Nghe từ dân ca tới nhạc sàn
Mô hình vịt nghe nhạc, không cho xuống nước từ lúc còn non đến khi xuất chuồng đang mang lại thành công cho ông Lê Xuân Nam ở phường Tự Lạn, thị xã Việt Yên, Bắc Giang.
Chủ trang trại "độc lạ Bắc Giang" nói anh bắt đầu thử nghiệm mô hình này từ năm 2020, bất chấp dịch Covid-19 còn đang căng thẳng.
Vịt ở trang trại của người đàn ông sinh năm 1977 gần như nghe nhạc suốt ngày đêm. Từ nhạc sàn đến dân ca các vùng miền. Mỗi lần cho vịt ăn, anh Nam thường bật Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Còn một số công nhân khác, lại thích cho vịt nghe các bài nhạc du dương mang hơi thở dân ca vùng Nghệ An, Hà Tĩnh.
Điều lạ là cứ mỗi khi tắt nhạc, đàn vịt có xu hướng bất an, kêu và chạy nhiều. Anh Nam nói do được “ru” trong nhạc nên vịt thành quen.
“Đàn vịt nhà tôi không xuống ao bao giờ, hoàn toàn nuôi trên cạn. Nhiều lúc tôi vẫn trêu đùa bảo khách, vịt chỗ tôi sạch, mã đẹp, nhưng xuống nước là chết đuối vì không biết bơi”, anh Nam nói.
Ý tưởng nuôi vịt nghe nhạc được anh Nam bắt đầu hiện thực hóa sau vài năm nuôi lợn, gà, cũng cho nghe nhạc.
“Vô tình thôi, hồi xưa nuôi lợn cứ bật nhạc to to lên tý là đàn lợn ngoan ngoãn ngay. Tôi áp dụng thử với gà cũng ổn, nên sau đó mạnh dạn vay tiền ngân hàng, tiền họ hàng để làm trang trại này”, anh Nam kể.
Thức ăn cho vịt, cũng chạy trên hệ thống máy móc kiểm tra khối lượng, chất lượng. Công nhân hay anh Nam gần như chỉ có một việc là tăng giảm âm lượng nhạc, hoặc đổi bài.
Smartphone và loa bluetooth giúp chủ trang trại như anh Nam gần như cả ngày không cần vào chuồng vịt. Mọi thứ đã có hệ thống tự động hóa lo gần hết. Nhiều camera trong khu chuồng rộng cả nghìn m2 cũng giúp người chủ “đi nhậu vẫn nắm hết tình hình”.
Ông chủ gần tới ngưỡng 50 bảo cùng một đàn, nếu đưa con vịt sang chuồng khác, không nghe nhạc thì sốt như trẻ con.
Dịp này, anh Nam nuôi hơn 30.000 con vịt. Mỗi năm, trang trại cho xuất chuồng 3 đến 5 lứa, tổng trọng lượng khoảng 600 tấn. Trung bình, giá vịt xuất bán khoảng 40.000 đồng/kg nhưng có lúc cao điểm lên tới 58.000 đồng/kg.
Anh Nam tự tin nói mấy năm nay lượng tiêu thụ ổn định. Mùa nóng bán cho khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, mùa rét đi xa hơn đến tận Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng.
Thức ăn cho vịt là cám chất lượng cao. Vịt cũng được tiêm vacxin 6 trong 1, phòng chống các bệnh thường gặp như thụt mỏ, tả, cúm, bại huyết,... Chuồng vịt dưới lắp lưới mềm, các góc có quạt thông gió, phun sương, đảm bảo nhiệt độ ổn định từ 24-25 độ C.
Trang trại của anh Nam cũng mang lại công ăn việc làm cho 7 lao động trẻ ở địa phương. Mức lương xấp xỉ 8 triệu đồng, nuôi ăn ở. Khu công nhân được bố trí nhiều phòng, vệ sinh khép kín. Một mô hình đang gặt hái nhiều thành công ở Bắc Giang.
Từ "chợ cơm" đến mô hình chăn nuôi khép kín
Nhớ về thời bắt tay làm giàu từ nông nghiệp, anh Nam bảo điều tâm đắc nhất là: “Làm cái gì cũng cần đầu cuối, trọn vẹn. Mình làm tốt, mọi thứ tự khắc đến”.
Ngày trẻ, anh Nam đã thích cách làm theo hướng vừa trồng trọt vừa thu mua. Chưa đầy 20 tuổi, Nam đã trồng cả vườn hành củ, su su, bắp cải, kết hợp thu mua của các vườn lân cận, như một đại lý thu nhỏ. Hàng hóa ngay sau đó được chuyển tới các chợ, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, hay vươn tận vào Nam.
Xưa nuôi gà, nay nuôi cá, anh Nam vẫn giữ cái danh “Nam chợ cơm” khá nổi tiếng ở Việt Yên. Hằng ngày, hai vợ chồng đánh xe tải đi thu gom khoai tây thừa của các nhà máy chế biến bim bim trong vùng. Chiếc xe 3,5 tấn chở đầy khoai tây về, rửa sạch, cho gà và cá ăn.
“Tư tưởng của mình là làm ăn sẽ có thua thiệt nên ngoài phấn đấu, phải tính toán, nghiên cứu kỹ thị trường, buôn bán đầu ra, đầu tư bài bản từ đầu. Mình chỉ nói với vợ, vợ đồng ý thì làm. Bố mẹ sợ con thua lỗ nên có lúc mua xe tải 800-900 triệu đồng bảo các cụ con mua 100-200”, anh Nam bộc bạch.
Cùng đi ủng, khoác áo vào chuồng với chồng, chị Dương Thị Tươi bày tỏ, anh từng thất bại nhiều lần, để có cơ ngơi ngày hôm nay, nhưng vì chồng vì con, chị ủng hộ hết mình. “Khi anh nói muốn làm ăn lớn, mình ủng hộ ngay”, chị Tươi nói.
Điều anh Nam đang ấp ủ, là vay thêm vốn để tận dụng toàn bộ nguồn chất thải từ trang trại vịt. Hiện tại, mô hình vịt nghe nhạc còn thiếu khâu thu gom, biến chất thải thành phân hữu cơ.
“Tôi cho chất thải chảy ra bể lắng, rồi từ đó chảy vào hệ thống xử lý nước thải của địa phương. Tuy nhiên, sau nhiều ngày lần mò trên mạng Internet, tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp, tôi nghĩ cần đầu tư thêm hệ thống thu gom, xử lý chất thải làm phân bón. Như thế, có thể bán thêm cả gas hoặc tự cung cấp cho gia đình”, anh Nam nói.
Con em nông dân là thế hệ tiên phong
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, cho biết: “Con em nông dân là thế hệ tiên phong thay đổi tư duy, các bạn không nhất thiết đi học đại học mà có thể ở lại hợp tác xã khởi nghiệp. Các bạn cần dám vay vốn ngân hàng tạo vốn điều kiện”.
Lãnh đạo Hội Nông dân Bắc Giang cho rằng, mạnh dạn dám nghĩ dám làm, đổi mới công nghệ, sẽ có cách làm hay. Ông Thi nêu ví dụ thanh niên nông thôn có thể lên mạng tìm giống cây năng suất cao, đi đến các tỉnh thành tìm con giống, tham khảo từ xóm giềng, hay đến thẳng các cơ quan như Hội Nông dân, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp v.v. .
“Sản phẩm sạch, hữu cơ là xu hướng, thị yếu hiện nay. Tôi đánh giá các mô hình như vịt nghe nhạc, chăn nuôi vịt kết hợp trồng lúa, tạo năng suất cao, sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thân thiện môi trường, sẽ là tương lai của nông nghiệp Bắc Giang”, ông Thi nói.
Nhiều năm làm việc tại nông thôn, ông Thi cho biết nhiều thanh niên Bắc Giang ứng dụng hệ thống công nghệ trồng cây và hệ thống nước tưới thông minh, chia sẻ trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, bước đầu có kết quả đáng khích lệ.
“Ví dụ làm cỏ thông thường thành máy bơm nước máy băm rau lợn, chế tạo hơn từ phân trâu lợn trước bỏ đi nay mua máy về ép viên để xử lý mùi hôi, vi sinh để phun ủ thành phân tốt. Bể biogas sinh ra điện tiết kiệm chi phí. Rất nhiều mô hình giới trẻ Bắc Giang dám nghĩ, dám làm”, ông Thi cho biết.
Giải pháp trong tương lai, ông Thi đề xuất UBND tỉnh và Trung ương có thêm chương trình hỗ trợ bà con. “Sản phẩm bán trong tỉnh, mang ra chợ, nhưng làm sao nâng cao giá trị thì sản phẩm bà con đạt tiêu chuẩn. Phải nghĩ tới bán ở siêu thị, tạo chuỗi cung ứng xuất khẩu. Muốn thế, phải là sản phẩm sạch, chất lượng tốt, đủ số lượng lớn, mẫu mã tem nhãn bao bì hấp dẫn, đóng gói phù hợp, tiêu chuẩn tiện lợi QR, truy xuất nguồn gốc”.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân cho biết đơn vị này có đề án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP 2023-2028 duy trì nâng hạng sản phẩm, chế biến sâu song khó nhất là phải liên kết. Từ bài học thực tế, sâm nam núi Dành có chế biến hoa thành trà, rượu hoặc thức ăn để cung cấp siêu thị. Vịt, cá chế biến thành vịt hun khói, giò, chả nem. Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục mời gọi siêu thị, chuỗi bán hàng hỗ trợ ban đầu, quy hoạch vùng có sản phẩm đặc trưng để nâng cao hiệu quả.