| Hotline: 0983.970.780

Giá ớt rớt thảm, nông dân tiếc vì không liên kết với doanh nghiệp

Thứ Hai 01/04/2024 , 06:45 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Năm ngoái, một doanh nghiệp ở Bình Định muốn liên kết sản xuất, bao tiêu ớt với giá 10.000 đồng/kg nhưng nông dân ‘lắc đầu’, giờ giá ớt chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, tiếc thì đã muộn...

Diện tích trồng ớt tăng mạnh

Năm 2023, nông dân Bình Định có vụ ớt bội thu vì giá ớt cao ngất ngưởng, ớt chỉ địa (ớt to) có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên (ớt nhỏ) có thời điểm giá tăng đến 50.000 đồng/kg. Do đó, dù ớt là cây trồng không được ngành nông nghiệp Bình Định khuyến khích mở rộng diện tích, nhưng sau một vụ ớt trúng giá, năm sau ắt nhiên nông dân sẽ phát triển diện tích.

Các đại lý mua gom ớt để cung cấp cho Công ty Trần Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Các đại lý mua gom ớt để cung cấp cho Công ty Trần Gia. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay cũng không ngoại lệ, theo ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, diện tích ớt của tỉnh dao động liên tục tùy theo tình hình tiêu thụ của thị trường. Do năm 2023 ớt có giá quá cao nên năm nay diện tích ớt ở Bình Định tăng đến hơn 2.200ha, tập trung tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn.

Những ngày cuối tháng 3, trên các cánh đồng ớt đang vào vụ thu hoạch rộ ở huyện Phù Mỹ, chúng tôi thấy những ruộng ớt quả lúc lỉu treo đầy dưới lớp lá xanh mướt. Ớt được mùa nhưng chẳng tìm đâu ra nét vui trên gương mặt những chủ ruộng. Hỏi ra thì biết, dù ớt cho năng suất rất cao, nhưng giá lại quá thấp, chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg nên nông dân ai nấy đều méo mặt.

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, năm 2024 diện tích ớt ở Phù Mỹ tăng đột biến lên đến hơn 1.400ha, tăng hơn năm ngoái 140ha. Nông dân Phù Mỹ chủ yếu trồng ớt chỉ địa để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tập trung tại thị trấn Phù Mỹ và các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Tài, Mỹ Quang, Mỹ Phong, Mỹ Trinh, Mỹ Chánh Tây…

Chị Võ Thị Ánh, người trồng ớt ở xã Mỹ Phon nhớ lại: Vụ ớt năm 2023 chị trồng 3 sào ớt chỉ địa. Do thời tiết bất thuận nên năm ngoái ớt cho năng suất thấp, chỉ gần 1 tấn/sào (500m2), trong khi mọi năm năng suất cho thấp nhất cũng 1,2 tấn/sào.

Lứa thu hoạch đầu năm nay giá ớt chỉ địa ở Bình Định chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Lứa thu hoạch đầu năm nay giá ớt chỉ địa ở Bình Định chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Ảnh: V.Đ.T.

“Ấy thế nhưng năm ngoái người trồng ớt ở Phù Mỹ có lãi khá vì ớt chỉ địa từ đầu đến cuối vụ có giá dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi năm 2022 giá ớt chỉ địa lúc tăng cao nhất cũng chỉ 12.000 đồng/kg. Thế nhưng năm nay giá ớt quá thê thảm, ớt chỉ địa chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, ớt chỉ thiên cũng chỉ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng không muốn thu hoạch vì tiền bán ớt không đủ trả công hái, lại không biết bán ở đâu vì không có thương lái thu mua”, chị Ánh than thở.

Ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết, năng suất ớt ở Phù Mỹ năm nay rất cao, cá biệt có diện tích đạt đến 1,7 - 1,8 tấn/sào, tính bình quân 1,2 tấn/sào. Tuy nhiên, do giá ớt quá thấp nên lứa thu hoạch đầu vụ nông dân thất thu vì công lao động hái ớt rất cao, lên đến 300.000 - 350.000 đồng/công.

Hiện ớt chỉ thiên ở Bình Định chỉ có giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện ớt chỉ thiên ở Bình Định chỉ có giá 9.000 - 10.000 đồng/kg. Ảnh: V.Đ.T.

“Với giá ớt chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng. Ớt chỉ địa phải đứng giá 7.000 - 8.000 đồng/kg nông dân mới huề vốn. Với giá ớt thấp tịt như năm nay, nông dân cần bình tĩnh, đừng vội bỏ mặc ruộng ớt mà cần tiếp tục đầu tư để những lứa sau ruộng ớt vẫn cho năng suất cao, đón thời điểm giá ớt tăng may ra còn gỡ gạc chút đỉnh. Nếu thấy giá ớt thấp quá, nông dân nản chí bỏ mặc không tiếp tục đầu tư thì cầm chắc trắng tay”, ông Tuấn chia sẻ.

Tiếc thì đã muộn...

Trước thực trạng ớt rớt giá thảm hại như năm nay, nông dân Phù Mỹ mới thấy tiếc nuối vì năm ngoái đã bỏ lỡ mối liên kết với Công ty Chế biến nông sản, lương thực thực phẩm xuất khẩu Trần Gia (viết tắt là Công ty Trần Gia) đóng tại Cụm công nghiệp Đại Thạnh, xã Mỹ Hiệp (huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, Công ty Trần Gia đi vào hoạt động từ năm 2021. Nhà máy chế biến ớt muối của Công ty có công suất 4.000 tấn/năm. Nhà máy có 64 hồ chứa, mỗi hồ chứa được 60 tấn ớt và từ 1.000 - 1.200 tấn muối để chế biến thành sản phẩm ớt muối.

Hiện nay, mỗi ngày Công ty Trần Gia thu mua khoảng 100 tấn ớt. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, mỗi ngày Công ty Trần Gia thu mua khoảng 100 tấn ớt. Ảnh: V.Đ.T.

“Mấy năm nay nhờ có Công ty Trần Gia nên nông dân trồng ớt ở Phù Mỹ đỡ lo ớt ế khi thị trường Trung Quốc đóng cữa, nhất là lúc ớt rớt giá thảm hại như năm nay nông dân vẫn không bỏ ruộng ớt vì có nơi tiêu thụ”, ông Tuấn thông tin.

Bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia nhớ lại: Năm 2021, khi nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động thì khi ấy ớt chỉ địa ở Phù Mỹ chỉ có giá 2.000 - 2.500 đồng/kg. Thấy nông dân khốn đốn vì không tiêu thụ được ớt, dù nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng hoàn thiện nhưng vẫn thu mua ớt cho nông dân. Năm 2021 Công ty Trần Gia thu mua, cho vào hồ được 600 - 700 tấn ớt. Năm 2023 thì ớt ở Phù Mỹ có giá cao ngất, nhưng bị mất mùa nên sản lượng ớt rất thấp, nhà máy chẳng thu mua được là mấy.

Đầu vụ ớt năm 2024, Công ty Trần Gia đang thu mua mạnh ớt của nông dân trên địa bàn huyện Phù Mỹ vì ớt được mùa. Hàng ngày, các đại lý vệ tinh của Công ty Trần Gia mua gom ớt tại các địa phương đang thu hoạch rộ lứa đầu mang về nhập cho Công ty. Theo bà Thủy, hiện nay mỗi ngày Công ty Trần Gia thu mua khoảng 100 tấn ớt, với năng suất ớt cao như năm nay, hi vọng 64 hồ chứa ớt của Công ty Trần Gia sẽ đầy ắp 4.000 tấn ớt.

Bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia thăm mô hình trồng ớt VietGAP tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia thăm mô hình trồng ớt VietGAP tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Công ty Trần Gia liên doanh với Công ty Ớt Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ớt muối. Sản phẩm ớt muối xuất khẩu cần phải có vùng nguyên liệu ớt sản xuất theo hướng VietGAP. Để hình thành vùng nguyên liệu cung ứng cho hoạt động chế biến ớt muối của Công ty, tháng 10/2023, chúng tôi đề xuất ký liên kết sản xuất, bao tiêu ớt ở Phù Mỹ với giá 10.000 đồng/kg nhưng nông dân không đồng thuận. Bởi nông dân vừa bán ớt với cái giá cao ngất ngưởng, giờ ký kết với giá 10.000đ/kg nên họ không đồng thuận, do đó mối liên kết không thể triển khai”, bà Trần Thị Thủy chia sẻ.

Cũng theo bà Thủy, nếu nông dân liên kết với Công ty Trần Gia sẽ có nhiều cái lợi. Ví như năm ngoái mối liên kết thành công thì dù giờ này giá ớt chỉ địa trên thị trường chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg Công ty cũng sẽ thu mua với giá 10.000 đồng/kg như đã ký kết, người trồng ớt không phải lo lỗ, lo ế. Hơn nữa, nếu nông dân liên kết với công ty 3 năm liên tiếp thì sẽ được công ty ứng trước 50% chi phí hạt giống và phân bón. Khoản này đến khi thu hoạch Công ty mới thu hồi, không tính lãi, nông dân đỡ lo một phần kinh phí đầu tư ban đầu, lại được sẽ được sử dụng hạt giống và phân bón đảm bảo chất lượng.

Năm nay ớt được mùa nhưng nông dân kém vui vì giá rớt thảm. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay ớt được mùa nhưng nông dân kém vui vì giá rớt thảm. Ảnh: V.Đ.T.

“Hợp đồng liên kết với Công ty không ký kết trực tiếp với nông dân mà thông qua các HTX nông nghiệp, nhưng hiện nay chưa thực hiện được là do các HTX chưa thuyết phục được người dân. Để làm được điều này, cần phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng cấp tỉnh”, bà Trần Thị Thủy chia sẻ.

“Hiện Công ty Trần Gia mới chỉ xây dựng được 1 mô hình liên kết trồng ớt theo hướng VietGAP với diện tích 5,5ha tại xã Cát Tài (huyện Phù Cát). Mô hình này thực hiện thành công và vận hành trơn tru là nhờ sự nhập cuộc của chính quyền huyện Phù Cát. Vụ ớt năm nay bà con tham gia mối liên kết rất phấn khởi vì bán ớt với giá gấp đôi so với giá thị trường”, bà Trần Thị Thủy, Giám đốc Công ty Trần Gia cho hay.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.