Máy cấy gỡ nhiều "nút thắt”
Trong sản xuất lúa, mỗi phương pháp gieo cấy được người dân sử dụng ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá, hình thức sử dụng máy cấy - mạ khay giải quyết cùng lúc được nhiều “nút thắt” trong khâu gieo cấy hiện nay.
Gieo mạ khay giúp nông dân khắc phục được những ảnh hưởng của thời tiết bất thuận để bảo vệ mạ, giảm công lấy bùn, làm đất gieo mạ, nhổ mạ... so với cách làm mạ truyền thống.
Đặc biệt, mạ khay có ưu điểm là cấy mạ non nên cây giữ nguyên được hạt lúa (còn gọi là “gan” mạ), lượng dinh dưỡng vẫn tiếp tục được bổ sung cho cây. Do đó, khi cấy xuống ruộng mạ nhanh bén rễ, hồi xanh và khả năng đẻ nhánh rất khỏe, số dảnh khi cấy ít hơn sẽ tiết kiệm được chi phí giống. Bên cạnh đó, mạ khay có thể cấy bằng tay theo truyền thống hoặc cấy bằng máy nên rất thuận tiện cho nông dân sử dụng.
Việc cấy bằng máy giúp thay đổi tập quán cấy mật độ dày, sâu tay, không hàng lối, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào khâu chăm bón, làm cỏ, thúc đẩy việc dồn điền đổi thửa, quy vùng được cánh đồng lớn, thúc đẩy hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, tạo sự liên kết trong sản xuất. Đồng thời, không có máy cấy nào có thể phục vụ mỗi hộ một giống lúa nên địa phương chỉ chọn những giống nhất định để cấy, điều này tạo thuận lợi trong việc bố trí khung thời vụ, thủy lợi, thu hoạch, chăm sóc, bảo vệ thực vật (BVTV)…
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, qua việc triển khai thực hiện các mô hình máy cấy tại vùng ĐBSH cho thấy, năng suất lao động (khâu gieo cấy) tăng từ 5 - 7 lần. Lượng giống sử dụng khi cấy bằng máy khoảng 35kg/ha, giảm từ 30 - 40% so với cấy tay. Hơn nữa, việc sử dụng máy cấy giúp ruộng thông thoáng, lúa sinh trưởng phát triển tốt, cây cứng, ít bị đổ ngã, dễ kiểm soát cỏ dại và sâu bệnh, giảm sử dụng phân bón và thuốc BVTV, thuận tiện cho thu hoạch bằng máy. Sử dụng máy cấy giúp giảm bình quân chi phí đầu vào khoảng 2 - 3 triệu đồng/ha, năng suất lúa cao hơn từ 500 - 800kg/ha, tăng thu nhập khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/ha.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, cán bộ phụ trách kỹ thuật thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Hưng Yên (Sở NN-PTNT Hưng Yên) chia sẻ: Cấy máy giúp giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề như giảm áp lực thời vụ, tránh thời tiết bất thuận giai đoạn gieo cấy, chi phí dịch vụ rẻ (chỉ khoảng 300.000 đồng/sào, bao gồm cả tiền giống). Nếu cấy theo phương pháp truyền thống, riêng tiền thuê lao động đang ở mức bình quân 350.000 đồng/ngày công, nơi cao lên đến 400.000 - 450.000 đồng/ngày công, thậm chí nhiều nơi còn không thuê được lao động.
Khắc phục những hạn chế của phương pháp gieo thẳng, sạ hàng
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Liêm (Hà Nam) cho biết những năm qua, diện tích gieo thẳng tại các địa phương trên địa bàn toàn huyện không ngừng tăng cao. Hàng năm, trong cả hai vụ, diện tích gieo thẳng đều đạt trên 90% tổng diện tích lúa toàn huyện.
Việc người dân lạm dụng giống, phân bón, thuốc BVTV khi gieo thẳng (thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, hậu nảy mầm, thuốc ốc bươu vàng, thuốc sâu bệnh...) dẫn tới chi phí đầu vào tăng cao, chưa kể đến dư lượng thuốc BVTV làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, sinh vật, nguồn nước và môi trường.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường, trong vụ xuân rét đậm, rét hại kéo dài; vụ mùa thường xảy ra mưa lớn gây ngập úng trùng thời điểm gieo cấy khiến nhiều diện tích lúa bị chết, phải gieo đi gieo lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời vụ và chi phí sản xuất.
Mặt khác, tình trạng lúa cỏ (lúa ma) đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, đặc biệt xuất hiện nhiều trên các diện tích lúa gieo thẳng, làm giảm hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác, giảm năng suất, chất lượng lúa, nông dân mất rất nhiều công để nhổ bỏ và loại trừ...
Do đó, việc đẩy mạnh cơ giới hóa cấy lúa sẽ khắc phục được triệt để những hạn chế của phương pháp gieo thẳng.
Hải Dương là tỉnh có diện tích gieo thẳng tương đối lớn ở khu vực ĐBSH. Những năm qua, tỉnh luôn tiên phong thử nghiệm các giải pháp gieo cấy mới để từng bước giúp người dân thay đổi thói quen gieo thẳng, nâng cao giá trị sản xuất lúa. Một trong số đó phải kể đến phương pháp sạ hàng.
Ông Nguyễn Phú Thụy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông Hải Dương phân tích, phương pháp sạ hàng có những điểm tương đồng với phương pháp gieo thẳng như kỹ thuật ngâm, ủ hạt thóc, làm đất, điều tiết nước mặt ruộng… nên khi mới đưa về, người dân rất hào hứng dùng thử. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai và nhân rộng, phương pháp này lại bộc lộ những nhược điểm, khiến hầu hết các hộ không mặn mà.
Cụ thể, diện tích canh tác của các hộ vẫn còn manh mún, có hộ lên tới 6 - 7 mảnh ruộng nhưng lại không gieo cùng một giống. Điều này dẫn tới tình trạng người dân liên tục phải di chuyển dụng cụ sạ hàng tới những khu vực khác nhau. Bên cạnh đó, mỗi lần gieo xong một giống lại phải phải tiến hành vệ sinh máy để tránh lẫn giống, làm tốn thêm thời gian và công lao động.
Để dụng cụ sạ hàng hoạt động hiệu quả, hạt thóc ngâm ủ phải đảm bảo kỹ thuật (chỉ cần nứt nanh) mới có thể lọt qua các lỗ gieo của máy. Tuy nhiên, với đặc thù thời tiết, khí hậu của miền Bắc, nếu vụ xuân gặp thời tiết rét đậm, rét hại, vụ mùa gặp thời tiết mưa lớn kéo dài, thóc đã nứt nanh mà không kịp gieo sẽ tiếp tục phát triển khiến mầm, rễ mạ dài hơn, khi gieo sẽ khó lọt qua lỗ gieo của máy, dẫn tới mật độ gieo không đồng đều. Ngoài ra, khi dùng phương pháp sạ hàng, độ chìm của hạt thóc không cao, gặp mưa lớn sẽ bị rửa trôi, dồn mạ, chuột, ốc dễ phá hại…
Còn nhiều rào cản
Ông Vũ Đình Tam, Giám đốc HTX Dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp Tân Hồng, thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (huyện Bình Giang, Hải Dương) chia sẻ, khó khăn lớn nhất đối với các đơn vị làm dịch vụ mạ khay - cấy máy là chi phí đầu tư ban đầu lớn (mua máy móc, giá thể, khay mạ, máy gieo, xây dựng nhà xưởng…).
Đặc biệt, một cơ sở sản xuất mạ khay đòi hỏi phải có quỹ đất đủ lớn để chứa giá thể, đặt máy gieo, khay mạ và lắp đặt hệ thống tưới… Đơn cử HTX của ông được UBND xã tạo điều kiện cho thuê lại diện tích hơn 4.000m2 trong thời gian 5 năm để sản xuất. Tuy nhiên, trung bình mỗi vụ HTX triển khai dịch vụ cấy máy - mạ khay cho diện tích hơn 400 mẫu, số lượng khay mạ cần phải sản xuất khoảng 4 vạn khay nên diện tích này vẫn không đủ để đặt hết số lượng khay mạ.
Theo ông Tam, địa phương không có giá thể phù hợp nên HTX phải vào tỉnh Thanh Hóa để mua (giá thể phải đảm bảo ít sâu bệnh, thoát nước tốt, đất tơi để khi cấy máy không bị giắt...). Do đó, để tiết kiệm chi phí vận chuyển, mỗi lần lấy giá thể với số lượng lớn đòi hỏi phải có diện tích đủ rộng để dựng nhà xưởng tập kết, đặt máy sàng, máy gieo vì những thiết bị này không thể đặt ngoài trời.
Khi đã cho ra thành phẩm là các khay mạ, cũng đòi hỏi phải có diện tích lớn để đặt khay và chăm sóc. Bởi lẽ, sân đặt khay phải đảm bảo các yếu tố kỹ thuật như cao, thoáng, thoát nước nhanh. Tuy nhiên, hiện tại, HTX vẫn phải đi gửi nhờ tại các bãi đất trống, sân vận động, sân nhà văn hóa ở các thôn trong xã…
Việc đi mượn đất để đặt khay luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro như gặp phải thời tiết mưa to, gió lớn không thể che chắn kịp. Bãi đặt khay thoát nước kém gây ngập úng, rất dễ làm giảm chất lượng mạ, thậm chí nhiều khay hỏng phải đổ bỏ (việc này đã xảy ra). Bên cạnh đó, nếu bãi làm mạ quá xa sẽ gây khó khăn cho quá trình chăm sóc, bảo vệ vì dễ xảy ra tình trạng mất cắp, tốn kém thêm chi phí vận chuyển, chất lượng mạ bị ảnh hưởng. Chưa nói việc nhiều nơi người dân không ủng hộ việc HTX mượn đất tập thể để sản xuất.
Cũng theo ông Tam, hiện nay có một thực tế rất đáng tiếc là nhu cầu sử dụng mạ khay - cấy máy của người dân tăng lên nhưng khả năng đáp ứng của các tổ dịch vụ lại có hạn khiến nhiều hộ chưa thể chuyển đổi sang hình thức cấy bằng máy, chủ máy cũng chưa thể phát huy được hết công suất máy để gia tăng lợi nhuận.
“Khung thời vụ gieo cấy ở các tỉnh miền Bắc thường ngắn (vụ đông 20 - 22 ngày, vụ mùa 12 - 15 ngày). Trong khi đó, một máy cấy 6 hàng hoạt động hết công suất trong điều kiện ruộng bằng phẳng có thể cấy được 3,5 - 4ha/ngày. Như vậy, HTX có 5 máy cấy, tối đa vụ mùa cũng chỉ cấy được hơn 300ha. Nếu các địa phương có khung thời vụ sớm hơn hoặc muộn hơn thì mới có thể tranh thủ đưa máy sang cấy dịch vụ để tăng thêm nguồn thu, còn không máy cấy chỉ hoạt động trong vòng nửa tháng rồi cất vào kho”, ông Tam cho hay.