Từ gần chục năm trở lại đây, cây ổi ruột đỏ Đài Loan trở thành một trong những cây trồng chủ lực ở Quang Minh, với tổng diện tích hiện nay khoảng gần 100 ha, tập trung nhiều nhất ở ấp Ruộng 3. Hầu hết các hộ trồng ổi đều cho hiệu quả kinh tế cao. Trái ổi ruột đỏ trồng ở xã Quang Minh đang từng bước tạo thương hiệu trên thị trường.
Đến xã Quang Minh, hỏi thăm về cây ổi, bà Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh hồ hởi: “Quanh Minh hiện có nhiều vườn cây ăn trái trồng và chăm sóc theo quy trình chứ không chỉ có cây ổi. Tuy nhiên, ổi đúng là một trong số những cây giúp nhiều hộ thoát nghèo, khá dần lên, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ trong số này là đồng bào thiểu số, ngày xưa từng rất nghèo, nay không chỉ hết nghèo mà còn đang giàu lên”.
Với 6 ha trồng ổi ruột đỏ, mỗi năm gia đình chị Kiên Sô Phi, người Khơmer, ở ấp Sóc Ruộng 3 (xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành, Bình Phước) thu nhập hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo chỉ dẫn của bà Phó Chủ tịch, chúng tôi tìm đến nhà chị Kiên Sô Phi. Theo giới thiệu thì chị Sô Phi có vườn ổi lớn và đẹp nhất nhì Sóc Ruộng, nhờ được chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật chuyên gia đã hướng dẫn.
Đúng như giới thiệu, vườn ổi bạt ngàn của chị Sô Phi rất đẹp, dù mới 7 năm tuổi, nhưng theo đánh giá của nhiều người, thân cây to bằng cây 10 tuổi, da bóng láng. Ở một số lô ổi, nhìn bằng mắt thường, thấy số lượng quả và lá như ngang nhau. Toàn bộ vườn ổi đều đã được lắp đặt hệ thống tưới nước, bón phân tự động.
Nói về “cơ duyên” gắn bó với cây ổi ruột đỏ Đài Loan, chị Sô Phi cho biết: “Hồi lâu lâu rồi, chắc cũng khoảng 10 năm, có mấy ông bên Đài Loan họ về đây khảo sát, rồi mang giống ổi sang trồng. Sau thời gian đến làm thuê cho họ, mình học hỏi được cách trồng, chăm sóc, thấy cũng dễ, nên mình mua giống của họ về nhà mình trồng. Sau đó công ty họ mở rộng quy mô, thuê đất của mình, giao cho mình trồng rồi thu mua hết ổi luôn. Họ hướng dẫn quy trình cho mình, sau đó họ giao lại vườn cho mình để về nước, nhưng không biết sao không thấy quay lại”.
Theo chị Sô Phi, giống ổi Đài Loan này rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây nên cây dễ trồng, dễ chăm, tốn ít công. Sau khi trồng 8 tháng là cây bắt đầu cho thu hoạch trái. Nhưng tốt nhất sau 1 năm trồng mới thu hoạch, để cây cứng cáp hơn, thì tuổi thọ cây sẽ dài hơn. “Để cây ổi phát triển tốt, phải chăm kỹ ngay từ khi mới ươm cây xuống theo quy trình, đồng thời, phải thường xuyên theo dõi quá trình cây phát triển xem có tốt không. Nếu chăm kỹ mà cây vẫn phát triển chậm, trong khi cây bên cạnh phát triển bình thường thì ngay năm đầu tiên nên bỏ cây đó, thay cây khác. Ngoài ra, phải biết tỉa bớt cành để cây phát triển tốt hơn. “Mình nhìn cả cây, biết là nên bỏ bớt bao nhiêu cành, bỏ cành nào. Trái ra nhiều, nhưng mình không tham để hết, mà phải bỏ bớt, chứ để hết mà chăm không kỹ thì cây bị quá sức, giống như người lao động quá sức là bị ốm thôi, cây sẽ yếu dần, ít trái dần và trái xấu”, chị Sô Phi nói.
Không chỉ vườn ổi chị Sô Phi, mà toàn bộ các vườn ổi ở Quang Minh hiện nay đều áp dụng quy trình canh tác, chăm sóc hướng hữu cơ, không dùng các chế phẩm hoá học độc hại, từ phân bón đến thuốc trừ sâu bệnh. Sau khi lọc bỏ bớt, những trái còn lại trên cây sẽ được bọc 2 lớp bao, bên trong là bao xốp lưới và bên ngoài là bao ni lông. Để chăm cây, chị Sô Phi và các hộ khác chỉ dùng phân hữu cơ và trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học, vừa cho trái sạch, vừa tránh độc hại cho con người, môi trường. “Hồi xưa trồng điều, trồng rau, mình ra ngoài cửa hàng, nói mua thuốc trừ sâu là người ta bán, mình không biết loại gì, có độc hay không. Nhưng từ khi trồng ổi, mình được học nên biết nhiều lắm, Mấy năm nay thấy đất trong vườn có nhiều ong bướm, côn trùng, giun dế lắm”, chị Sô Phi nói.
Đặc điểm của cây ổi là thu hoạch quanh năm, hiện vườn ổi của gia đình chị Sô Phi bình quân mỗi ha thu khoảng 2,5 tấn trái/tháng. Tổng sản lượng lên đến khoảng 15 tấn mỗi tháng. Với giá bán “xô” tại vườn từ 13-15 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi vài trăm triệu đồng. Điều đáng mừng là ổi Quang Minh chưa từng gặp phải tình trạng “ế”, hay thương lái ép giá. Chị Sô Phi cho biết, nhiều khi không có để bán. “Chỉ có năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên giá ổi tụt xuống còn 9 ngàn đồng/kg. Năm nay giá tăng lên 15 ngàn, có lúc 18 ngàn đồng/kg”, chị Sô Phi cho biết.
“Hiện nay các hộ trồng ổi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đã biết áp dụng quy trình khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, vì vậy, trái ổi không chỉ đạt sản lượng cao, mà chất lượng cũng rất tốt, thơm, giòn, ngọt. Hiện nay, ổi Quang Minh đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước, và đã được một vài doanh nghiệp thu mua, xuất đi tận châu Âu rồi”, bà Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh.