| Hotline: 0983.970.780

'Cởi trói' cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Hồng

Trở ngại 'ngáng chân' đại điền

Thứ Năm 03/08/2023 , 13:40 (GMT+7)

THÁI BÌNH Tích tụ, tập trung đất đai được xem là chìa khóa để mở cánh cửa cho cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Tuy nhiên, hoạt động này đang đối diện với nhiều rào cản.

Tập trung ruộng đất mở đường cho cơ giới hóa

Những năm gần đây, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, nhất là trong khâu gieo cấy.

Ông Đặng Ngọc Tân, Tổng thư ký CLB Đại điền Thái Bình chia sẻ về những vướng mắc trong việc tích tụ, tập trung đất đai. Ảnh: Trung Quân.

Ông Đặng Ngọc Tân, Tổng thư ký CLB Đại điền Thái Bình chia sẻ về những vướng mắc trong việc tích tụ, tập trung đất đai. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Ông Đặng Ngọc Tân, Tổng thư ký Câu lạc bộ Đại điền Thái Bình (CLB Đại điền) chia sẻ, việc tích tụ, tập trung đất đai, đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa là xu thế tất yếu vì lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng thiếu hụt do sự chuyển dịch mạnh mẽ sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, chỉ có tích tụ được đất đai thì máy móc mới có thể phát huy tối đa được công suất. Từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận.

Theo ông Tân, việc các đại điền tích tụ ruộng đất sẽ giúp hình thành các cánh đồng lớn, thuận lợi cho công tác quản lý, quy hoạch hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, bố trí khung thời vụ, xóa bỏ tình trạng mỗi hộ sản xuất một giống, đưa nhanh những giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, tiến tới xây dựng thương hiệu lúa gạo để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

Đối với khâu gieo cấy, khi có diện tích đủ lớn, các đại điền sẽ không ngần ngại đầu tư máy móc để phục vụ cho hoạt động của mình. Hiện tại, trong 400 thành viên của CLB Đại điền, hơn một nửa đã tự trang bị cho mình ít nhất 2 máy cấy (1 máy to ngồi lái và 1 máy dắt tay) để sử dụng phù hợp với đặc điểm của từng khu vực cấy (ruộng phẳng dùng máy to, ruộng bé hoặc các góc quay dùng máy dắt tay). Nhờ đó, tiết kiệm được công dặm tỉa và bắt kịp thời vụ.

CLB Đại điền Thái Bình trong một lần làm việc với ThaiBinh Seed bàn hướng hợp tác phát triển liên kết sản xuất. Ảnh: TL. 

CLB Đại điền Thái Bình trong một lần làm việc với ThaiBinh Seed bàn hướng hợp tác phát triển liên kết sản xuất. Ảnh: TL. 

Bài liên quan

Bên cạnh đó, khi đại điền cấy xong diện tích của mình có thể mở rộng phục vụ cho các hộ xung quanh. Như vậy, mỗi đại điền là một mô hình trình diễn quy mô lớn, một tuyên truyền viên, minh chứng sống động nhất để từng bước thay đổi cách hiểu của người dân về phương pháp cấy lúa bằng máy, sử dụng mạ khay.

Đại điền “tiến thoái lưỡng nan”

Mặc dù lợi ích từ việc tích tụ, tập trung đất đai là rất lớn, tạo điều kiện để đưa nhanh cơ giới vào sản xuất, tuy nhiên ông Đặng Ngọc Tân cho rằng, công tác này vẫn đang đối diện rất nhiều khó khăn, bất cập, chưa bền vững. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tâm lý sợ mất đất của các hộ có ruộng nhưng không còn nhu cầu sản xuất, dẫn tới khó hình thành mối quan hệ hợp tác lâu dài, giúp các đại điền an tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Hiện tại, hầu hết thỏa thuận giữa đại điền và các hộ cho thuê ruộng đều là thỏa thuận bằng miệng, không có sự ràng buộc bằng những hợp đồng thuê mượn hoặc giấy tờ có sự chứng kiến của chính quyền địa phương. Do đó, đã xảy ra trường hợp đại điền đầu tư rất nhiều chi phí gom ruộng, cải tạo đất, mua sắm máy móc, hoạt động được 1 - 2 vụ thì người dân đòi trả ruộng. Thậm chí chỉ vì một xích mích nhỏ, hờn dỗi nhau trong cuộc sống nhiều hộ cũng sẵn sàng đòi lại ruộng.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong tích tụ, tập trung đất đai đang cản trở việc đưa giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong tích tụ, tập trung đất đai đang cản trở việc đưa giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Hoàng Anh.

Điều này đẩy các đại điền vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, nhiều đại điền đã phải bù lỗ rất nặng. Nguy hại hơn là những cánh đồng có chủ trương canh tác hữu cơ, đại điền đã dày công cải tạo trong vòng 3 - 4 năm đành bỏ giữa chừng vì khi người cho thuê ruộng có nhu cầu lấy lại thì không thể không trả.

Trường hợp khác, đại điền thuê được đất, muốn tận dụng những địa điểm thuận lợi cải tạo để hình thành bãi sản xuất mạ khay (bãi mạ phải có thiết kế đặc biệt như cao, thoát nước nhanh, có nguồn nước tưới dưỡng, nhà trông coi bảo vệ…), tuy nhiên theo quy định thì không được làm thay đổi hiện trạng đất. Mặc dù các đại điền cam kết sẵn sàng trả lại hiện trạng ban đầu khi có yêu cầu nhưng vẫn khó thực hiện.  

Hiện mỗi đại điền trung bình thu về khoảng 200 tấn thóc/vụ. Lượng cung trong cùng một thời điểm quá lớn, trong khi việc tiêu thụ theo hợp đồng liên kết không đáng kể, chủ yếu bán tự do theo thị trường. Do đó, các đại điền không thể tiêu thụ hết lúa trong ngày một ngày hai; nhu cầu về nhà sấy, kho chứa là rất cấp thiết, trong khi quỹ đất hạn hẹp. Đây cũng là nguyên nhân khiến các đại điền e dè không dám đầu tư máy móc mở rộng diện tích vì càng mở rộng càng có nguy cơ rủi ro, thua lỗ.

Việc đưa cơ giới vào khâu gieo cấy lúa hiện vẫn gặp không ít trở ngại do quy mô sản xuất manh mún. Ảnh: Trung Quân.

Việc đưa cơ giới vào khâu gieo cấy lúa hiện vẫn gặp không ít trở ngại do quy mô sản xuất manh mún. Ảnh: Trung Quân.

Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, cơ giới hóa trong sản xuất lúa giúp chi phí sản xuất khâu gặt giảm từ 2 - 2,7 triệu đồng/ha; khâu gieo trồng giảm 2,7 - 3,2 triệu đồng/ha; khâu làm đất giảm 1,2 - 2,1 triệu đồng/ha. Hiện tại, toàn tỉnh có hơn 1.000 máy cấy các loại. Cấy lúa bằng máy mới đạt tỷ lệ hơn 20% diện tích.

Theo tính toán, trung bình 1 ngày 1 máy cấy 4 hàng cấy được 1ha, tương đương 30 người cấy lúa bằng tay, giúp giải quyết triệt để việc thiếu hụt lao động, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, việc cấy thưa giúp ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh, lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, bông to dài, năng suất lúa cao hơn cấy tay, gieo thẳng.

Lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ tích tụ đất đai

Theo ông Mai Thanh Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thái Bình, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh Thái Bình đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Sau khi Nghị quyết có hiệu lực, phong trào tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ngày càng phát triển sâu rộng. Đến nay, có hơn 2.600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai tại các huyện với tổng diện tích hơn 11.000ha (bình quân 4ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân).

Trong vòng 2 năm, diện tích tích tụ, tập trung đất đai tăng lên khá nhanh (tăng hơn 48% so với giai đoạn trước năm 2021). Tuy nhiên, quy mô tích tụ, tập trung đất đai phổ biến vẫn dưới 5ha/vùng (có khoảng 2.000 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích hơn 8.000ha). Vùng từ 5 đến dưới 10ha có khoảng 344 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích hơn 1.300ha. Vùng từ 10 đến dưới 20ha có khoảng 106 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích khoảng 672ha. Vùng từ 20ha trở lên có khoảng 27 tổ chức, cá nhân với tổng diện tích khoảng 339ha.

Đặc biệt, ngày 22/3/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác xây dựng cơ chế, chính sách tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Việc hình thành các bãi đặt khay mạ đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp hoặc không được thay đổi hiện trạng đất. Ảnh: Hoàng Anh.

Việc hình thành các bãi đặt khay mạ đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất hạn hẹp hoặc không được thay đổi hiện trạng đất. Ảnh: Hoàng Anh.

Tổ công tác có sự tham gia của nhiều sở ngành như Sở Kế hoạch và Đầu tư, NN-PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính… có trách nhiệm khảo sát thực tế, tập hợp, thống kê kết quả tích tụ, tập trung đất đai; nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ phía các địa phương, doanh nghiệp, HTX, hộ đại điền để đề xuất các giải pháp, tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ.

Trên cơ sở những kết quả thu được và đề xuất của Tổ công tác, ngày 12/7/2023, HĐND tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành nghị quyết quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai để phát triển kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2028.

Đối tượng được hỗ trợ theo nghị quyết rất đa dạng, nhằm tạo sự đồng bộ để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai, trong đó tập trung hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tích tụ, tập trung đất đai cho UBND cấp xã, cơ sở thôn; chính sách hỗ trợ với người dân có quyền sử dụng đất; hỗ trợ đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích tụ, tập trung đất đai để đầu tư sản xuất nông nghiệp…

Khi tích tụ được đất đai, các đại điền dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau, giải quyết những nút thắt trong khâu sản xuất mạ khay và dịch vụ cấy. Có quỹ đất lớn, đại điền sẽ hoạch toán được mỗi vụ sẽ sử dụng giống lúa nào, số lượng bao nhiêu. Từ đó, chủ động bố trí giá thể, máy móc, quỹ đất để làm mạ phù hợp, vừa đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng, vừa có thể nhận cung cấp cho các đại điền khác có nhu cầu.

Những đại điền không có điều kiện làm mạ cũng thuận lợi thống nhất lịch cấy với các cơ sở dịch vụ cấy máy hoặc các đại điền khác có khả năng cung cấp mạ và máy cấy, đảm bảo đúng tiến độ thời vụ. Ngoài ra, các đại điền có thể cân đối đổi công cho nhau để phát huy hết công suất máy, tiết kiệm chi phí…

Xem thêm
Vùng cao nuôi con đặc sản: [Bài 2] Thành công từ hai loài loài chim quý

Sau 10 năm nuôi các loại chim quý cho hiệu quả kinh tế cao, giữa tháng 3/2024, anh Tô Vũ Thành Tín được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Trồng sầu riêng nghịch vụ, kiếm tiền tỷ mỗi năm

CẦN THƠ Một kỹ sư nông nghiệp có bí quyết xử lý sầu riêng nghịch vụ, tận dụng khoảng trống thị trường để bán được giá cao, mang về doanh thu tiền tỷ mỗi năm.