Chuyến tham quan của đoàn chuyên gia Nhật Bản do ông Nguyễn Viết Vị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bình Phước dẫn đầu, với mục đích giới thiệu trái cây đặc sản ủa Bình Phước cho chuyên gia Nhật Bản nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững.
Những năm gần đây, Bình Phước được biết đến là thủ phủ của nhiều loại cây trái đặc sản nổi tiếng, nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, được nhiều “ông lớn” ngành nông nghiệp nước ngoài quan tâm, tìm đến đầu tư. Đây cũng chính là lý do đoàn chuyên gia Nhật Bản đến Bình Phước tham quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp Bình Phước nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình ổi trân châu ruột đỏ là một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Bình Phước, được Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bình Phước chọn đưa đoàn chuyên gia Nhật Bản đến tham quan.
Từ hơn chục năm qua, ổi trân châu ruột đỏ Đài Loan đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở xã Quang Minh, với tổng diện tích khoảng gần 100ha, sản lượng đạt hàng ngàn tấn mỗi năm, tập trung nhiều ở ấp Sóc Ruộng 3. Năm 2022, trái ổi Quang Minh đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ổi trân châu ruột đỏ Quang minh có chất lượng thơm ngon, giòn và màu sắc bắt mắt, nên được người tiêu dùng ưa chuộng, tiêu thụ khắp nơi trong nước. Không chỉ thế, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã ký kết thu mua số lượng lớn để xuất khẩu sang thị trường Ý và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất.
Chị Chu Thị Mai Là, tổ trưởng tổ hợp tác trồng ổi ruột đỏ xã Quang Minh, có 3ha ổi giống Đài Loan ruột đỏ, từ lâu vẫn canh tác theo quy trình hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu. “Toàn bộ các vườn ổi ở Quang Minh hiện nay đều áp dụng quy trình canh tác, chăm sóc hướng hữu cơ, không dùng các chế phẩm hóa học độc hại, từ phân bón đến thuốc trừ sâu bệnh. Canh tác theo quy trình hữu cơ không chỉ khỏe cho mình, mà sản phẩm cũng ngon hơn, đất sạch hơn, màu mỡ hơn, rất nhiều côn trùng như ong bướm, kiến, giun đế, sinh sôi. Tôi ra vườn, đói là hái trái ăn, chẳng cần rửa gì”, chị Mai Là nói.
Tham quan những vườn ổi ở Quang Minh, đoàn chuyên gia Nhật Bản rất phấn khích, ai cũng cầm trái ổi ruột đỏ trên tay, ăn liên tục. Ông Tachiyashiki Sunao, nguyên cán bộ quản lý Bảo hiểm xã hội tỉnh Hyogo (Nhật Bản), Tiến sĩ Sato, nguyên chuyên gia nghiên cứu nguyên tử hạt nhân tỉnh Kagoshima và bà Sato Takako, giảng viên môn Trà đạo và Ikebane, ai cũng trầm trồ khen ngợi, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác về sản phẩm ổi ruột đỏ của Bình Phước. Đó là quy trình trồng, chăm sóc ổi đều được nông dân thực hiện theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, đảm bảo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. “Lần này tôi đã được biết ổi Việt Nam ngon như thế. Đặc biệt, ổi được trồng theo hướng hữu cơ có độ ngon, ngọt rất khác biệt”, ông Tachiyashiki Sunao bày tỏ.
“Đây đúng là khu vườn tuyệt vời. Là phụ nữ, cũng như bạn bè của tôi, họ thường chọn những sản phẩm giá có thể cao hơn nhưng tốt cho sức khỏe. Tôi nhận thấy ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng sản phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe đang rất được chú trọng. Tôi rất nể phục vì chủ trang trại ổi này đã nhìn thấy được điều đó. Tôi sẽ giới thiệu để các thương gia đưa loại trái cây ngon, đặc sản của Bình Phước sang đất nước Nhật Bản chúng tôi”, bà Sato Takako chia sẻ tại vườn ổi của gia đình chị Sô Phi, ở ấp 3, xã Quang Minh.
Tiến sĩ Sato nhận định: Tôi thấy ổi ở đây rất ngon. Khi đến đây rồi, tôi muốn giới thiệu thật nhiều người Nhật Bản đến du lịch để được hái những trái ổi tươi và ăn tại vườn để cảm nhận được độ ngon cũng như nhiệt huyết, nỗ lực của người dân địa phương. Sau khi về đất nước mình, tôi sẽ giới thiệu, kết nối cho bạn bè của tôi sang đây trải nghiệm.
Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân tỷ phú Bình Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện chia sẻ, chuyến tham quan, khảo sát của đoàn chuyên gia Nhật Bản tuy ngắn, thời gian đi thực tế trải nghiệm chưa nhiều, nhưng là chuyến đi đầy ý nghĩa. Đối với các chuyên gia, được gặp những nông dân thứ thiệt của Bình Phước, làm ra những sản phẩm nông nghiệp rất đỗi thân quen nhưng mang hương vị độc đáo khó quên; cùng với sự mến khách, tiếp đón ân cần, niềm nở đã để lại nhiều dư vị khó quên trong lòng du khách.
Tất cả cùng hẹn nhau hội ngộ vào một ngày không xa sẽ là những cái bắt tay, ký kết hợp tác, giao thương, trao đổi hàng hóa là các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng, chất lượng của Bình Phước với nhiều tỉnh, thành phố của Nhật Bản.
"Nnhững lần tiếp các đoàn chuyên gia Nhật Bản đã gợi mở cho chúng tôi định hướng và kế hoạch hợp tác sắp tới. Chúng tôi đã kết nối được với những nhà đầu tư Nhật Bản, một quốc gia rất kỹ tính về thị trường, nhất là hàng hóa, thực phẩm tiêu dùng. Lần này, sau khi tham quan các mô hình của hợp tác xã, hai bên sẽ bàn bạc để tiến tới ký kết hợp tác, xúc tiến thương mại hai chiều. Chúng tôi hướng tới thị trường Nhật Bản một số loại trái cây tươi như ổi ruột đỏ; sản phẩm chế biến sâu từ trái mít non, là một dòng thịt thực vật để phục vụ nhu cầu ăn nhanh và giảm tác hại môi trường, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, ông Nguyễn Viết Vị chia sẻ.