Đến xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái bất kể thời điểm nào cũng có thể bắt gặp những đàn vịt bầu tung tăng bơi lội dưới những dòng suối trong xanh. Vịt bầu cổ xanh đã trở thành đặc sản, là thức ăn giàu dinh dưỡng và mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân.
Gia đình ông Hoàng Vinh Dự ở thôn Bản Khéo (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên) có mô hình nuôi vịt bầu hơn 500 con. Tận dụng những lợi thế sẵn có từ nguồn nước suối tự nhiên, ông phát triển mô hình nuôi vị bầu cổ xanh.
Ông Dự chia sẻ, từ nhiều năm qua, người dân ở đây đã có tập quán định cư gắn liền với các con sông, con suối. Cũng chính từ những nguồn nước này mà hàng trăm hộ dân trong xã nuôi vịt bầu để làm nguồn thực phẩm cho gia đình, nhiều hộ dân nuôi quy mô hàng hóa để phát triển kinh tế.
Vịt bầu ở đây có đặc điểm cổ ngắn, đầu xanh, chân nhỏ lùn, cổ và đầu thường có lông khoang, lông mượt, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên của núi rừng. Chỉ cần cho ăn đầy đủ, nuôi thả tự nhiên thì vịt tự lớn, do nguồn nước suối sạch từ núi cao chảy ra nên ít khi bị dịch bệnh.
Vịt nuôi khoảng 4 - 5 tháng có trọng lượng khoảng 1,8 - 2,2 kg. Mỗi năm gia đình ông Dự nuôi nối lứa, gần như lúc nào trong ao cũng có vịt thịt, thu nhập từ đàn vịt gần 50 triệu đồng/năm
Xã Lâm Thượng có hai dòng suối Luông và suối Nọi bắt nguồn từ những dãy núi cao chảy qua địa bàn, nước bốn mùa trong xanh. Dưới dòng suối các loại thủy sinh như: tôm, cá, cua, ốc, ếch, rêu đá phát triển đa dạng, đây là nguồn thức ăn phổ biến cho vịt, tạo cho giống vịt bầu có chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
Anh Hoàng Minh Lượng ở thôn Nà Kèn chia sẻ, giống vịt bầu cổ xanh rất phù hợp với điều kiện nguồn nước và khí hậu ở Lâm Thượng nên gần như nhà nào ở cạnh suối hoặc có ao cũng đều nuôi vịt để tăng gia sản xuất. Nhà nào ít cũng vài chục con, hộ nuôi nhiều hàng trăm con.
Trừ những ngày gieo cấy và thời điểm lúa sắp thu hoạch, đàn vịt phải nhốt để không phá mùa màng, thời gian còn lại trong năm người dân thả vịt suốt ngày ngoài đồng, dưới suối. Từng đàn vịt nối đuôi nhau kiếm mồi, lớn lên như vịt sinh sống ngoài tự nhiên. Chính vì vậy, nếu nuôi ít bà con không cần chăm sóc, cho ăn trong vài tháng mà vẫn được thu hoạch.
Giống vịt bầu thuần chủng, chân ngắn, cổ ngắn được nuôi từ nhiều rất nhiều năm trở về trước. Con đực lông cổ màu xanh, cánh xanh, con cái lông màu nâu, trọng lượng tối đa mỗi con từ 1,8 đến khoảng 2,2 kg.
Đa phần người dân ở đây nuôi vịt theo kiểu bán tự nhiên, nuôi nhốt lúc mùa vụ, còn lại đàn vịt được thả ngoài tự nhiên, tắm mình giữa những dòng suối trong lành chảy ra từ dãy núi đá nên có chất lượng thịt thơm, ngọt, ít mỡ, giàu dinh dưỡng.
Mỗi dịp lễ, Tết, người dân địa phương coi đây là món ngon trong sinh hoạt ẩm thực. Sản phẩm vịt bầu cũng được thực khách ưa chuộng mỗi khi có dịp đến với mảnh đất Lục Yên.
Hiện nay, tại xã Lâm Thượng đã thành lập được Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ chăn nuôi chuyên cung cấp vịt giống, vịt thương phẩm chất lượng. HTX có 4 thành viên là những hộ nuôi vịt lâu năm với số lượng lớn.
Năm 2019, các thành viên đã góp vốn mua hơn 1ha đất ven suối Lâm Thượng và 3 ao nhỏ để chăn nuôi vịt bầu. Vịt lúc còn nhỏ được cho ăn thêm cám công nghiệp, khoảng từ 1 tháng tuổi trở đi đa phần chăn thả tự nhiên, cho ăn thêm ngô, thóc, phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với nguồn thức ăn tự kiếm như rêu, ốc, cua, cá từ các dòng suối.
Anh Hoàng Văn Soi, Giám đốc HTX Dịch vụ chăn nuôi xã Lâm Thượng cho biết: trước đây, các hộ nuôi vịt chủ yếu chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ, từ khi thành lập HTX, các thành viên chung vốn phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi sạch, giúp đàn vịt tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, HTX còn bổ sung thêm thóc, ngô để vịt nhanh lớn. Sau khoảng 3,5 - 4 tháng, vịt bầu chéo cánh, xanh đầu, đạt trọng lượng trung bình 2kg là có thể xuất bán. Với giá trung bình 65.000 - 70.000 đồng/kg, mỗi năm HTX thu được trên 300 triệu đồng/năm.
Ngoài nuôi vịt thương phẩm, HTX còn nuôi gần 2.000 con vịt đẻ để tự cung cấp con giống cho HTX và bán vịt giống cho bà con.
Ông Hoàng Văn Cói, Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Vịt bầu Lâm Thượng” cho huyện Lục Yên.
Đây là giải pháp nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển chăn nuôi vịt.
Hiện nay, chính quyền huyện Lục Yên đang tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia liên kết chăn nuôi, thành lập tổ hợp tác, HTX. Tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật và chú trọng bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Đồng thời, tiếp tục có các giải pháp bảo tồn nguồn giống vịt bản địa, nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm vịt đặc sản Lâm Thượng để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường.