Nhiều rào cản khi tận dụng thị trường toàn cầu
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo, sản lượng hồ tiêu toàn cầu niên vụ 2023/2024 sẽ giảm do sản lượng từ các nước sản xuất hồ tiêu ước tính giảm. Trong đó, ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 165.000 tấn; Ấn Độ giảm 20%, Indonesia giảm 20 - 30% và Brazil giảm 15%.
Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch trong năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Do đó, lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Nhận định về ngành hồ tiêu Việt Nam, VPSA cho rằng bên cạnh thách thức về việc thu hẹp diện tích trước sự cạnh tranh với một số cây trồng khác, ngành hồ tiêu còn đối mặt với hàng loạt yêu cầu mới của các nước nhập khẩu, đòi hỏi cả hiệp hội, doanh nghiệp và người nông dân phải có sự chuẩn bị và ứng phó phù hợp.
Dù giá hồ tiêu trên thị trường thế giới những ngày đầu năm 2024 trên đà tăng, xu hướng này có thể không ổn định. Nguyên nhân bởi mức giảm sản lượng của các cường quốc xuất khẩu hồ tiêu vẫn thấp hơn so với mức giảm nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
"Giá hồ tiêu sẽ khó tăng liên tục trong dài hạn", ông Jasvinder Singh Sethi, CEO và Founder của Công ty Namagro Việt Nam nhận định.
Theo chuyên gia này, sản lượng hồ tiêu chịu ảnh hưởng bởi hai yếu tố năng suất và diện tích thu hoạch. Năng suất phụ thuộc vào thời tiết và động lực của chính người nông dân. Nếu nông dân tin rằng việc trồng tiêu đem lại lợi nhuận lớn, họ sẽ bỏ công chăm sóc và cải thiện năng suất.
Tuy nhiên, giá hồ tiêu phập phù những năm gần đây cùng với chi phí đầu vào đắt đỏ khiến nông dân không còn nhiều động lực để kiên trì theo đuổi ngành hàng. Ngoài ra, tại Việt Nam, từ năm 2017 không xuất hiện vùng trồng mới, bên cạnh đó còn có tình trạng một số khu vực, nông dân chuyển sang trồng loại cây khác.
Đối với thị trường hồ tiêu, ông Jasvinder Singh Sethi cũng lưu ý, doanh nghiệp cần quan tâm đến cả vấn đề xung đột địa chính trị, bên cạnh đánh giá cung - cầu để đưa ra phán đoán chuẩn xác.
Qua tổng hợp số liệu, lãnh đạo của Namagro nhận thấy có quy luật lặp lại 3 lần trong 50 năm qua. Đó là mỗi khi cầu lớn hơn cung, giá cả cũng tăng vọt theo, ngược lại khi cung lớn hơn cầu, giá giảm xuống và duy trì ở vùng đáy trong thời gian tương đối dài.
Khác với một số loại cây gia vị như nghệ, gừng, giá cả dao động với biên độ đều đặn hàng năm, hồ tiêu cần 3 - 4 năm mới đảm bảo được nguồn cung do tình trạng thiếu diện tích trồng. Sự đáp ứng tức thì cho nhu cầu thị trường, vì thế, sẽ chậm hơn.
Cẩn trọng với EUDR và cam kết giảm phát thải
Trong năm 2023, EU ban hành Quy định chống phá rừng (EUDR). Việt Nam xác định có nhiều mặt hàng chịu ảnh hưởng, trong đó có hồ tiêu.
Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil rất nhiều. Nếu xét từ thời điểm truy xuất 12/2020 (theo EUDR), phần diện tích hồ tiêu của Brazil có khả năng chạm tới ngưỡng phá rừng, nguy hại rừng. Do đó, VPSA khuyến cáo doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước cho quy định này.
Ngoài ra, EU sắp tới còn yêu cầu xuất xứ nguồn gốc vùng trồng từ kinh độ và vĩ độ, quyền phụ nữ và trẻ em, trách nhiệm giải trình của người mua tại châu Âu.
Về vấn đề giảm phát thải, Việt Nam cam kết tại COP 26, rằng sẽ cắt giảm 30% trong năm 2030 và về Net Zero vào năm 2050. Do đó, năm 2024 được ngành hồ tiêu xác định cần phải chuyển dịch phát triển bền vững, bao gồm sắp xếp hoạt động nhà máy và vườn trồng để vừa bảo đảm việc tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu, quy định của Chính phủ, cũng như giúp đem lại thêm thu nhập cho người dân nếu sản phẩm đạt chứng chỉ.
Trăn trở của VPSA là hiện nay việc phát triển hồ tiêu và cà phê bền vững bị mâu thuẫn với phát triển sầu riêng bền vững vì mã số vùng trồng của sầu riêng phải trồng chuyên canh, trong khi nhiều hộ dân ở Tây Nguyên đang trồng xen canh nhiều loại cây gồm tiêu, sầu riêng, cà phê…
Để được cấp mã số vùng trồng sầu riêng phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều hộ dân đã và đang phá bỏ cây tiêu, chuyển sang trồng độc canh cây sầu riêng. Vấn đề này xảy ra tương đối nhiều tại những vùng trồng hồ tiêu tập trung như Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nơi chiếm trên 95% diện tích.
ThS Phan Thị Xuân Huệ, Khoa Quản trị, Trường Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh cho rằng, ở thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch nhiều hồ tiêu. Giá thế giới cao hơn trong nước, cộng thêm tâm lý sợ thiếu hàng và tăng giá nên nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lượng mua vào, đẩy giá hồ tiêu tăng nóng.
Tiêu đen nguyên hạt vẫn là chủng loại xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 70% tỷ trọng. Đứng thứ hai là tiêu đen xay, chiếm khoảng 15%; tiếp theo là tiêu trắng nguyên hạt gần 10%.
Tuy giá hồ tiêu đang tăng, nhưng do người dân không quan tâm chăm sóc khiến nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt, năng suất thấp, một số hộ chuyển sang các loại cây trồng khác nên Việt Nam chỉ có thể tận dụng được một phần nhỏ đà tăng của thị trường.
Đây là điều đáng tiếc, theo bà Huệ. Bởi năng lực chế biến hồ tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Mỗi năm các doanh nghiệp có thể xử lý lên tới trên 140.000 tấn. Ngoài việc tham gia vào khâu chế biến sản phẩm trong nước, ngành hồ tiêu có thể chế biến cho những nước xuất khẩu tiêu có công nghệ chế biến chưa phát triển như Indonesia, Campuchia, Brazil…
So với một số quốc gia như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Việt Nam còn có lợi thế xuất khẩu hồ tiêu sang EU, nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020. Bất chấp điều ấy, hồ tiêu Việt Nam vẫn chịu nguy cơ mất thị phần do các quốc gia như Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí thường rẻ hơn Việt Nam.
Để sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường thế giới một cách bền vững, bà Huệ khuyến nghị, các bên liên quan cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về dư lượng hóa chất, tiêu chí sản xuất theo hướng phát triển bền vững, không chạy theo sản lượng mà phải nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, người dân cần tích cực tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết nhà sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và nhà xuất khẩu.
"Mọi sự chuyển dịch cần được lên kế hoạch và tính toán kỹ lượng", ThS Phan Thị Xuân Huệ bày tỏ. Theo bà, 2 thị trường chính của hồ tiêu là châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa lấy lại được đà tiêu thụ. Một yếu tố nữa là FED liên tục tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát tại Hoa Kỳ. Điều này đẩy đồng USD ngược trở lại Hoa Kỳ khiến nhiều quốc gia thiếu ngoại tệ và hạn chế nhập khẩu hàng hóa không thiết yếu.
Hiện nay, hồ tiêu được xác định là 1 trong 11 ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu, giúp quảng bá thương hiệu quốc gia. Gần đây, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2024 phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, trong đó có hồ tiêu.