Hiện, vịt bầu Minh Hương được nuôi tại các xã Minh Hương, Bình Xa, Tân Thành, Phù Lưu của huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang với tổng đàn lên đến 71.400 con, sản lượng thịt xuất chuồng hàng năm đạt 130 tấn.
Riêng tại xã Minh Hương là 45.000 con, tổng sản lượng thịt xuất chuồng trên 81 tấn/năm. HTX Vịt bầu Minh Hương với 26 thành viên đã thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân trên địa bàn.
Vịt bầu Minh Hương là giống vịt bản địa cho chất lượng thịt thơm, ngon nổi tiếng ở Tuyên Quang. Do vịt được chăn thả tự nhiên nên thịt rất chắc, ít mỡ và tỉ lệ nạc cao. Ngoài ra, trong thịt vịt cũng có giá trị dinh dưỡng cao, mang hương vị đặc trưng không nơi nào có được.
Để dảm bảo đàn vịt không bị dịch bệnh, khu chuồng nuôi được các hộ dân thuộc HTX sử dụng đệm lót sinh học và tiến hành khử trùng bằng vôi định kỳ. Ngoài tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng dịch và tạo vùng bơi lội, HTX còn phải nuôi vịt bằng thóc, bằng chuối thái lẫn với cỏ voi.
Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương cho biết, từ năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được công nhận đạt 3 sao OCOP. Khi vịt đạt chuẩn sao OCOP sẽ được nhiều người biết đến.
Do đó, thương lái và các siêu thị cũng tìm về đây thu mua. Năm nay dù người chăn nuôi ở nhiều nơi gặp khó khăn, nhất là người chăn nuôi trâu bò thương phẩm bởi giá xuống thấp, không bán được vật nuôi những hộ nuôi vịt bầu Minh Hương vẫn có thu nhập ổn định với giá vịt đạt 120.000 đồng/kg. Với giá này, những hộ nuôi quy mô lớn vẫn thu lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tương, thôn 8, xã Minh Hương thường xuyên duy trì 1.000 con vịt bầu Minh Hương. Riêng dịp rằm tháng 7 anh nuôi số lượng lên đến 2.000 con. Do nuôi thành nhiều lứa nên trung bình mỗi tháng, anh Tương xuất bán 2 lứa vịt, mỗi lứa khoảng 200 con. Trừ các khoản chi phí đầu tư mua cám, rau và thuốc phòng bệnh, mỗi năm anh lãi khoảng 50 triệu đồng từ nuôi vịt bầu Minh Hương.
Anh Tương cho biết, ngoài nguồn gen quý, vịt bầu Minh Hương thơm ngon bởi chúng được ăn những thức ăn sạch. Đó là ngô trên núi, là rau cỏ vườn nhà. Mỗi ngày anh cho chúng đi thể dục, để chúng tung tăng bơi lội trên dòng suối nước trong vắt từ nguồn núi Cham Chu rồi thỏa chí săn mồi và thưởng thức những con cá, con cua trên dòng suối.
Hiện, huyện Hàm Yên có khoảng 5.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có nhiều mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi trang trại, gia trại. Tuy nhiên, trước khó khăn của thị trường tiêu thụ đã khiến không ít người chăn nuôi gặp khó khăn. Việc mở rộng phát triển các giống vật nuôi đặc sản theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ như mô hình nuôi vịt bầu Minh Hương được coi là hướng đi đúng đắn mở ra nhiều cơ hội làm giầu cho người nông dân.
Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên cho biết, niềm vui đến với người chăn nuôi vịt bầu Minh Hương là cùng với mắm cá ruộng Chiêm Hóa sản phẩm này trở thành một trong hai món ăn đặc trưng đã được vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tại Việt Nam thuộc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”, do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam công nhận.
Dù bước đầu đã có danh tiếng, nhưng để nâng tầm thương hiệu vịt bầu Minh Hương vẫn còn nhiều việc phải bàn. Việc liên kết tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Bên canh đó, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, tự phát, dẫn đến công tác thú y phòng bệnh chưa được chú trọng... Chính quyền huyện Hàm Yên và các sở ngành liên quan của tỉnh Tuyên Quang cũng đang thực hiện các thủ tục để công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt bầu Minh Hương.