giá ớt chỉ địa (ớt to) luôn ở mức thấp, chỉ 4.500 đồng/kg; ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi năm 2023, giá ớt chỉ địa suốt vụ dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, còn ớt chỉ thiên có lúc tăng đến 50.000 đồng/kg.

Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn đã dẫn đầu đoàn công tác gồm các Sở NN-PTNT, Công Thương; lãnh đạo Công ty Chế biến nông sản - Lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (viết tắt là Công ty Trần Gia - đơn vị trực thuộc Công ty TNHH Khoáng sản Hữu Bích); đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bình Định (BIDV Bình Định) về huyện Phù Mỹ - địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” ớt của Bình Định để bàn phương án liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt cho nông dân.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (bìa phải) thăm Công ty Chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh trồng được hơn 2.333ha ớt, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Phù Mỹ với gần 1.435ha và huyện Phù Cát với hơn 538ha. Đến nay, Bình Định đã thu hoạch được 29.800 tấn ớt, trong đó huyện Phù Mỹ đã thu hoạch hơn 15.925 tấn; huyện Phù Cát thu hoạch gần 11.634 tấn.

Năm nay ớt cho năng suất cao, tuy nhiên giá giảm mạnh khiến nông dân khốn đốn. Theo đại diện lãnh đạo 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ, hiện doanh nghiệp và nông dân chưa thiết lập được mối liên kết sản xuất và bao tiêu ớt nên việc tiêu thụ và giá cả ớt phải lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường.

Vụ ớt năm nay, trong khi hầu hết người trồng ớt ở Bình Định đều “méo mặt” vì giá ớt thấp tịt thì 5,5ha ớt của nông dân xã Cát Tài (huyện Phù Cát) được bao tiêu với giá 12.000 đồng/kg tại ruộng vì diện tích này đã liên kết sản xuất theo hướng VietGAP và được Công ty Trần Gia bao tiêu sản phẩm.

Trước thực tế này, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp then chốt giúp người dân có thu nhập ổn định, hướng đến phát triển sản xuất hàng hóa mang lại giá trị tăng cao, bền vững. Do đó, ông Tuấn đề nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Trần Gia trở thành doanh nghiệp chủ lực trong thu mua ớt tại tỉnh.

Đồng thời, chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp; khẩn trương bàn bạc, thống nhất chính sách liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân; đồng thời tuyên truyền người dân tuân thủ các quy định khi tham gia liên kết, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định họp bàn với các ngành chức năng tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ) về phương án liên kết sản xuất, thu mua ớt. Ảnh: V.Đ.T.

Để tạo điều kiện cho Công ty Trần Gia đủ kinh phí thu mua ớt và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy sấy ớt khô trong năm 2024 như kế hoạch, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị BIDV Bình Định hỗ trợ, sớm giải ngân vốn vay theo đề xuất của doanh nghiệp.

Theo bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia, hiện nhà máy chế biến ớt muối của Công ty có 64 hồ chứa, mỗi hồ chứa được 60 tấn ớt, nhà máy có công suất chế biến đạt 4.000 tấn ớt/năm. Trong khi riêng huyện Phù Mỹ mỗi năm thu hoạch đã 30.000 tấn ớt, còn huyện Phù Cát thu hoạch mỗi năm 17.000 tấn, đó là chưa kể diện tích ớt trồng ở các địa phương khác. Vì thế, việc Công ty Trần Gia xây dựng nhà máy sấy ớt khô tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) là rất cấp bách. Được như vậy, cây ớt ở Bình Định mới có đầu ra ổn định, người dân thoát cảnh “đánh bạc” với cây ớt.

Cần đả thông tư tưởng cho nông dân

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Cát Tài (xã Cát Tài, huyện Phù Cát), vụ ớt đông xuân năm nay, những nông dân trồng ớt liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty Trần Gia mới thấy được lợi tích của việc liên kết. Bởi, trong khi thị trường đang thu mua ớt chỉ địa với giá chỉ 4.500 đồng/kg thì ớt trong mô hình liên kết được doanh nghiệp thu mua tại ruộng đến 12.000 đồng/kg.

Đại lý thu mua ớt tại xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất ớt ở Cát Tài rất cao, bình quân đạt 28 - 30 tấn/ha, tăng hơn so với những năm trước khoảng 20%. Ớt trong mô hình liên kết bán giá 12.000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất hết 7.000 đồng/kg, nông dân còn lãi 5.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Vụ ớt năm sau xã Cát Tài dự kiến sẽ nâng diện tích trồng ớt lên 100ha, ngành chức năng và Công ty Trần Gia đang phối hợp xây dựng mã số vùng trồng cho cây ớt Cát Tài để hướng đến xuất khẩu”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, để nâng cao giá trị cây ớt, năm 2023, ngành chức năng địa phương chọn vùng sản xuất ớt theo hướng VietGAP, sau đó giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng ớt VietGAP tại xã Cát Tài. Cuối năm 2023, Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát đã làm việc với Công ty Trần Gia, phối hợp xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, bao tiêu sản phẩm ớt với diện tích 5,5ha tại địa phương này.

Việc ký kết hợp đồng liên kết với Công ty Trần Gia diễn ra trong bối cảnh 2 năm trước đó giá ớt trên thị trường cao ngất ngưỡng, giờ Công ty chỉ bao tiêu với giá 12.000 đồng/kg khiến nông dân lưỡng lự. Ngành chức năng huyện Phù Cát đã phân tích với nông dân rằng sản xuất ớt theo hướng VietGAP sẽ không sử dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học, đồng nghĩa người trồng ớt không còn tiếp xúc với hóa chất, sức khỏe sẽ được đảm bảo, giá trị của sản phẩm sẽ được tăng thêm, đặc biệt là tránh được rủi ro thị trường, giá cả phập phù, giúp việc tiêu thụ và thu nhập ổn định.

Những năm thị trường Trung Quốc dừng thu mua ớt, không có đầu ra, nông dân Bình Định phải phơi ớt tràn cả ra đường. Ảnh: V.Đ.T.

“Băn khoăn của nông dân là về giá cả, chúng tôi giải thích với họ là nên chấp nhận mức giá mình có lãi. Giá cả trên thị trường có lúc cao ngút ngàn, có lúc hạ sát đáy không biết đâu mà lường. Nếu liên kết với doanh nghiệp, nông dân sẽ không còn phải lo khâu tiêu thụ, thu nhập ổn định. Nông dân nghe ra nên tham gia mô hình và năm nay họ bán ớt cho Công ty Trần Gia với giá gấp 3 giá thị trường nên rất phấn khởi.

Hiện nông dân địa phương có nhu cầu tham gia mô hình liên kết trồng ớt rất nhiều. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao huyện Phù Cát trong năm 2025 sẽ mở rộng liên kết sản xuất với Công ty Trần Gia với diện tích 200ha ớt để nông dân có thu nhập bền vững, cuối năm nay ngành chức năng huyện Phù Cát sẽ triển khai”, ông Nguyễn Văn Lê chia sẻ.

Ông Phạm Dũng Luận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho biết thời gian tới, Phù Cát sẽ mở rộng diện tích cây trồng sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có cây ớt. Sắp tới, ngành chức năng huyện sẽ có buổi làm việc cụ thể với Công ty Trần Gia về nhu cầu liên kết trong năm 2025, sau đó sẽ quyết định diện tích ớt liên kết với doanh nghiệp này.

Mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ớt với Công ty Trần Gia tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Trong khi đó tại huyện Phù Mỹ, vấn đề liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm ớt đối với nông dân huyện này vẫn còn vướng mắc. Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, địa phương này dẫn đầu cả tỉnh về diện tích trồng ớt, tuy nhiên đến giờ này nông dân ở đây chưa liên kết được với doanh nghiệp nào để bao tiêu sản phẩm.

Nếu liên kết với doanh nghiệp, nông dân sẽ phải chuyển hướng sản xuất từ truyền thống sang VietGAP, “chia tay” với thói quen luôn là điều rất khó đối với nông dân. Thêm vào đó, mức giá ký kết của doanh nghiệp còn thấp nên nông dân chưa mặn mà.

“Thu nhập của sản xuất ớt cao gấp 4 lần so với cây lúa nên ớt là cây trồng luôn được nông dân Phù Mỹ lựa chọn. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa đề nghị BIDV cho Công ty Trần Gia vay vốn để xây dựng nhà máy chế biến sâu (sấy khô) sản phẩm ớt để xuất khẩu. Đây là cơ hội để cây ớt trên địa bàn có đầu ra bền vững. Vấn đề còn lại, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp có mức giá bao tiêu hợp lý hơn để tạo sự đồng thuận của nông dân”, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chia sẻ.

Vũ Đình Thung
Tin khác
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.

Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản
Hội quán, từ giao lưu chia sẻ đến phát triển hợp tác xã bài bản

151 hội quán với hàng ngàn thành viên, nông dân Đồng Tháp không chỉ hỗ trợ sản xuất mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể.

Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn
Biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn

Không chỉ nâng cao giá trị nông sản, các hội quán còn đồng lòng, không ngừng đổi mới, biến không gian nông thôn thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn.

Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số
Dừa tươi Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng 4 con số

Dừa tươi Việt Nam đang được các thương nhân Hoa Kỳ đẩy mạnh nhập khẩu trong năm nay, qua đó đưa Việt Nam vào tốp 3 những nguồn cung lớn nhất cho thị trường này.

Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả Việt Nam đến hết tháng 10 đã có lần đầu tiên vược mốc 6 tỷ USD, đồng thời cũng vượt mốc 4 tỷ USD ở thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Trung Quốc - Hongkong trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm, qua đó đưa Trung Quốc – Hongkong trở thành thị trường lớn nhất.

Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững
Thu hút người trẻ bằng sản xuất cà phê bền vững

Sản xuất cà phê bền vững không chỉ giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây cà phê mà còn thu hút được người trẻ tham gia vào sản xuất cà phê.