| Hotline: 0983.970.780

'Cởi trói' cơ giới hóa vùng Đồng bằng sông Hồng

Cấy lúa bằng máy vẫn ì ạch

Thứ Ba 01/08/2023 , 09:15 (GMT+7)

Mặc dù các địa phương trong vùng có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa, tuy nhiên tỷ lệ cấy lúa bằng máy toàn vùng mới đạt khoảng 12%.

Tỷ lệ cấy lúa bằng máy mới đạt 12%

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất, đáp ứng được tiến độ thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân...

Bên cạnh đó, cơ giới hóa còn thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng lớn, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất. Việc sử dụng máy móc cơ khí là hướng thu hút lao động trẻ có tay nghề ở nông thôn, hạn chế mất cân đối lực lượng lao động giữa khu vực thành thị và nông thôn...

Tại vùng ĐBSH, tỷ diện tích cấy lúa bằng máy mới đạt khoảng 12%. Ảnh: Trung Quân.

Tại vùng ĐBSH, tỷ diện tích cấy lúa bằng máy mới đạt khoảng 12%. Ảnh: Trung Quân.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) có lợi thế về thâm canh lúa, lúa đặc sản, thị trường tại chỗ lớn, dân trí cao, cơ sở hạ tầng phát triển… Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay mức độ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa trong vùng chỉ tập trung ở một số khâu như làm đất, tưới tiêu (đạt trên 90%), phun thuốc bảo vệ thực vật (80%), thu hoạch (hơn 80%), vận chuyển (hơn 75%). Tuy nhiên, một số khâu mức độ cơ giới hóa còn thấp như cấy lúa bằng máy mới đạt khoảng 12%, sấy khoảng 20%...

Theo ThS Lê Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu máy nông nghiệp và thủy khí (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch - VIAEP), việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc gặp nhiều thách thức và không có sự đồng đều giữa các khâu. Trong khâu cấy, tỷ lệ cấy lúa bằng máy rất thấp. Nguyên nhân cơ bản vẫn do diện tích canh tác manh mún, lô thửa nhỏ gây khó khăn trong áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại.

Theo thống kê, tại vùng ĐBSH có tới 98% hộ có diện tích ruộng đất dưới 0,5ha/hộ. Tỷ lệ thửa ruộng có diện tích dưới 500m2 là phổ biến (chiếm gần 47%). Tỷ lệ thửa ruộng có diện tích lớn hơn 2.000m2 chỉ chiếm hơn 5%. Tỷ lệ chiều dài thửa ruộng (30 - 50m) chỉ chiếm hơn 31%. Đặc biệt, tỷ lệ chiều dài nhỏ hơn 30m chiếm hơn 8%, trong khi tỷ lệ ruộng có bề rộng nhỏ hơn 20m chiếm khá cao, hơn 56%.

Bên cạnh đó, cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cả về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy (mới đạt khoảng 33% nhu cầu sản phẩm cơ khí). Máy kéo, máy gặt lúa chủ yếu của Kubota, Yanmar (Nhật Bản), Hàn Quốc; máy phun thuốc, máy gieo hạt, máy cắt cỏ chủ yếu của Honda (Nhật Bản)…

Diện tích canh tác manh mún là một trong những rào cản khiến tỷ lệ cơ giới khâu cấy lúa ở ĐBSH còn rất thấp. Ảnh: Hoàng Anh.

Diện tích canh tác manh mún là một trong những rào cản khiến tỷ lệ cơ giới khâu cấy lúa ở ĐBSH còn rất thấp. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho rằng, cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng tính thực thi vẫn chưa cao, đặc biệt về cơ chế tài chính do nguồn lực còn hạn chế. Khả năng tiếp cận vốn vay của người dân gặp nhiều khó khăn do không có tài sản thế chấp. Cơ chế hỗ trợ tín dụng đầu tư phát triển cho các cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp không hấp dẫn các cơ sở đầu tư cơ khí.

Một trong những rào cản phát triển cơ giới hóa trong sản xuất lúa hiện nay là quy hoạch cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất, quy mô mảnh, thửa, độ phẳng, độ dốc, hệ thống tưới tiêu, đường giao thông nội đồng… chưa có sự đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu phát triển cơ giới hóa, nhất là những loại máy công suất lớn.

Hỗ trợ mạnh tay, nhưng đà tiến vẫn ì ạch

Theo Sở NN-PTNT Hà Nam, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, đặc biệt là khâu gieo cấy như ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay - cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020 - 2023”. Kết quả, đến năm 2023, tỉnh đã hỗ trợ 50% kinh phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (tương đương hơn 145.000 đồng/sào Bắc bộ) cho 16 mô hình trình diễn cấy máy (quy mô 25ha/mô hình); hỗ trợ 10 tổ dịch vụ với mức 50% giá trị của 25.000 khay gieo mạ và 50% giàn máy gieo mạ khay tự động.

Thời gian tới, Hà Nam tiếp tục hỗ trợ 30% giá trị máy cấy có công suất từ 4,3 mã lực trở lên (tối đa không quá 120 triệu đồng). Mỗi tổ chức, cá nhân tối đa không quá 1 máy, mỗi đơn vị cấp xã tối đa không quá 5 máy cấy. Hỗ trợ 30% giá trị hệ thống giàn máy gieo khay mạ tự động phục vụ cấy máy (tối đa không quá 30 triệu đồng), hỗ trợ mỗi tổ chức, cá nhân không quá 1 hệ thống...

Nhu cầu cấy lúa bằng máy của người dân ngày càng tăng lên, nhưng năng lực đáp ứng của máy móc vẫn chưa đảm bảo. Ảnh: Trung Quân.

Nhu cầu cấy lúa bằng máy của người dân ngày càng tăng lên, nhưng năng lực đáp ứng của máy móc vẫn chưa đảm bảo. Ảnh: Trung Quân.

Chính sách hỗ trợ mạnh tay như vậy, nhưng tỷ lệ diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh này cũng mới chỉ đạt trên 15%. Số lượng máy cấy hiện còn khá ít, cả tỉnh chỉ có khoảng 300 chiếc. Trong đó, máy cấy chuyên dụng cỡ to có 51 chiếc, còn lại là máy cấy thủ công. Công suất bình quân mỗi máy cấy chuyên dụng chỉ đạt 2,5 - 3ha/ngày. Như vậy, với thời vụ cấy của tỉnh trung bình diễn ra trong vòng 15 ngày, mỗi vụ một máy chỉ đảm nhiệm được tối đa 40 - 45ha.

Cùng với đó, khâu gieo cấy bằng máy đòi hỏi công tác tổ chức của các địa phương, các HTX dịch vụ nông nghiệp phải có sự đồng bộ từ quy hoạch vùng, phục vụ tưới tiêu đến hỗ trợ cho dịch vụ cấy máy, mặt bằng để khay mạ… Tổ dịch vụ, HTX chuyên ngành mạ khay - cấy máy của tỉnh mới có 21 đơn vị hoạt động, trong khi nhu cầu áp dụng lúa cấy bằng máy của người dân các địa phương ngày càng tăng lên, nên chưa thể đáp ứng đủ.

Về ruộng đất, tại Hà Nam hiện đã được dồn đổi còn trung bình 1,2 - 1,5 mảnh/hộ (bình quân 500m2/khẩu) nhưng phần lớn vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Điều này dẫn đến khó khăn khi áp dụng cơ giới hóa.

Đội ngũ điều khiển máy, thiết bị nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo hoặc trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ bản, dẫn tới quá trình làm việc gặp nhiều khó khăn, máy móc cơ giới hay xảy ra sự cố hỏng hóc…

Nông dân chưa sẵn sàng thay đổi

Tại tỉnh Hưng Yên, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ gieo cấy lúa bằng máy. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 100 máy cấy và trên 800 công cụ sạ hàng. Tuy nhiên, ở một số địa phương, người dân đã hình thành thói quen gieo sạ bằng tay (gieo thẳng) nên khi vận động chuyển sang áp dụng các giải pháp cơ giới hóa, nhiều hộ vẫn chưa sẵn sàng để thay đổi.

Ông Nguyễn Xuân Đạt, Trưởng thôn Tần Tiến, xã Minh Tân (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) chia sẻ, trước đây người dân trong thôn chủ yếu sử dụng phương pháp cấy bằng tay (cấy mạ dược), tuy nhiên, khi bộ giống lúa lai được đưa vào sản xuất, tỉnh có chủ trương khuyến khích người dân sử dụng phương pháp gieo thẳng và cấy mạ non vì cách làm này sẽ giúp phát huy được tối đa ưu thế lai, gia tăng năng suất.

Nhận thấy việc gieo thẳng có những ưu điểm như rút ngắn được thời gian hơn so với cấy bằng tay, không tốn nhiều công lao động, phù hợp với bối cảnh ngày càng thiếu hụt lực lượng lao động… nên nhiều hộ đã áp dụng và “nghiện” cho tới bây giờ.

Người dân ở nhiều địa phương có tập quán gieo thẳng (gieo vãi) nên ngại khi phải chuyển đổi hình thức cấy mới. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân ở nhiều địa phương có tập quán gieo thẳng (gieo vãi) nên ngại khi phải chuyển đổi hình thức cấy mới. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo ông Đạt, với truyền thống sử dụng phương pháp gieo thẳng, bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này cũng có những hạn chế nhất định như đòi hỏi kỹ thuật ngâm ủ thóc, quy trình chăm sóc chặt chẽ hơn so với lúa cấy bằng mạ dược. Việc điều tiết nước phải luôn được đảm bảo, chủ động trước và sau khi gieo, trong khi đó hệ thống thủy lợi ở một số nơi chưa đáp ứng tốt yêu cầu tưới, tiêu.

Bên cạnh đó, nếu gieo không đều mật độ thì vừa tốn giống, vừa mất rất nhiều công tỉa, dặm. Vụ xuân, nếu gặp thời tiết rét sâu thì tỷ lệ mầm hỏng cao. Vụ mùa nếu vừa gieo xong gặp mưa lớn rất dễ gây xô mầm, thất thoát, thậm chí khi đã lên cây non cũng dễ đổ ngã hơn lúa cấy.

Ngoài ra, ruộng lúa gieo thẳng thường bị chim, chuột phá hại hơn lúa cấy. Những ruộng gieo dày dễ phát sinh sâu bệnh, tốn kém chi phí thuốc BVTV... Tuy nhiên, nếu được hỏi có quay lại sử dụng phương pháp cấy bằng tay như trước kia hay không thì bất kỳ người dân nào trong thôn cũng đều trả lời là không.

Trưởng thôn Nguyễn Xuân Đạt quả quyết, nếu bắt buộc phải thay đổi hình thức cấy thì chắc chắn người dân chỉ chọn cấy máy - mạ khay. Bởi lẽ, phương pháp này có tất cả những ưu điểm cũng như khắc phục được hầu hết hạn chế của phương pháp gieo thẳng. Tuy nhiên, các hộ vẫn chưa sẵn sàng để chuyển đổi sang phương pháp này.

Lý do cơ bản là hầu hết các hộ trong thôn vẫn còn nhân lực để tận dụng. Đồng thời, cả thôn cùng gieo thẳng nên người dân đã quen với cách thức vận hành khung thời vụ, giống, điều tiết thủy lợi... Nếu muốn chuyển đổi thì cả thôn phải cùng chuyển đổi mới có thể làm được.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Hành vụ đông bội thu

HẢI DƯƠNG Mỗi sào hành vụ đông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng, bằng 8 - 10 sào lúa.