| Hotline: 0983.970.780

Nuôi vịt cỏ Trùng Khánh an toàn sinh học, không đủ hàng để bán

Thứ Bảy 16/12/2023 , 07:58 (GMT+7)

Kết hợp chăn nuôi hiện đại với chăn thả truyền thống,đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản phẩm vịt cỏ Trùng Khánh của một trang trại ở Trùng Khánh (Cao Bằng) không đủ để bán.

Vịt cỏ Trùng Khánh đang trong giai đoạn nuôi úm trên sàn trong trang trại của anh Đông. Ảnh: Sơn Trang.

Vịt cỏ Trùng Khánh đang trong giai đoạn nuôi úm trên sàn trong trang trại của anh Đông. Ảnh: Sơn Trang.

Trước khi về mở trang trại để gắn bó với nghề nông, anh Nông Văn Đông, chủ một trang trại ở xóm Đỏng Luông - Chi Choi, xã Định Phong, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, từng trải qua nhiều công việc khác nhau với không ít những thăng trầm, niềm vui lẫn nỗi buồn.

Công việc gần nhất mà Đông làm trước khi trở thành chủ trang trại là tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới. Công việc đang trôi chảy, thuận lợi thì dịch Covid ập đến, hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn khi Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid.

Trước tình hình đó, vợ chồng anh Đông bàn với nhau chuyển sang làm trang trại. Hai vợ chồng gom góp vốn liếng mua gần 10 ha đất nông nghiệp ven sông Quây Sơn ở xóm Đỏng Luông - Chi Choi rồi bắt tay vào cải tạo thành một trang trại sản xuất tổng hợp gồm cả trồng trọt (dẻ Trùng Khánh, lê, táo, ổi ...) và chăn nuôi.

Riêng về chăn nuôi, vợ chồng anh Đông đang tổ chức nuôi lợn, gà thả vườn và vịt. Trong đó, sản phẩm đáng chú ý nhất của trang trại là vịt cỏ Trùng Khánh.

Vịt cỏ Trùng Khánh vốn đã nổi tiếng từ lâu vì thịt thơm ngon. Giống vịt này có nguồn gốc từ vịt trời, trải qua quá trình thuần hóa tự nhiên đã thích nghi với lối chăn thả tự nhiên và được nuôi phổ biến ở huyện Trùng Khánh. Năm 2021, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm "Vịt cỏ Trùng Khánh".

Trong khi các hộ nông dân ở huyện Trùng Khánh vẫn chủ yếu nuôi vịt cỏ theo phương pháp truyền thống (chăn thả hoàn toàn tự nhiên tại những khu vực có nước chảy), thì vợ chồng anh Đông đã áp dụng các phương pháp nuôi hiện đại với giống vịt này nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh và chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, với vịt con, anh Đông không cho chăn thả tự nhiên ngay mà cho úm trên sàn lưới khoảng 30 ngày, khi vịt đã lớn mới thả xuống ao. Nhờ được nuôi úm trên sàn, vịt con hoàn thiện được hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng. Vì vậy, sau thời gian úm, được đưa xuống ao để nuôi theo cách chăn thả tự nhiên, vịt trong trang trại của anh Đông đều có sức đề kháng tốt với dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, tăng trưởng ổn định.

Để vịt tăng trưởng tốt mà vẫn đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon đặc trưng của vịt cỏ Trùng Khánh, anh Đông kết hợp cả thức ăn công nghiệp và thức ăn truyền thống. Cụ thể, anh cho vịt ăn cám công nghiệp trong 25 ngày, sau đó chuyển sang cho ăn hoàn toàn bằng các thức ăn truyền thống như chuối, ngô, lúa … cho đến khi xuất bán. Tổng thời gian nuôi lên tới 60 ngày, nên thịt vịt thơm ngon, không tanh như vịt dưới xuôi.

Anh Nông Văn Đông chia sẻ về phương pháp nuôi vịt cỏ Trùng Khánh đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Sơn Trang.

Anh Nông Văn Đông chia sẻ về phương pháp nuôi vịt cỏ Trùng Khánh đạt chất lượng cao và đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Sơn Trang.

Một điều rất đáng chú ý là vợ chồng anh Đông luôn chú trọng phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu cho đàn vịt cỏ Trùng Khánh cũng như với gà, lợn trong trang trại bằng cách tiêm phòng đầy đủ, bảo đảm tối đa các biện pháp an toàn sinh học cho trang trại như không cho người bên ngoài vào khu vực chăn nuôi, dùng nước giếng khoan thay vì nước sông để đảm bảo nguồn nước chăn nuôi không có mầm bệnh, hay không cho bất cứ loại thịt nào ở bên ngoài đưa vào trang trại ...

Anh Đông chia sẻ, mỗi khi nhà hết thịt để ăn, vợ chồng anh không đi ra ngoài mua thịt mà tự bắt một con lợn khoảng 80 đến 100 kg trong trang trại để làm thịt, rồi cho thịt vào tủ lạnh để bảo quản và sử dụng dần.

Nhờ kết hợp khéo léo giữa chăn nuôi hiện đại với cách chăn thả truyền thống và luôn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vịt cỏ Trùng Khánh của trang trại anh Đông luôn trong tình trạng “cháy” hàng, không đủ để cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng trong vùng, kể cả trong những thời điểm trang trại có thể nuôi số lượng lớn nhờ thời tiết thuận lợi. 

Khi đưa chúng tôi tới thăm trang trại của anh Đông, bà Lương Thị Hậu, Phó Giám đốc phụ trách Agribank Chi nhánh huyện Trùng Khánh, tiết lộ, các nhà hàng, khách sạn ở đây thích mua vịt cỏ Trùng Khánh, mua gà … của trang trại anh Đông, vì họ biết chắc đàn vịt, gà ở đây đều đã được tiêm phòng đầy đủ và chất lượng thịt luôn ổn định, ở mức tốt nhất. Trang trại của vợ chồng anh Đông cũng được Agribank tín nhiệm cao, trao hạn mức tín dụng lên tới 5 tỷ đồng.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Vụ đông gánh vụ mùa

Hải Dương Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.