Những guồng xe nước - hoài niệm một thời

Lê Hồng Khánh - Thứ Ba, 17/10/2023 , 09:34 (GMT+7)

Từ rất lâu, những guồng xe nước trên sông Vệ, đặc biệt là trên sông Trà Khúc đã trở thành biểu tượng của đức tính kiên trì, bền bỉ của người nông dân Quảng Ngãi.

Guồng xe nước Trường Xuân (Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh của Stewart W Herman được chụp khoảng 1971- 1972. Làng Sơn Trung (Son Trung Village) trong chú thích của S. W. Herman, chính là xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. 

Guồng xe nước Trường Xuân (Tịnh Hà, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Ảnh của Stewart W Herman được chụp khoảng 1971- 1972. Làng Sơn Trung (Son Trung Village) trong chú thích của S. W. Herman, chính là xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. 

Hình ảnh guồng xe nước nhẫn nại quay đều bên lũy tre nghiêng bóng xuống dòng sông xanh mùa hạ đã trở thành cảnh quan độc đáo, vừa thân thiết, gần gũi với bao lớp người Quảng Ngãi, vừa say lòng những ai có dịp đến với miền quê sông Trà- núi Ấn.

H.Parmentier, một nhà nghiên cứu người Pháp đã từng có nhiều thời gian tiếp cận vùng đất Quảng Ngãi, trong tập: “Ghi chú về những guồng quay nước ở Quảng Ngãi”, đã nêu ý kiến rằng người nông dân ở đây đã tiếp thu kỹ thuật làm xe nước của người Chăm. Còn chính những người nông dân Chăm thì học được những kỹ thuật lấy nước bằng guồng quay của cư dân những vùng ảnh hưởng văn hoá Ả rập. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một luận cứ chưa thật chắc chắn và không có nhiều dữ liệu minh chứng.

Các tài liệu về nông học, dân tộc học cũng cho thấy guồng xe nước có ở nhiều nơi trên đất nước ta, từ Tây Bắc (của đồng bào Dao) đến Thanh Hoá, kéo dài đến Ninh Thuận, Bình Thuận và ngược lên vùng núi thấp Nam Trung bộ thuộc địa bàn cư trú của dân tộc H’re. Điều đáng chú ý là, nếu ở những vùng khác guồng xe chỉ có một bánh, bán kính hẹp, không có bờ cừ dồn nước thì guồng xe ở Quảng Ngãi là một công trình thuỷ nông tương đối đồ sộ, với những guồng xe từ 8-12 bánh, đường kính đến 26 thước mộc (10,8m), có bờ cừ kiên cố dài gần 1km, kéo từ nơi đặt guồng xe, ở phía bờ sông bên này đến bờ sông bên kia, chếch theo hướng thượng nguồn để dồn nước, tăng lực đẩy của dòng chảy, cùng với hệ thống mương máng tỏa khắp những cánh đồng ven sông để dẫn nước vào ruộng.

Tài liệu thành văn sớm nhất còn lưu giữ được có nhắc đến bờ xe nước ở Quảng Ngãi là một tờ đơn xin miễn công ích cho những người “thợ xe” ở thôn Phước Lộc xã Bồ Đề (Mộ Đức, Quảng Ngãi) có lời phê với ba chữ “Thích chấp bằng”. Theo Laborbe (trong la Province de Quang Ngai) thì đây là châu phê của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc). Tờ đơn ghi niên hiệu Thái Đức thập nhị niên, tức năm 17902. Tờ đơn này cùng nêu lên việc các nhóm thợ xe ở xã khác đã được miễn sưu dịch. Như vậy, vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII, hệ thống các guồng xe nước ở Quảng Ngãi đã khá phát triển, đóng vai trò đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Chúng ta biết rằng, để guồng xe nước có thể vận hành từ tháng ba đến tháng tám âm lịch (mùa nắng), các nhóm thợ (7-8 người một nhóm) phải làm việc liên tục trong cả năm và như thế họ không thể có thời gian để đi làm công ích nên phải thuê người khác hoặc nộp tiền thay.

80 năm sau, quan bố chánh Quảng Ngãi là Nguyễn Thông (1827-1884) dâng lên vua Tự Đức một tờ sớ đề ngày 28.2 Tự Đức năm thứ 23 (29.3.1870) trình bày việc thuỷ lợi và trồng cây ở Quảng Ngãi (Trần thuỷ lợi tài thụ nghi sớ). Trong tờ sớ này có việc đề nghị miễn thuế guồng nước đồng niên (khoảng hơn 80 quan/1 guồng) cho các guồng xe ở Long Phụng, Bồ Đề, Năng An (sông Vệ); Đông Dương (Trà Khúc). Ông quan rất chăm lo nghề nông này đã nêu lên những lý lẽ khá chính đáng và giàu tính thuyết phục cho đề nghị của mình “Sống nghề nông không gì cần bằng nước, việc đắp đập khơi ngòi là làm lợi cho dân, dù cho tiêu tốn công quỹ triều đình cũng không tiếc, huống chi kẻ tiểu dân phải tự lo lấy mà bắt nộp thuế sao?..., vậy tiền thuế guồng nước các nơi ấy nên chăng tạm miễn để lấy chỗ khuyến khích nông dân? Xin chờ chỉ dụ.

 Trong dân gian hiện còn lưu truyền nhiều giai thoại về những người sáng tạo ra guồng xe nước. Song có lẽ đây chỉ là những người có công kiến lập, bổ sung kỹ thuật, nâng cao chất lượng vận hành của các guồng xe. Có thể nói, guồng xe lấy nước trên các dòng sông Vệ, Trà Khúc chính là sản phẩm độc đáo của người lao động Quảng Ngãi qua nhiều thế hệ. Bằng sức lao động cần cù, trí thông minh và bàn tay tài hoa, họ đã liên tục cải tiến, hoàn chỉnh kỹ thuật để xây dựng những công trình thủy lợi độc đáo rất đáng tự hào...

Vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ trước, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 96 guồng xe. Riêng Sơn Tịnh có 29 guồng, trong đó 6 guồng 10 bánh, 19 guồng 9 bánh, 4 guồng 8 bánh. Cũng theo thống kê này thì phủ Sơn Tịnh dẫn đầu về số guồng xe, cũng như quy mô của từng guồng.

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với cụ Nguyễn Văn (ông Trùm Lộc, đã mất) quê ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, một người làm nghề xe nước trên 50 năm, làm trùm xe gần 20 năm, thì vào thời điểm những năm 70-80 của thế kỷ trước, phía tả ngạn sông Trà Khúc thuộc huyện Sơn Tịnh có 52 guồng xe, lớn nhất là các guồng Tú Thao (Tịnh Sơn), chợ Hố, Bến Đò, Trường Xuân (Tịnh Hà), Đông Dương, Quán Cơm (Tịnh Ấn). Xã có nhiều guồng xe nhất là Tịnh Hà với 8 guồng (Chợ Hố, Bến Đò, Ông Cổ, Công Điền, Trường Xuân, Hà Tây, Ngân Giang trên, Ngân Giang dưới).

Nguyên liệu để dựng hệ thống xe nước (các bánh xe, bờ cừ, máng đưa nước lên mương) chủ yếu là tre; còn lại là dây rừng, bổi (bổi mía, rơm rạ, lá chuối), gỗ cầy (Kơnia).

Kỹ thuật làm guồng xe dựa trên nguyên tắc lợi dụng sức chảy của dòng nước để làm quay các bánh xe đưa nước lên đồng. Tuy nhiên để đạt hiệu quả kinh tế cao (bền vững, lấy được nhiều nước, tiết kiệm nguyên liệu, thời gian xây dựng và duy tu thuận lợi) những người làm guồng xe phải giải quyết hàng loạt các vấn đề rất phức tạp: chọn chỗ đặt guồng xe, thời gian khởi công xây dựng tương ứng với dòng nước từ nguồn về, độ chếch của bờ cừ, kỹ thuật đặt các ống lấy nước...

Mô tả đầy đủ các vấn đề kỹ thuật và các giai đoạn để hoàn chỉnh một guồng xe là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi phải có sự am tường sâu sắc kiến thức về vật lý, khí hậu, thuỷ lưu kinh nghiệm dân gian,... Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến cho đến nay chúng ta chưa thấy có một công trình khoa học nào đề cập đầy đủ và thuyết phục về các guồng xe nước ở Quảng Ngãi.

Về quy mô công trình, những con số sau đây có thể giúp hình dung một cách khái quát. Để làm một guồng xe 9 bánh (bán kính 5.4m) phải cần đến 2.500 cây tre nan; 1.000 bó dây rừng (mỗi bó 25 kg), 50 tấn bổi (lá chuối, lá mía, rơm rạ), hơn 1.000khối cát đá, cộng với công sức của 7 lao động chuyên môn trong 11 tháng và hàng trăm lao động huy động trong những giai đoạn cao điểm. Chẳng thế mà những thời điểm quan trọng của việc dựng xe nước (ngày bắt đầu đốn tre, ngày ra tăm, ngày mắc ống đưa nước lên đồng...) hoặc những lúc thời tiết thất thường, nước từ nguồn về đột ngột, đều thu hút sự quan tâm, lo lắng của cả làng.

Mỗi guồng xe có một nhóm thợ, gọi là thợ xe, gồm 7 người: 1 trùm, 2 trọn, 4 rẽ.

- 2 người thợ trọn chịu trách nhiệm kiểm tra tu sửa thường nhật bờ xe, bờ cừ, chủ yếu là bờ cừ. Mỗi ngày tiến hành kiểm tra 6 lần: 2 lần vào ban đêm, 4 lần vào ban ngày.

- Trong 4 người thợ rẽ, 2 người chịu trách nhiệm phân phối nước về cánh đồng mà guồng xe chịu trách nhiệm tưới nước ( gọi là quy điền); 2 người chuyên đi cào bổi mía, rơm rạ, lá chuối khô đưa về chòi xe để gia cố bờ cừ.

- Ông Trùm là người giỏi nghề, giàu kinh nghiệm, có uy tín, thường là cao tuổi, chịu trách nhiệm chung về kỹ thuật, trực tiếp chỉ đạo hướng dẫn các thợ rẽ, thợ trọn đồng thời thay mặt nhóm thợ quan hệ với trương cử.

-“Trương cử”, có thể hiểu như Hội đồng quản trị của 1 guồng xe và là cách gọi chung của trương hành, đốc côngbảo cử.

- Bảo cử  là các đại biểu cổ đông, thường mỗi guồng xe có 4 bảo cữ, mỗi thành viên bảo cử chịu trách nhiệm huy động ¼ vốn xây dựng và vận hành guồng xe.

Trương hànhđốc công là những người đại diện thường trực của Hội đồng quản trị: Trưởng hành kê biên tài sản, ghi công, nhập nguyên liệu, tính toán vốn, lời; đề nghị huy động vốn bổ sung hay đề nghị giúp đỡ nhân công, nguyên liệu khi có sự cố khẩn cấp; đốc công theo dõi lao động, tính toán việc tìm nguồn thu mua nguyên liệu.

 Lợi tức của các guồng xe thu từ hoa lợi đồng ruộng, chủ yếu là lúa nước. Khi người chủ ruộng gặt lúa thì báo với trương cử để nhà xe cắt cử người đến thu thóc tại ruộng, theo tỷ lệ "tam thất", xe nước 3, người canh tác 7. Ngoài ra chủ ruộng còn tự giác hỗ trợ bổi mía, lá chuối khô và đôi khi cả nhân công khi cấp thiết. Những năm được mùa, chủ ruộng dùng một phần thóc, ít nhiều tuỳ hảo tâm, thưởng cho thợ xe để gọi là biết đến nỗi nhọc nhằn, vất vả quanh năm của họ.

 Quan hệ giữa trương cử, chủ ruộng, thợ xe là quan hệ tương hổ, nặng tình nghĩa làng xóm, thể hiện sự gắn bó đồng lòng nơi chốn thôn quê.

 Những guồng xe là tài sản của làng, gọi là bờ xe làng. Trường hợp này Lý trưởng sẽ là người trực tiếp cử ra Hội đồng quản trị thay làng điều hành công việc ở guồng xe. Lợi tức từ guồng xe sung vào quỹ của làng.

Công việc của người thợ xe rất nặng nề, họ phải làm việc liên tục trong 11 tháng. Bắt đầu từ tháng 9 âm lịch (đi đốn tre tập trung về chòi) cho đến tháng 8 âm lịch năm sau. Ban đêm thợ xe phải thường trực tại chòi, nhiều khi phải chịu dầm mình dưới nước cả ngày trong giá rét căm căm.

Lăn lộn, gắn bó với sông nước, lại khéo nghề tre pheo, thợ xe cũng là những người rất giỏi đan đát, làm đồ gia dụng bằng tre (quang gánh, thúng, mủng,...) đánh bắt cá bằng các dụng cụ thô sơ (thả ống, thả chà, đánh nơm, lặn bộ...).

Từ những năm cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ XX các guồng xe nước đã nhường vai trò của nó trong đời sống nông nghiệp cho những máy bơm nước bằng động cơ đốt trong, rồi những trạm bơm điện và tiếp theo đó là hệ thống thuỷ lợi Thạch Nham.

Những người thợ xe nước năm xưa, cũng như bao người nông dân trên quê hương Quảng Ngãi, rất đỗi vui mừng và tự hào khi công trình đại thuỷ nông Thạch Nham đã thay thế một cách xứng đáng cho những guồng xe để mang nước về tưới ruộng đồng. Nhưng dẫu sao trong lòng họ cũng không khỏi ngậm ngùi khi nhắc đến những “ đàn xe” đã gắn bó sớm chiều mưa nắng và là hình bóng quen thuộc, thân yêu của miền quê Quảng Ngãi một thời.

Lê Hồng Khánh
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi
Giá trị tiếng Việt kết nối cội nguồn người Việt khắp nơi

Giá trị tiếng Việt trong tâm hồn người Việt, một lần nữa được nhắc nhớ qua chương trình đặc biệt kỷ niệm Giỗ tổ Hùng Vương trên Nông nghiệp Radio tối nay (18/4).

Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc
Giỗ Tổ nhớ 'Cảm tưởng của ta về Hội đền Hùng' của cụ Dương Bá Trạc

Nhà báo, nhà văn Dương Bá Trạc (1884-1944), hiệu Tuyết Huy, là anh trai của nhà giáo Dương Quảng Hàm. Cụ cùng các chiến sĩ đã sáng lập phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết
Đại tá Nguyễn Văn Hồng và cuộc chiến đấu tự nguyện bên trang viết

Đại tá Nguyễn Văn Hồng sau 30 năm cầm súng lại có tiếp 30 năm cầm bút, đó là nội dung tọa đàm văn chương diễn ra sáng 12/4 tại TP.HCM.

Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác
Trống quân: Tinh hoa người Đức Bác

Hát trống quân Đức Bác là sự kết hợp giữa lời hát và nhịp điệu, cùng với những khúc hát sôi động xoay quanh các chàng trai Đức Bác và cô đào Phù Ninh.

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ
Tiến sĩ Bùi Bá Bổng chữ đã say rồi trên những trang thơ3

Tiến sĩ Bùi Bá Bổng thường được nhiều người biết đến với tư cách một nhà khoa học nông nghiệp, nhưng ít ai biết ông từng có thơ được in từ thời sinh viên.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hé lộ điều gì qua những đoản văn?

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rời khỏi dương gian 23 năm, nhưng di sản nghệ thuật của ông vẫn không ngừng lôi cuốn công chúng, trong đó có những đoản văn tự tình.

Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’
Thái độ của vua - tôi triều Nguyễn đối với Phan Châu Trinh sau ‘Thư thất điều’

Việc ứng xử như sách đã chép ít nhiều thể hiện sự tôn trọng đáng kể, dù 'Thư thất điều' đã khiến vua Khải Định bẽ mặt với quốc dân đồng bào ở trong và ngoài nước lúc đó.

Hà Giang hút khách
Hà Giang hút khách

Thị trấn Đồng Văn giờ khác lắm. Cầu trời, năm mười năm nữa, Đồng Văn sẽ không theo bước Tam Đảo, Sa Pa, nhà tầng chất ngất cướp mất dáng núi, thung mây...

Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh
Về một bản dịch ‘Thư thất điều’ của cụ Phan Châu Trinh

Trong bài văn tế Phan Châu Trinh, Sào Nam Phan Bội Châu đánh giá 'Thư thất điều đón giá như Tây, uy sấm chớp chẳng kinh cùng chẳng hãi'.

Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?
Cửa Đạt và Cửa Đặt: Chuyện nhỏ hay không nhỏ?

Hãy phóng to bức hình này lên, sẽ thấy hai cái tên khác nhau: Bên này là đền “Cửa Đặt”, bên kia là chùa “Cửa Đạt”. Đặt và Đạt, có liên hệ/liên quan gì không?

Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'
Giáo sư Andrea Hoa Pham: 'Ngôn ngữ luôn biến đổi'1

Một người dạy tiếng Việt ở Mỹ, giáo sư Andrea Hoa Pham cho rằng, ngôn ngữ luôn luôn biến đổi, dù muốn hay không cũng không ngăn được thực tế ấy.

Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano
Cảm nhận một người trẻ tuổi về kháng chiến qua phim Đào, phở và piano

Bộ phim đã khiến tôi tò mò và tôi đã tìm hiểu rộng hơn lịch sử đất nước và tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, nhân dân ta trong kháng chiến.