Địa vị 'Truyện Kiều' trong lịch sử quốc văn

Nguyễn Phú Đốc - Thứ Sáu, 17/02/2023 , 06:15 (GMT+7)

'Truyện Kiều' của cụ Nguyễn Du viết vào hồi đầu thế kỉ thứ XIX. 'Truyện Kiều' viết xong, các bậc thâm nho cũng đều phải công nhận là một áng văn nôm tuyệt phẩm.

Một ấn bản "Truyện Kiều".

Đến thời vua Tự Đức, nhân thấy có người chê “Truyện Kiều”, nhiều câu văn không được hoàn toàn và thanh nhã, nhà vua liền truyền cho tất cả các quan họp nhau soạn lại “Truyện Kiều”, thì có một vị quan tại triều tên là Hà Tôn Quyền, sửa lại thành cuốn “Á Kiều lục”, nhưng sau vua, tôi cùng nhau bình lại, thấy văn chương vẫn không bằng bản dịch của cụ Nguyễn Du nên lại hủy đi, không di truyền đến đời sau.

Bài liên quan

Vì vậy, từ đó trở đi, mới có người chính thức luyện vần Nôm và khảo cứu về thơ Nôm. Rồi ngày càng, càng thịnh hành, lại thể gặp lúc thay đổi thời thế, lối văn Nôm nhân lúc thoái bộ của nho học, Tây học thế vào chữ Quốc ngữ mỗi ngày một lan rộng khắp dân gian, dần dần càng bành trướng mãi ra, và gây nên cái phong trào phục hưng tiếng Việt Nam.

Lúc bấy giờ lối viết tiếng ta chỉ có hơi thay đổi, là đang viết bằng lối tiếng Nôm phiền phức, không có câu pháp gì nhất định, ai viết thế nào cũng được, ai đọc thế nào cũng xong, sang lối viết bằng chữ quốc ngữ, là một lối viết có những thể thức rất rành mạch các âm của tiếng Việt Nam ra vẫn Tây do các cố đạo đặt ra, và các cố đạo Pháp sửa đổi lại. Sửa đổi thế không có hại cho gì cho sự tiến hóa của tiếng Việt Nam cả mà lại còn giúp cho tiếng Việt Nam chóng lan rộng ra khắp mọi nơi và thêm phổ thông nữa.

Cụ Nguyễn Du bên cái công nghiệp vĩ đại về văn chương, lại còn có công mang lại cho quốc văn cái địa vị nó phải có: Một thứ tiếng có thể cách riêng, sẵn một tương lai rực rỡ đáng sinh tồn lắm, không lẽ phải chịu chung một số phận mai một như những thổ âm bất thành hình khác! Vì vậy, “Truyện Kiều” đã đến giữa vào lúc tiếng Việt Nam cần phải được người ta biết đến và đã làm xong cái nhiệm vụ nặng nề làm cho người Việt Nam biết đến tiếng nước mình. “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du viết từ đầu thế kỉ XIX, cách đấy đã ngót hai trăm năm, mà đọc suốt trên ba ngàn câu, ta không thấy một văn cổ nào, một ý nghĩa nào quê. Đến nỗi các nhà nho, xưa nay vẫn chỉ riêng phục chữ thổ âm thông dụng, thế mà lúc đọc tới “Truyện Kiều” cũng phải khen là tuyệt bút.

Thưa các ngài, thiên thảm sử của cô Kiều là bài giải của cái đề “chữ Tài chữ Mệnh xung đột mà chữ Mệnh bao giờ cũng chiếm phần đắc thắng”. Chủ động của bài giải đó là cô Kiều, một cô con gái tài sắc đủ, thông minh, lỗi lạc, bị đặt vào giữa cảnh khe khắt là cảnh hiếu, tính cân nhắc, mà phải chọn quyết một đường. Cô con gái ấy liền chọn đường đau đớn, khắt khe cho mình nhất là đường bán mình để chuộc cha. Thế rồi từ đó, suốt đời lưu lạc, hết nạn nọ, đến nạn kia, tấm thân đầy đọa, thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.

Cụ Nguyễn Du cũng như các thi nhân cổ khác thường băn khoăn về đề đó, nay thấy một cuốn tiểu thuyết có thể làm bài giải được, thì liền dịch ra tiếng ta và nhân mượn truyện để than thở nỗi mình… Nhưng dịch không phải một truyện để mà phàm dịch, nhiều khi sai, ít khi được dùng. Văn chương của dân tộc nào thì đặc biệt dùng cho một dân tộc ấy, nó hay không ở một ý nghĩa nó có, mà là ở những cái không thể chuyển dịch ở thứ tiếng nọ sang thứ tiếng kia được, thí dụ như những cú điệu, những âm hưởng của một bài thơ. Dịch cứ lấy cốt chữ đối chữ tưởng là đã đúng, nhưng kì thực có khi trái hẳn với nguyên văn. Điều có khó khăn hơn nữa là người dịch phải thông cả hai thứ chữ, mới khỏi có sự sai lầm có thể xảy ra được.

Cái thảm sử của cô Kiều là cái thảm sử của một kĩ nữ Trung Hoa về đời nhà Minh, từ phong cảnh, tính tình, phong tục người đời bấy giờ không có một phần nào giống người mình cả, thế mà cụ Nguyễn Du đã khéo cân nhắc, lựa chọn “Truyện Kiều” đến nỗi có người nhầm tưởng cụ soạn ra. Cụ vừa là người dịch thuật, vừa là nhà tâm lí học có tài và vừa là một họa sĩ có công quan sát. Cụ thiên về tả tình và tả cảnh: thứ tình phức tạp trong đáy lòng người ta, hay thứ tình thường có của một người, cụ đều tách bạch được ra bằng một cách rõ ràng là “những điều trông thấy…”, thêm vào những điều trông thấy đó, cụ lại biên thêm, làm một bài học cho người đời sau, những điều kinh nghiệm mà cụ đã trải. Cụ lại có tài, trước những cảnh thay đổi của hóa công mà nhiều khi nhà văn thường băn khoăn không tìm thấy những tiếng đúng để tả cho hệt cảnh thật, thì cụ phác bằng một ngòi bút rất dễ dàng, khiến ta khi đọc những câu thơ của cụ, tưởng như có ngay trước mắt những bức họa linh hoạt và nhất là khi đọc “Truyện Kiều” ngỡ như đương đứng trong phòng học của nghệ sĩ Nguyễn Du mà trên tường treo la liệt, nào cảnh “Đêm xuân” thì:

Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng,

Nách tường bông liễu bay sang láng giềng.

Nào cảnh “Đêm thu” thì:

Đêm thâu khắc vợi canh tàn,

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm sương.

Nào cảnh “Đêm đông” thì:

Đòi phen gió ép hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu…

Cảnh nào cũng có vầng giăng bạc bầu bạn với cô Kiều, nhưng người bạn ấy thì chỉ mang lại cho cô những nỗi thẹn thùng với bóng sầu tủi phận mình, chứ không phải người bạn để yên ủi cô lúc canh tàn, khắc vợi…

Thưa các ngài, nhờ có công của cụ Nguyễn Du tạo nên “Truyện Kiều”, một áng văn chương Nôm tuyệt phẩm ở nước ta mươi năm gần đây mới nổi lên cái phong trào phục hưng quốc văn. Phong trào đó là do ở ảnh hưởng của sự Tây học mà ra, mà “Truyện Kiều” lại là một nguyên nhân chính như vậy. Đồng thời với phong trào phục hưng quốc văn thời cũng nổi lên phong trào phản đối chữ Hán. Nguyên có cũng không lấy làm gì lạ. Nước ta ngót hai ngàn năm nội thuộc nước Tàu, trong thời kì đó, Hán học là bậc thang công danh. Muốn mưu đường tiến thủ tất phải theo đòi Hán học. Ai cũng chỉ có một mục đích là học để làm quan. Vì vậy cái địa vị cao quý đó đã là điều ước vọng của khắp dân gian, cho nên, vì mải nghĩ về danh lợi, những nhà nho đã phải bắt buộc nhãng bỏ quốc âm để dùi mài kinh sử.

Về sau, nước Pháp sang bảo hộ nước ta, Hán học dần không được thông dụng, mà Tây học mới là kế sinh nhai và cũng lại là bậc thang trong đường quan hoạn. Ta dần nhãng bỏ cái cổ học của người Tàu, mà theo Tây học.

Nhờ được cái học thuật rộng rãi của người phương Tây chỉ cốt ở thiết thực, chứ không cốt ở hình thức nên tiếng Việt Nam mới phục hưng lên được, mới có kẻ biết thưởng giám cái chân giá trị của “Truyện Kiều” và mới có người hiểu được cái biệt tài của cụ Nguyễn Du. Ta xưa nay, viết văn chỉ cần nhiều danh từ, chỉ cần lời văn bóng bẩy, chỉ cần câu chữ tương đối, chỉ cần điển tích thật nhiều, nó là cân lượng của học lực một nhà văn, cụ Nguyễn Du khi dịch quyển “Kiều” đã ra được hẳn cái phạm vi nhỏ hẹp đó… Cụ dùng chữ mới mẻ, mạnh mẽ, có nhiều lời đặt câu tương tự như văn cú Pháp, thí dụ như những câu:

Còn non, còn nước, còn dài,

Còn về, còn nhớ đến người hôm nay…

Hay:

Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho: cho hại, cho tàn, cho cân.

“Truyện Kiều” thật là một cuốn sách mở đường lối cho quốc văn, trong khi cái nền văn chương của người Tàu đã đè nén quá mạnh lên dân trí của người mình, và cái chế độ quan liêu đã in sâu trong óc dân mình, đè nén mạnh quá và in sâu thái quá đến nỗi làm cho ngăn trở cái nền quốc văn của ta không nẩy nở lên được. Tiếng Việt Nam lúc bấy giờ, vì chữ nho thịnh hành quá, lại thêm thời kì bị cấm đoán, thành hầu như một thứ thổ âm không hy vọng, không tương lai, nếu trong đám dân gian không có một số ít nhà văn bình dân vẫn hằng lưu tâm chuyên tập văn chương nôm, dần sinh sản được nào là phong dao, nào là cách ngôn, nào là ngạn ngữ, nào là câu đối, nào là tục ngữ thì lấy đâu ra họp được một kho văn chương Nôm phong phú?

Kho sách đó, chỉ có hạng bình dân nhiều phần là đàn bà, trẻ con trong đám hương thôn hay đọc đến bằng cách kể chuyện, ru con, than thở, hay hát ví, hát ghẹo, trong những khi tát nước ngoài đồng hay những lúc đêm thanh đập lúa…

Thành cái nền văn chương bình dân của ta, từ xưa để lại, trừ những tiểu thuyết dài bằng vận văn: “Tần Cung oán”, “Nhị độ mai”, “Chinh phụ ngâm”, “Hoa Tiên” và “Kim Vân Kiều”, thì đều là truyền khẩu cả… Nền văn đó sở dĩ phục hưng lên được là nhờ ở “Truyện Kiều”, mà cụ Nguyễn Du cũng tựa như nhà thi sĩ Mistral bên Pháp, hồi thế kỉ thứ XIX, xuất bản tập thơ Mireille đã phục hưng được thứ thổ âm ở phương Nam lên vậy.

“Truyện Kiều” có cái tài đặc sắc là phổ thông khắp dân gian, bởi cớ viết bằng một lối văn tầm thường giản dị và chải chuốt, đọc lên âm hưởng rất dịu dàng, người nghe không biết chán. Ta có thể ví “Truyện Kiều” như một bản đờn muôn điệu có những khúc du dương, có những khúc hoành tráng, có những khúc gay gắt, có những khúc êm đềm, cảnh nào cũng nghe hợp, người nào nghe cũng ưa, nên bắt đầu được lan truyền khắp trong nước, rồi dần những điều hay, mới trong cốt truyện, trong văn chương được tách bạch mãi ra, lại thêm, gặp lúc ta trực tiếp với cái học thuật rộng rãi của người phương Tây đương khát khao tìm những điều mới lạ, thì “Truyện Kiều” chính là một quyển hợp thời.

Cụ Nguyễn Du không phải đột nhiên mà có kì tài đó. Cụ cũng đã chịu ảnh hưởng của nền văn chương Nôm nhiều. Đọc “Truyện Kiều” ta nhân thấy nhiều chỗ đặt câu rất giống trong truyện “Hoa Tiên”, song điệu văn của cụ Nguyễn Du thì có một điểm đặc sắc riêng khiến ta không thể nhầm lẫn được. Một nhà văn Pháp đã nói: Những ý tưởng thì của chung, chỉ lời diễn đạt ra ý tưởng đó mới là của riêng từng người. “Truyện Kiều” sở dĩ trở thành một áng văn chương bất diệt cũng là nhờ cụ Nguyễn Du đã khéo dùng tài của mình diễn đạt những ý tưởng chung theo một cú điệu riêng, cái cú điệu đó là cái biệt sắc trong văn nghệ của cụ. Thành “Truyện Kiều” về đường lập ý đã hợp với tâm sự mọi người, mà về đường hành văn lại có cái đặc sắc hơn người, nên trong kho văn chương Nôm, kể từ đời nhà Trần đến cận lai, “Truyện Kiều” thật là quyển sách của mấy thế kỉ. Quyển sách đó do cái tinh hoa của nền văn chương Nôm chung đúc lại, là khuôn mẫu cho các nhà văn lâu đời về sau, là cái tầm mực của văn chương nôm về thời nhà Nguyễn và là một tác phẩm mở đầu thời kì hưng thịnh của tiếng nước Nam ta…

Nguyễn Phú Đốc Nguyễn Văn Học (Sưu tầm và giới thiệu)
Tin khác
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh
Hai người họ Tô giữa tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh

Hai người họ Tô là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền và Nghệ sĩ Nhân dân Tô Lan Phương xuất hiện trong ‘Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh’.

Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?
Nhà văn Y Ban đã thấy gì trên đỉnh giời?

Nhà văn Y Ban tiếp tục khẳng định một giọng nữ đặc sắc trong đời sống văn chương Việt Nam, bằng tập truyện ngắn có tên gọi ‘Trên đỉnh giời’.   

Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước
Cựu chiến binh hồi tưởng mặt trận gần phía trước

Cựu chiến binh Trần Trí Thông gửi gắm niềm riêng qua trường ca ‘Mặt trận gần phía trước’ phát hành đúng dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau
Nhà văn Anh Đức trong ký ức đồng nghiệp thế hệ sau

Nhà văn Anh Đức được hậu sinh nhắc đến một cách trân trọng tại hội thảo kỷ niệm 10 năm ông qua đời, vừa tổ chức sáng 18/12 ở TP.HCM.

Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc
Tác giả trẻ My Tiên và vùng da thiêng nhiều cảm xúc

Tác giả trẻ My Tiên ở đất võ Bình Định vừa ra mắt tập thơ ‘Vùng da thiêng’ với nhiều cảm xúc nồng nàn về quê hương và con người Nam Trung bộ.

Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.