Người Cor ăn tết mừng lúa mới

Nguyên Tú - Thứ Sáu, 20/10/2023 , 09:36 (GMT+7)

Cộng đồng người Cor hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc, trong đó lễ hội mừng mùa có ý nghĩa tương đương như Tết Nguyên đán của người Việt...

 Thiếu nữ Cor. Ảnh: Nguyên Tú.

Người Cor sinh sống chủ yếu ở 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà (phía tây bắc tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Nam Trà My (phía tây nam tỉnh Quảng Nam) với dân số hiện khoảng hơn 3 vạn người. Cộng đồng người Cor hiện còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, trong đó lễ hội mừng mùa có ý nghĩa tương đương như Tết Nguyên đán của người Việt và là một sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng độc đáo, giàu tính nhân văn.

Theo phong tục, tập quán của người Cor, lễ hội mừng lúa mới là dịp tạ ơn thần linh, tổ tiên, ông bà đã phò trợ cho một vụ mùa no đủ, đồng thời là lúc để cả cộng đồng sinh hoạt, vui chơi sau những ngày mưa nắng, nhọc nhằn.

Thời gian đồng bào tổ chức lễ hội dịch chuyển trong khoảng tương ứng với tháng 11, đầu tháng Chạp theo lịch âm của người Kinh. Đây là lúc lúa rẫy đã được thu hoạch, hong khô và đưa về cất giữ trong các nhà kho; công việc nương rẫy tạm thời gác lại đợi đến vụ mùa sau.

Dịp chờ mùa cũng là dịp cộng đồng trở về với những sinh hoạt bản nguyên: trời đất, núi rừng, cỏ cây, sông suối cùng với con người thông linh, hoà điệu; vừa thiêng liêng bí ẩn, vừa thân thuộc, nồng nàn, như thể tất cả cùng về với thuở bình minh hoang sơ, gió hát lời mây, hoa cười cỏ dại...

Để chọn ngày vào hội, chủ nóc (một quần thể cư dân tụ cư trong một ngôi nhà dài truyền thống, tương tự như plây của người Hơre) bàn bạc với người già, người có uy tín trong nóc và chủ các gia đình để thống nhất thời gian. Thông thường ngày hội được ấn định sau cuộc họp chừng 5 - 7 ngày.

Trong khoảng thời gian nầy, người ta khẩn trương tiến hành công việc chuẩn bị: đàn ông, con trai vào rừng săn bắt, con gái xuống suối bắt cá, lên rẫy lượm củi gùi về, đàn bà giã gạo, nấu rượu cần, gói bánh; những người có uy tín trong nóc được già làng cử đi mời khách các làng bên cùng đến dự lễ hội với làng mình;một số người khéo tay biết việc thì lo dựng cây nêu lễ trước sân nhà dài (xà lúp). Nơi dựng cây nêu sẽ là trung tâm các hoạt động lễ hội của cả nóc. Không khí đón ngày vui trong làng náo nức hân hoan, ai ai cũng thấy mình đang góp công, góp sức để cả nóc cùng vào mùa hội.

Buổi tối trước ngày diễn ra lễ tết chính, những người chủ của mỗi gia đình sẽ cúng hồn lúa bằng nghi thức lấy những hạt lúa thiêng (lúa pađăm, những hạt lúa được gieo ở vạt đất riêng trên rẫy, được người phụ nữ chủ gia đình chăm sóc theo một chế độ riêng và tự mình tuốt hạt thóc mang về khi lúa chín) bỏ vào rổ, đặt gần bếp lửa, khấn vái thần linh, cầu cho các thành viên trong gia đình tay chân mạnh khoẻ, con trai giỏi việc làm rẫy, đi rừng, con gái khéo tay đan gùi, dệt chiếu, trẻ con chóng lớn, người già sống lâu; cầu cho cả nhà hạnh phúc, yên vui; cầu cho cây trái sinh sôi, mùa màng tươi tốt... Dứt lời cầu nguyện, ông ta dùng bàn tay lần lượt thoa lên đầu, lên vai các thành viên trong gia đình với ý nghĩa truyền ban phúc lành của ơn trên đến cho từng người…

Vào ngày tết đầu tiên, mọi gia đình trong nóc tề tựu về làm lễ cúng máng nước, cúng tổ tiên và các yàng sông, núi, đất đai tại cây nêu dựng trước sân. Lễ xong cả nóc bắt đầu xẻ thịt heo, làm thịt gà, nấu bánh... để ăn tết.

Trong những ngày tết người Cor còn làm các loại bánh như bánh ben aniq (bánh nếp có 3 góc, như kiểu bánh ú của người Việt), bánh ben parok (bánh ống), bánh ben tôôp (bánh tóp) ...Khi mọi nghi lễ tế thần linh, tổ tiên hoàn tất, các gia đình quây quần ở gưl (tức phần chung của nóc nhà dài) để cùng nhau ăn uống.

Cơm thịt no say, mọi người hân hoan vào hội. Khố mới, váy đẹp, con trai, con gái, trẻ con, người già cùng hát xà ru, a giới, chơi chiêng, trống, sáo tà lía, amáp, chơi các loại đàn vrook, cà trớt, hòa cùng điệu múa cà đáo xoay vòng thâu đêm, suốt sáng.

Sáng sớm ngày tết thứ hai, các nóc nhà tiếp tục tổ chức cúng ông bà, thần sông, thần suối, thần núi, thần trầu, thần quế, thần trâu bò, ma nhà, ma bếp, ma đất... và cả thần hàng (theo quan niệm của đồng bào, đây là vị thần phù hộ cho gia đình mua được chiêng, ché, các vật dụng trong nhà...). Lễ cúng xong mọi người lại ăn uống và tiếp tục múa hát, đánh chiêng... Có nơi còn tổ chức thi tài bắn nỏ, bắn cung, phóng lao, kéo co, đấu chiêng ...

Sáng ngày thứ ba mọi người từ nhà nầy sang nhà khác thăm viếng lẫn nhau, chúc mừng những điều tốt đẹp, rồi quây quần cơm lam, rượu đoác, nói với nhau những lời hay, ý đẹp. Sau đó mỗi gia đình cử một người theo chủ nóc lên rẫy để phát rẫy phép, cùng ăn cơm phép nấu bằng ống lồ ô.  Đến chiều tất cả về nhà và lại ăn uống, chúc tụng, hát múa, túc chinh... cho đến  tàn đêm.

Trong ngày tết, ngoài bà con họ hàng trong làng nóc thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau, đại diện các nóc khác cũng đến chúc mừng và chung vui tết với nóc đang ăn tết.

Lễ tết mừng lúa mới là lễ hội chính đầu tiên trong năm, được cả cộng đồng người Cor tổ chức và là một sinh hoạt văn hoá cổ truyền, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể quý báu.

Trước đây lễ hội nầy thường kéo dài 5-7 ngày; hiện nay bà con chỉ tổ chức trong 3 ngày. Tuy vậy các lễ thức chính thì vẫn như xưa, sâu đậm ý nghĩa nhân văn, nồng ấm và tha thiết tình người.

Nguyên Tú
Tin khác
Mạch nha Thi Phổ
Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.